"Kế tục hay không kế tục"?

THÀNH TRUNG 02/07/2021 11:00

Theo truyền thống Á Đông, hầu hết các doanh nghiệp tư nhân và gia đình của Việt Nam đều trao quyền điều hành giữa các thế hệ F1-F2-F3 trong gia đình.

Cha truyền con nối liệu có phải luôn tốt và đã đến lúc thay đổi? 

Thuộc thế hệ hai lãnh đạo tập đoàn Tân Hiệp Phát, Trần Uyên Phương muốn thoát khỏi cái bóng

Thuộc thế hệ hai lãnh đạo tập đoàn Tân Hiệp Phát, Trần Uyên Phương muốn thoát khỏi cái bóng "con ông chủ" và đem thương hiệu gia đình ra thế giới.

Trước tiên cần nói đến bản chất của vấn đề. Trong giai đoạn đầu phát triển, nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản hay Hàn Quốc (chaebol) đều có xuất phát điểm là công ty gia đình cũng được điều hành bởi những ông chủ “chuyên quyền”. Dần dần theo thời gian, những thế hệ kế nghiệp kế tiếp được đi du học đã nhận ra hạn chế của mô hình cũ, buộc họ phải tự từ bỏ bớt quyền lực trong công ty nhà và tuyển chọn người giỏi bên ngoài về điều hành. Nhưng trong thực tế Việt Nam, doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa dám trao toàn bộ quyền điều hành công ty cho người ngoài, đặc biệt với một số vị trí theo chốt như CEO hay CFO. 

Trao quyền cho người ngoài, vì sao khó?

Nhìn một cách sâu xa, đây là khía cạnh có yếu tố văn hóa. Lấy ví dụ đơn giản, các công ty Việt Nam khi tuyển dụng nhân sự thường có xu hướng nhờ người thân quen, bạn bè giới thiệu. Trong điều hành công ty, người chủ doanh nghiệp thường đưa ra các chỉ đạo có tính mệnh lệnh buộc cấp dưới phải tuân theo. Trong trường hợp người đưa ra mệnh lệnh là cấp quản lý và người trong gia đình nhưng năng lực chuyên môn không giỏi sẽ đẩy cấp dưới có chuyên môn vào tình huống khó xử: tuân theo lệnh thì không tốt cho doanh nghiệp (vì cấp trên không hiểu thực tế bằng cấp dưới), không tuân theo thì không được.

Lê Thị Ngọc Linh - một trong số ít các CEO tại các doanh nghiệp gia đình là “người ngoài”.

Lê Thị Ngọc Linh - một trong số ít các CEO tại các doanh nghiệp gia đình là “người ngoài”.

Ở các nước phát triển, việc doanh nghiệp “chọn mặt gửi vàng” vào những người bên ngoài gia đình, tất nhiên là phải giỏi, không phải là chuyện hiếm. Người nước ngoài làm việc dựa trên nguyên tắc quyền lợi, đàm phán rất kỹ về quyền lợi với nhà quản lý đi thuê, sau đó mới xây dựng quan hệ trong công việc. Họ không lo bị “qua mặt”, bởi quyền hạn và trách nhiệm của nhà quản lý đã được quy định chi tiết trong hợp đồng. Chủ tịch các tập đoàn đa quốc gia (MNC) của Mỹ, Anh, Úc không giám sát CEO đi thuê theo đầu việc, vì họ chỉ quan tâm tới mục đích cuối cùng đã được lượng hóa bằng các chỉ tiêu KPI trong kinh doanh. Trong khi đó, ở các doanh nghiệp Việt CEO được thuê luôn bị một thứ áp lực rất lớn “tròng vào cổ” như sợi dây vô hình nhưng rất chặt: cái bóng đầy quyền lực của ông/bà chủ và gia đình họ.

44% thế hệ F2 được hỏi hiện đang tham gia vào công việc kinh doanh của gia đình. Nguồn: PWC Bd2: Phần lớn F2 được khảo sát lựa chọn “Internet của vạn vật” (IoT) là xu hướng công nghệ có tác động lớn nhất đến các doanh nghiệp gia đình trong tương lai. Tỉ lệ này ở Việt Nam cao hơn đáng kể so với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (76%).

44% thế hệ F2 được hỏi hiện đang tham gia vào công việc kinh doanh của gia đình. Nguồn: PWC Bd2: Phần lớn F2 được khảo sát lựa chọn “Internet của vạn vật” (IoT) là xu hướng công nghệ có tác động lớn nhất đến các doanh nghiệp gia đình trong tương lai. Tỉ lệ này ở Việt Nam cao hơn đáng kể so với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (76%).

Các doanh nghiệp gia đình (DNGĐ) thường được xem như xương sống của nhiều nền kinh tế trên thế giới, theo Khảo sát thế hệ kế nghiệ p- Tâm điểm Việt Nam 2019, được PWC công bố tháng 3/2020. Báo cáo của PWC trích dẫn dữ liệu từ Family Firm Institute (Viện DNGĐ), ước tính hàng năm các doanh nghiệp này đóng góp khoảng 70-90% vào GDP toàn cầu và tạo ra 50-80% việc làm ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, khu vực kinh tế tư nhân (bao gồm cả doanh nghiệp gia đình) ước tính đóng góp khoảng 42% vào GDP của cả nước năm 2018.

PWC có một phát hiện đáng chú ý: tầm nhìn và động lực phát triển có được từ thế hệ sáng lập ngày càng mờ nhạt qua từng thế hệ. Theo khảo sát trên, ở phạm vi thế giới chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp gia đình thực hiện chuyển giao thành công sang thế hệ kế nghiệp thứ hai, 12% tồn tại được đến thế hệ thứ ba và chỉ 3% duy trì được đến thế hệ thứ tư, thứ năm…

Phần lớn các DNGĐ Việt Nam cũng đang loay hoay với bài toán hóc búa chuyển giao quyền điều hành cho thế hệ kế tiếp. Tại T&T, cậu con trai thứ hai Đỗ Vinh Quang, sinh năm 1995, đảm nhiệm vai trò lãnh đạo tại Ban Đầu tư, đồng thời được ông Hiển chỉ định làm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại Dịch vụ Tràng Thi (một công ty thuộc sở hữu của ông Hiển). So với tuổi đời, hai con trai ông Hiển đã đạt được những thành công ban đầu, nhưng đều có bóng dáng của cha. Gánh nặng điều hành vì thế vẫn ở trên vai ông Hiển, với tất cả những quyết định đầu tư và kinh doanh quan trọng nhất đều được đưa ra từ “tầng 6 số 77 Trần Hưng Đạo” (phòng làm việc của ông Hiển tại SHB). Không có ngày nào ông được ngủ đủ 8 tiếng như người bình thường.

Chủ doanh nghiệp nắm vững được mô hình 3 vòng tròn Gia đình - Kinh doanh - Sở hữu sẽ giúp họ điều hành thuận lợi hơn khi thấu hiểu từng nhân tố trong doanh nghiệp. (Nguồn: Harvard)

Chủ doanh nghiệp nắm vững được mô hình 3 vòng tròn Gia đình - Kinh doanh - Sở hữu sẽ giúp họ điều hành thuận lợi hơn khi thấu hiểu từng nhân tố trong doanh nghiệp. (Nguồn: Harvard)

Hai con trai ông, dù có cố gắng đến mấy cũng khó lòng một sớm một chiều gánh vác sản nghiệp đồ sộ mà cha họ tạo dựng nên trong hàng chục năm. Tầm nhìn và động lực của thế hệ kế nghiệp nhà doanh nhân Đỗ Quang Hiển cũng không thể bằng thế hệ cha họ, một phần nguyên nhân bởi họ... quá sung sướng và đầy đủ, không có sức chiến đấu và khát khao làm giàu như ông Hiển.

Tại Tập đoàn Alphanam, câu chuyện cũng tương tự. Con trai lớn Nguyễn Minh Nhật và con gái Nguyễn Ngọc Mỹ của ông chủ Alphanam Nguyễn Tuấn Hải cũng dần đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong các doanh nghiệp của gia đình, với nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Tại Tân Hiệp Phát, con gái lớn ông Trần Quí Thanh, bà Trần Uyên Phương hiện là Phó Tổng Giám đốc.

Có lẽ điều khó nhất khiến người chủ doanh nghiệp tư nhân “dám” chọn người ngoài để trao quyền quản lý là nỗi lo chọn sai người, trao nhầm việc.

Câu chuyện nữ CEO 8X là người ngoài của IVY MODA

“Đây là thời điểm tôi nghĩ đến quyết định cần phải chuyển giao. Tất nhiên người kế nhiệm thì đã được chuẩn bị và đào tạo từ trước rồi. Bài test thực sự là cuộc chơi đã đi cùng nhau 7 năm nay rồi”, ông Nguyễn Vũ Anh, Chủ tịch Công ty thời trang IVY moda chia sẻ riêng với DOANH NHÂN.

Chịu khó quan sát các doanh nghiệp tư nhân có xuất phát điểm gia đình tại nước ta sẽ thấy số lượng doanh nghiệp có CEO là người ngoài gia đình đếm trên đầu ngón tay, trừ một số ngành đặc thù như ngân hàng. Đa phần các nhà sáng lập doanh nghiệp đều lo ngại đặt niềm tin nhầm người, mặc dù họ sẵn sàng trả mức lương và thưởng rất cao để “săn” nhân tài. Nỗi quan ngại lớn nhất của nhà sáng lập là CEO được thuê có thể có những sai lầm trong chiến lược điều hành, làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của công ty. Hầu hết các nhà sáng lập đều phải đổ mồ hôi công sức trong nhiều năm để gây dựng công ty của họ, cho nên họ luôn tìm mọi cách để kiểm soát doanh nghiệp của mình theo cách mà họ nghĩ là đúng. Và điều này vô hình chung lại cản trở sự điều hành của các CEO được thuê, những người cần có sự độc lập và trao quyền đủ lớn để có thể phát huy tài năng.

Trở lại câu chuyện chuyển giao thú vị ở IVY moda, các nhân viên đều cho biết họ không có cảm giác đây là công ty gia đình. “Tất cả các vị trí chủ chốt và đi cùng tôi để xây dựng IVY moda như ngày nay đều được tuyển dụng từ bên ngoài”, ông Vũ Anh chia sẻ với DOANH NHÂN.

Tân CEO IVY moda Lê Thị Ngọc Linh sinh năm 1987. Cô rời Việt Nam đi học MA International Business tại Anh trong 1,5 năm, chuyên ngành bán lẻ thời trang, đặc biệt là lĩnh vực Logistic và chuỗi cung ứng. Nhờ kiến thức chuyên sâu này, Linh đã ứng dụng việc quản trị chuỗi cung ứng rất nhiều trong 3 năm đầu làm việc tại công ty thời trang này, giúp công ty xây dựng hệ thống bán lẻ, tối ưu kênh bán hàng và kiểm soát tốt vấn đề hàng tồn kho. Linh nổi tiếng với tính cách kiên quyết và mạnh mẽ, không ngại đưa ra những ý tưởng mới và quản lý công ty theo cách của riêng mình từ khi cô còn đảm nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc.

Linh cho biết, tại thời điểm năm 2014, cô có 2 định hướng công việc khá rõ ràng là phát triển sự nghiệp trong ngành bán lẻ thời trang hoặc đầu quân cho một công ty công nghệ bán lẻ. Sau khi trao đổi với ông Vũ Anh, Linh cảm thấy giữa cô và doanh nhân này có nhiều điểm đồng thuận là niềm đam mê lớn với thời trang cùng với sự tập trung cao độ và cô nhận lời đầu quân cho công ty này.

Khi được DOANH NHÂN hỏi về chuyện kế nghiệp của 3 người con trong tương lai, ông Nguyễn Vũ Anh khẳng định: “Các con tôi đều thừa nhận CEO Lê Thị Ngọc Linh đang làm rất tốt. Cũng có thể, sau này khi con trai lớn tôi đủ vững vàng để chèo lái tốt hơn Linh chả hạn, thì lúc ấy cậu ấy sẽ làm CEO, còn Linh lại thay tôi làm chủ tịch còn tôi làm cố vấn thôi. Tôi thích nhất là đi chơi (cười)”.

Có thể bạn quan tâm

  • “Những ngọn đuốc” trong doanh nghiệp gia đình

    “Những ngọn đuốc” trong doanh nghiệp gia đình

    05:00, 28/06/2021

  • Kích hoạt chuyển giao trongp/doanh nghiệp gia đình

    Kích hoạt chuyển giao trong doanh nghiệp gia đình

    15:36, 16/02/2021

  • Doanh nghiệp gia đình nhiều thế hệ trong đại dịch Covid-19: Lùi lại một bước tạm nghỉ để tiến tiếp

    Doanh nghiệp gia đình nhiều thế hệ trong đại dịch Covid-19: Lùi lại một bước tạm nghỉ để tiến tiếp

    16:51, 18/08/2020

THÀNH TRUNG