Sức mạnh nội sinh
Việc truyền lửa kinh doanh cho các thành viên trong gia đình luôn là một yếu tố then chốt tạo nên thành công trong việc đào tạo và phát triển thế hệ lãnh đạo kế cận.
Tại Việt Nam, Top 100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất đóng góp khoảng 25% GDP của cả nước. Trong danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam có nhiều doanh nghiệp gia đình và không ít trong số này có cổ phiếu thuộc nhóm Bluechips trên thị trường chứng khoán.
Văn hóa gia đình là nền tảng
Văn hóa gia đình có một vai trò rất quan trọng và tạo nên sức mạnh cho các doanh nghiệp gia đình. Không môi trường nào có ảnh hưởng đến hành vi của con người bằng gia đình.
Giá trị gia đình có thể hình thành từ các sinh hoạt thông thường qua thói quen ứng xử, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và trong các mối quan hệ xã hội khác... Chính những giá trị này có tác dụng sâu sắc đến nhận thức, hành vi của mỗi thành viên, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, trật tự, kỷ cương, đề cao giá trị đạo đức, hun đúc tâm hồn, bản lĩnh cho con người, cho những công dân tốt.
Tại IPPG, chúng tôi tự hào là một doanh nghiệp gia đình 100%. Do vậy, chúng tôi có những điểm mạnh mà các doanh nghiệp thuộc thành phần sở hữu khác không có như truyền thống văn hóa gia đình, kinh nghiệm kinh doanh, mối quan hệ gia truyền, sự thấu hiểu và tin tưởng tuyệt đối giữa các thành viên lãnh đạo, trách nhiệm công việc cao, khả năng ứng phó linh hoạt với thị trường, khả năng đưa ra quyết định nhanh chóng để nắm bắt thị trường… và một chiến lược kinh doanh và hệ giá trị nhất quán.
Sự thấu hiểu, cảm thông, động viên, tôn trọng chia sẻ công việc và thương yêu nhau của các thành viên trong gia đình chính là nền tảng giúp chúng tôi điều hành, quản lý tốt Tập đoàn.
Nhiều người đặt câu hỏi với tôi là có cảm thấy áp lực khi làm việc cùng “anh xã” - doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn. Tất nhiên là tôi cũng bị áp lực khi làm việc cùng “anh xã” khó tính ấy chứ! Nhưng đó là cách đây 20 năm, khi tôi mới đảm nhiệm vai trò điều hành Tập đoàn. Còn bây giờ, tôi cảm thấy may mắn khi được làm việc chung với một người đam mê công việc, nhưng cũng rất khắt khe và luôn đòi hỏi cao trong công việc.
“Anh xã” vừa là người thầy, là đồng nghiệp lại vừa là người bạn đời đồng hành chia xẻ mọi khó khăn, ngọt bùi trên thương trường đầy chông gai khắc nghiệt. Tôi được học hỏi rất nhiều kỹ năng giải quyết các vấn đề nan giải trong kinh doanh, mở mang kiến thức, phát triển tư duy để định hướng phát triển Tập đoàn ngày càng ổn định và bễn vững”.
Truyền lửa đam mê kinh doanh
Đối với các doanh nghiệp gia đình, việc truyền lửa kinh doanh cho các thành viên trong gia đình luôn là một yếu tố then chốt tạo nên thành công trong việc đào tạo và phát triển thế hệ lãnh đạo kế cận.
Điều may mắn trong gia đình tôi là các thành viên đều được thừa hưởng đam mê kinh doanh từ cha và được đào tạo chuyên môn, bài bản trong các trường Đại học và các tập đoàn đối tác danh tiếng. Ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, bằng cách gián tiếp hay trực tiếp gia đình luôn định hướng và tạo điều kiện cho các thành viên tham gia vào các hoạt động kinh doanh của Tập đoàn theo sở thích và năng khiếu để làm quen và định hướng rõ nghề nghiệp, đồng thời xác định các con sẽ là một thành viên điều hành công ty sau này.
Mỗi người đều có cách hướng dẫn con của mình, riêng gia đình chúng tôi, phương thức truyền lửa kinh doanh cho thế hệ kế thừa một cách hiệu quả nhất là: “cha mẹ phải là tấm gương đam mê kinh doanh và kinh doanh có văn hóa và đạo đức. Khuyến khích và thách thức các con tự đưa ra những ý tưởng kinh doanh mới táo bạo, định hướng cách suy nghĩ, phân tích và giải quyết mọi vấn đề hiệu quả, rèn luyện khả năng đương đầu với rủi ro, khó khăn và thất bại từ những bài học thực tiễn. Ghi nhận thành quả, nhưng không quá khen khi làm tốt, chia sẻ và động viên khi con thất bại. Nhưng cũng nghiêm khắc rầy la khi con có tư tưởng bỏ cuộc, không muốn học hỏi vươn lên, luôn tôn trọng và đối xử bình đẳng (không dùng quyền cha mẹ lấn áp) với các con như một đồng nghiệp trong công ty.
Yếu tố để doanh nghiệp gia đình thành công là đã xây dựng được nền tảng quản trị chuyên nghiệp, không vận hành theo kiểu “gia đình trị” và chú trọng áp dụng “kỹ trị”, sẵn sàng mời và lắng nghe các chuyên gia tư vấn vận hành và chiến lược phát triển. Tất cả các thế hệ trong một doanh nghiệp gia đình đều luôn đổi mới tư duy để thích ứng với sự thay đổi của thị trường, xem sự phát triển bền vững của doanh nghiệp là điều ưu tiên hàng đầu.
Trong một doanh nghiệp gia đình, thường có 3 nhóm thành viên: những người điều hành quản trị, các thành viên trong gia đình có cổ phần và các thành viên gia đình khác. Và để xử lý hài hòa tất cả các vai trò này là một bài toán cần sự tin tưởng yêu thương, khéo léo, uy tín và quyết đoán của người đứng đầu doanh nghiệp.
Doanh nghiệp gia đình có một số lợi thế so với các doanh nghiệp khác ở chỗ tập trung vào đẩu tư phát triển dài hạn, uy tín và độ trung thành gắn kết của các thành viên quản lý cao, cam kết chất lượng (thường gắn với tên gia đình), họ cũng thường quan niệm doanh nghiệp như một gia đình mở rộng :xây dựng văn hóa công ty như xây dựng văn hóa gia đình; luôn quan tâm coi trọng khách hàng, chăm lo tới người lao động, khách hàng như anh em trong gia đình. Đây chính là công thức để các công ty gia đình thành công.
Có thể bạn quan tâm
“Những ngọn đuốc” trong doanh nghiệp gia đình
05:00, 28/06/2021
Kích hoạt chuyển giao trong doanh nghiệp gia đình
15:36, 16/02/2021
Doanh nghiệp gia đình nhiều thế hệ trong đại dịch Covid-19: Lùi lại một bước tạm nghỉ để tiến tiếp
16:51, 18/08/2020
Sức ép “kép” đối với doanh nghiệp gia đình Việt Nam
05:00, 27/06/2020