Giọng đang trong trẻo tự nhiên ồm ồm, bệnh gì?

Theo plo 05/05/2022 01:33

Ngay khi phát hiện giọng nói bị thay đổi, người bệnh cần đến khám chuyên khoa tai mũi họng để được thăm khám.

Rối loạn giọng nói là gì?

Rối loạn giọng nói là sự thay đổi các tính chất đặc trưng của giọng nói như: cường độ, cao độ và âm sắc.

Bệnh có thể diễn biến từ từ hoặc cấp tính. Tỷ lệ gặp ở người lớn là 4,8 - 29,1% và trẻ em 1,4 - 6%.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, xu hướng này lại càng gia tăng ở những người phải sử dụng giọng nói nhiều, do tính chất công việc (giáo viên, ca sĩ, bán hàng, người kinh doanh…).

Do vậy, rối loạn giọng nói không chỉ là dấu hiệu bất thường về sức khoẻ, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến giao tiếp, công việc và chất lượng cuộc sống người bệnh.

Nguyên nhân gây rối loạn giọng nói

Nguyên nhân gây rối loạn giọng nói có thể do tổn thương thực thể hoặc do rối loạn về mặt chức năng của đường phát âm.

Trong đó, các tổn thương thực thể bao gồm: Tổn thương não (xuất huyết não, khối u…); Viêm nhiễm ở tai mũi họng (virus, vi khuẩn, lao, nấm…); Tổn thương lành tính thanh quản (polyp, hạt xơ, u nang, phù reinke, u nhú…).

Ngoài ra còn do tổn thương tiền ung thư (bạch sản, dị sản..); khối u ác tính thanh quản; Liệt dây thanh (1 bên hoặc 2 bên dây thanh).

Đối với rối loạn giọng chức năng, tuy đường phát âm không bị tổn thương nhưng giọng nói bị thay đổi do các yếu tố như: tâm lý căng thẳng, stress, tăng trương lực cơ vùng cổ…

Triệu chứng của rối loạn giọng nói

- Thay đổi về cường độ: người bệnh có chất giọng yếu, thều thào, hụt hơi thậm chí không thể nói được.

- Thay đổi về cao độ: giọng bệnh nhân trở nên trầm hoặc cao hơn hẳn so với chất giọng vốn có trước đây.

- Thay đổi về âm sắc: giọng nói có các tính chất như khàn đặc, căng nghẹt, hoặc kèm theo hơi thở trong lời nói.

Ảnh hưởng của rối loạn giọng nói

Rối loạn giọng nói ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống cũng như tâm lý trẻ nhỏ.

- Ảnh hưởng đến sức khoẻ: rối loạn giọng nói là biểu hiện bất thường của sức khoẻ. Nguyên nhân có thể lành tính, nhưng cũng có thể là tiềm ẩn của tổn thương nguy hiểm gây nên (tổn thương não, khối u ác tính thanh quản…).

- Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống: Giọng nói chính là phương tiện để giúp mỗi cá nhân giao tiếp trong cuộc sống hàng ngày. Rối loạn giọng nói sẽ gây khó khăn, cản trở người bệnh hoà nhập với xã hội.

- Ảnh hưởng đến tâm sinh lý trẻ nhỏ: Giọng nói bất thường làm trẻ không dám nói, do sợ bị chê cười. Từ đó, gây tác động tiêu cực đến quá trình phát triển tâm sinh lý, cũng như khả năng học hành của trẻ.

- Ảnh hưởng đến công việc và kinh tế: Điều này càng rõ rệt ở những người thường xuyên phải sử dụng giọng nói do tính chất công việc (giáo viên, ca sĩ, bán hàng, kinh doanh…). Nhiều người đã phải từ bỏ công việc của mình do tình trạng rối loạn giọng nói kéo dài.

Do đó, các bác sĩ khuyến cáo ngay khi phát hiện giọng nói bị thay đổi, người bệnh cần đến khám chuyên khoa tai mũi họng, không nên tự điều trị.

Việc chậm trễ trong chẩn đoán, điều trị không phù hợp và kịp thời có thể làm cho diễn biến bệnh nặng hơn, gây khó khăn cho điều trị sau này.

Theo ThS.BS Nguyễn Thị Thu Đức - Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội)

BS Nguyễn Thị Thu Đức

https://plo.vn/giong-dang-trong-treo-tu-nhien-om-om-benh-gi-post677855.html

Có thể bạn quan tâm

  • Danh sách các loại thực phẩm giàu chất xơ, ít carb tốt cho sức khỏe

    Danh sách các loại thực phẩm giàu chất xơ, ít carb tốt cho sức khỏe

    01:05, 08/04/2022

  • 4 nguy cơ sức khỏe khi bổ sung không đủ protein

    4 nguy cơ sức khỏe khi bổ sung không đủ protein

    01:23, 04/04/2022

  • 6 loại cây cảnh vừa đẹp, vừa dễ chăm, tốt cho sức khỏe, lại... ăn ngon

    6 loại cây cảnh vừa đẹp, vừa dễ chăm, tốt cho sức khỏe, lại... ăn ngon

    01:20, 09/03/2022

Theo plo