Thủy sản gặp khó vì “bó” kiểm dịch: Kiến nghị làm thủ tục trên hệ thống 1 cửa quốc gia
Trước sự chồng chéo trong các thủ tục về kiểm dịch thú y đối với hàng khô, đồ hộp, nấu chín, đông lạnh… VASEP kiến nghị được hoàn chỉnh thủ tục trên hệ thống 1 cửa quốc gia thay vì 2 cửa như hiện nay.
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, quy định thực hiện kiểm dịch theo Luật Thú y đồi với sản phẩm chế biến từ động vật - sản phẩm động vật thủy sản hoặc sản phẩm có chứa “sản phẩm động vật thủy sản” (hàng khô, đồ hộp, nấu chín, ăn liền, đông lạnh…) khi nhập khẩu dành cho người tiêu dùng không chỉ bị đánh giá là chồng chéo, tạo thêm “gánh nặng” cho doanh nghiệp, các chuyên gia còn cho rằng, quy định này là bất hợp, gây tốn kém và không cần thiết.
Theo đó, bên cạnh kiến nghị về việc áp dụng kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) thay vì kiểm dịch như hiện nay, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) mong muốn, các thủ tục liên quan được hoàn chỉnh trên hệ thống 1 cửa quốc gia thay vì 2 cửa, vừa nộp trên hệ thống 1 cửa, vừa nộp hồ sơ giấy như hiện nay, để tháo gỡ được những khó khăn lớn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh nhiều năm qua mà Nghị định 15/2018/NĐ-CP chưa giải quyết được.
Cụ thể, tại văn bản “góp ý Dự thảo Nghị định kiểm tra Nhà nước về Chất lượng, an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” ngày 17/6/2021, VASEP đề xuất: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp xem xét đưa vào Dự thảo Nghị định quy định những sản phẩm thực phẩm đang phải kiểm dịch và những thực phẩm vừa phải kiểm tra ATTP, vừa kiểm dịch cũng được làm thủ tục hoàn chỉnh trên hệ thống 1 cửa quốc gia, thay vì 2 cửa vừa nộp trên hệ thống 1 cửa, vừa nộp hồ sơ giấy như hiện nay, để có thể tháo gỡ được những khó khăn lớn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh nhiều năm qua mà Nghị định 15/2018/NĐ-CP chưa giải quyết được. Các quy định về quản lý - phương thức - cơ chế đối với nhóm “kiểm dịch” và “vừa kiểm dịch, vừa kiểm ATTP” như hiện nay sẽ được trao đổi, thống nhất tại một văn bản quy phạm pháp luật khác hoặc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) tại các Thông tư của Bộ.
Theo VASEP, thực phẩm trên thế giới có 2 nguồn, từ động vật và từ thực vật, với nguồn từ động vật, thì Bộ NN&PTNT đang quy định (danh mục, phương thức kiểm tra, thủ tục…) tại 04 Thông tư. Trong đó, Thông tư số 25 và Thông tư số 35 là cho động vật trên cạn; Thông tư số 26/2016 và Thông tư số 36/2018 là cho thuỷ sản và sản phẩm thuỷ sản, tuy nhiên, cả 4 Thông tư này đều là “Kiểm dịch nhập khẩu”. Như vậy, hầu hết sản phẩm hàng hoá có nguồn gốc động vật (trên cạn, dưới nước) là thực phẩm đều đang phải thực hiện Kiểm dịch – theo phương thức và thủ tục riêng quy định trong Thông tư của Bộ, trong khi đúng theo thông lệ quốc tế và cơ sở khoa học, thì hầu hết các sản phẩm dùng làm thực phẩm chỉ kiểm tra ATTP nhập khẩu.
“Đánh giá và nhận định sơ bộ của Hiệp hội và các chuyên gia, thì với quy định hiện hành này của Bộ NN&PTNT, có đến ít nhất 70% thực phẩm sẽ không thuộc phạm vi của Dự thảo Nghị định, và như vậy mục tiêu lớn lao của Quyết định số 38/2021/QĐ-TTg và Dự thảo này sẽ bị giảm đi rất nhiều”, văn bản của VASEP nêu.
Cũng theo VASEP, việc loại trừ các sản phẩm phải kiểm dịch và các thực phẩm vừa kiểm tra ATTP vừa kiểm dịch ra khỏi Đề án Dự thảo Nghị định này sẽ dẫn đến bất cập lớn bởi cùng nhóm hàng thực phẩm, nhưng phải chia ra 2 loại thủ tục, 2 biểu mẫu khác nhau, làm ở 2 cửa khác nhau, 2 quy trình khác nhau; cũng như làm hiệu quả cải cách giảm đi rất nhiều, vì đa số thực phẩm vẫn phải làm theo quy trình cũ. Khi chưa thể cải cách được quy định và quy trình kiểm dịch, thì việc cải cách để đưa thủ tục kiểm dịch lên hệ thống 1 cửa quốc gia sẽ giúp công khai, minh bạch, giảm thời gian và chi phí cho xã hội và đúng với chỉ đạo của Chính phủ trong Nghị quyết số 17/NQ-CP năm 2019 về phát triển Chính phủ điện tử.
“Ban doạn thảo cần sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 9 của Dự thảo ngày 4/6/2021, quy định: “Thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm và thủ tục đăng ký bản công bố hợp quy, tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu được thực hiện thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia”, thành nội dung: “Thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm, thủ tục kiểm dịch sản phẩm động vật, thực vật và thủ tục đăng ký bản công bố hợp quy, tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu được thực hiện thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia”, VASEP kiến nghị.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó tổng thư ký VASEP cho rằng, lý do và cơ sở pháp lý để đơn vị đề xuất thực hiện thủ tục thông qua cổng 1 cửa quốc gia bởi dù kiểm dịch không nằm trong phạm vi của quyết định số 38/QĐ-TTg, nhưng Hiệp hội cho rằng nếu Nghị định chỉ quy định là phải làm thủ tục kiểm dịch trên hệ thống 1 cửa quốc gia, còn việc thực hiện kiểm dịch vẫn ở Bộ NN&PTNT, thì không mâu thuẫn với Quyết định số 38/QĐ-TTg và hoàn toàn phù hợp với: Nghị quyết số 17/NQ-CP về phát triển Chính phủ điện tử quy định “100% Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh được kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia”; Quy định hiện hành về kiểm dịch của Bộ NN&PTNT trong Thông tư số 36/2018/TT-BNNPTNT “Hình thức gửi hồ sơ: qua Cổng thông tin một cửa quốc gia hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích hoặc thư điện tử, fax”.
Cũng theo ông Nam, hiện nay thủ tục kiểm dịch Bộ NN&PTNT đang áp dụng vừa phải đăng ký trên hệ thống 1 cửa quốc gia, vừa phải nộp hồ sơ giấy, khiến doanh nghiệp phải thực hiện qua 3 bước, vừa điện tử vừa thủ công (Đăng ký kiểm dịch, gửi hồ sơ trên cổng 1 cửa; đi nộp chứng từ bản chính (giấy chứng nhận y tế) tại cơ quan kiểm dịch; và mời cơ quan kiểm dịch đến kiểm tra lô hàng).
“Việc Bộ NN&PTNT yêu cầu phải nộp bản chính giấy chứng nhận y tế (H/C) cho 100% lô hàng là không hợp lý, vì cùng giấy này khi đăng ký thực phẩm, Bộ Y tế chỉ yêu cầu nộp online, khi có nghi ngờ mới yêu cầu nộp bản chính để đối chiếu”, ông Nam cho hay.
Tại văn bản góp ý của mình, VASEP cùng các doanh nghiệp thuỷ sản thành viên cũng cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã luôn quan tâm tìm giải pháp để tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp thủy sản trong công tác cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh theo các Nghị quyết và Quyết định liên quan thời gian qua.
Có thể bạn quan tâm
Thủy sản gặp khó vì “bó” kiểm dịch: Quy định bất hợp lý, gây tốn kém
11:01, 02/06/2021
Thủy sản gặp khó vì “bó” kiểm dịch: Ai đã đánh tráo khái niệm?
15:02, 19/05/2021
Thủy sản gặp khó vì “bó” kiểm dịch: Cục Thú y sẽ rà soát thông tư
11:00, 13/05/2021
Thủy sản gặp khó vì “bó” kiểm dịch
11:00, 05/05/2021
Doanh nghiệp thuỷ sản gặp khó khi đưa hàng vào siêu thị
02:58, 09/01/2019