Dự thảo Nghị định về lấn biển: Vẫn còn quy định… chồng chéo

ANH KHÔI 17/07/2021 04:00

Theo VCCI, bên cạnh những quy định mang tính tích cực, cơ quan soạn thảo Dự thảo Nghị định về lấn biển cần xem xét lại một số quy định để đảm bảo tính thống nhất, tránh chồng chéo…

Theo đó, trên cơ sở các ý kiến nhận được và tham khảo các chuyên gia, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có văn bản góp ý đóng góp ý kiến về Dự thảo Nghị định về lấn biển (Dự thảo) do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo.

Ranh giới hoạt động lấn biển

Được quy định tại khoản 1 Điều 3 Dự thảo, mốc ranh giới để tính một hoạt động lấn biển là từ đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm trở ra (đường triều cao).

Theo VCCI, Điều 140 Luật Đất đai, đất từ đường triều cao ra đến đường mực nước triều kiệt (đường triều kiệt) là đất có mặt nước ven biển, chế độ sử dụng với loại hình này đã được quy định tại Điều 140 Luật Đất đai, Điều 13-14 Nghị định 43/2014/NĐ-CP và Thông tư 24/2014/TT-BTNMT.

Một số quy định tại Dự thảo Nghị định về lấn biển còn thiếu thống nhất, chồng chéo - Ảnh minh họa

Một số quy định tại Dự thảo Nghị định về lấn biển còn thiếu thống nhất, chồng chéo - Ảnh minh họa

“Do vậy, quy định như Dự thảo có khả năng chồng chéo với các quy định trên đối với khu vực giữa đường triều kiệt và đường triều cao. Ngoài ra, theo phản ánh của doanh nghiệp, đường triều cao cách tương đối xa đường triều kiệt, dẫn đến ranh giới, diện tích phải thực hiện thủ tục về biển lớn hơn rất nhiều. Đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng ranh giới của hoạt động lấn biển là từ đường triều thấp trung bình nhiều năm trở ra”, VCCI góp ý.

Cấp phép hoạt động lấn biển

Dự thảo quy định các dự án lấn biển phải lập phương án lấn biển và thực hiện xin giấy phép lấn biển, lý do được suy đoán là nhằm đánh giá các tác động đến môi trường và các đối tượng khác (thông qua xem xét thiết kế, kỹ thuật xây dựng, các tác động và giải pháp hạn chế ảnh hưởng đến môi trường).

Tuy nhiên, theo VCCI, quy định này có nguy cơ chồng chéo, trùng lặp với các thủ tục hành chính khác mà doanh nghiệp đã thực hiện. Cụ thể, pháp luật hiện hành đã yêu cầu dự án lấn biển phải thực hiện xin chấp thuận chủ trương đầu tư (với dự án lấn biển từ 500ha trở lên), thiết kế cơ sở dự án (đã bao gồm tính toán các giải pháp lấn biển, san nền…) và thực hiện đánh giá tác động môi trường với các nội dung đánh giá tương tự như nội dung Phương án lấn biển tại Dự thảo. Trong trường hợp cho rằng các quy định về nội dung đánh giá tác động môi trường chưa có quy định chi tiết như Dự thảo, có thể giải quyết bằng cách bổ sung quy định về nội dung đánh giá tác động môi trường với các dự án lấn biển trong Thông tư quy định về nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường, dự kiến được ban hành theo khoản 2 Điều 32 Luật Bảo vệ môi trường.

Theo VCCI, nhằm tránh nguy cơ chồng chéo thủ tục hành chính, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này.

Kế hoạch lấn biển

Được quy định tại Điều 8 Dự thảo, và là căn cứ để điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tuy nhiên, theo VCCI, quy định này không phù hợp do chồng chéo với các thủ tục khác, dẫn đến gia tăng thủ tục hành chính, kéo dài thời gian và chi phí thực hiện dự án đầu tư của doanh nghiệp.

Cụ thể, các nội dung đánh giá trong Kế hoạch lấn biển đã được đánh giá trong các thủ tục hành chính khác. Kế hoạch lấn biển chủ yếu xem xét hiệu quả kinh tế xã hội; tác động đến môi trường và các đối tượng khác, và đã nêu, những nội dung này với các dự án có nguồn vốn ngoài ngân sách đã được xem xét khi xin chủ trương đầu tư và đánh giá tác động môi trường.

Bên cạnh đó, chồng chéo giữa Kế hoạch lấn biển và Quy hoạch chung, Quy hoạch phân khu, Quy hoạch sử dụng đất do cùng bổ sung một dự án vào quy hoạch, với nội dung tương tự nhau. Việc này sẽ khiến dự án đầu tư phải xin điều chỉnh nhiều loại quy hoạch, kế hoạch dẫn đến kéo dài thời gian chuẩn bị đầu tư.

Ngoài ra, không phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 13 Luật Quy hoạch: các dự án lấn biển phải nằm trong Kế hoạch lấn biển thì mới thực hiện được, tức ấn định/ giới hạn số lượng dự án lấn biển được phép tiến hành, trong khi Luật Quy hoạch cấm các hành vi như vậy.

Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định nêu trên.

VCCI đề nghị ban soạn thảo cân nhắc một số quy định - Ảnh minh họa

VCCI đề nghị ban soạn thảo cân nhắc một số quy định - Ảnh minh họa

Yêu cầu đối với dự án lấn biển

Theo đó, khoản 2 Điều 5 Dự thảo quy định, dự án đầu tư lấn biển phải được phê duyệt đánh giá tác động môi trường hoặc xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường.

Theo VCCI, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã bỏ quy định về xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường, và thay vào đó là quy định về giấy phép môi trường, bên cạnh đó, khoản 1 Điều 5 Dự thảo đã có quy định việc lấn biển phải tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan.

“Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo chỉnh sửa khoản 2 Điều 5 theo hướng hoặc gộp với khoản 1 Điều 5 Dự thảo hoặc điều chỉnh phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường 2020”, VCCI góp ý.

Thẩm quyền cho phép lấn biển tại các khu vực không thực hiện lấn biển

Theo đó, khoản 3 Điều 7 Dự thảo quy định, về thẩm quyền cho phép thực hiện lấn biển tại các khu vực không thực hiện lấn biển.

“Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này có thể dẫn đến cách hiểu là chỉ các dự án được Quốc hội, Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ chấp thuận/ quyết định chủ trương đầu tư “trong dự án đầu tư” mới được lấn biển trong trường hợp này”, VCCI phân tích.

Theo VCCI, để đảm bảo tính rõ ràng, đầy đủ của quy định, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi như sau: “Trường hợp đặc biệt phải thực hiện lấn biển tại các khu vực quy định tại khoản 2 Điều này thì phải được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định hoặc chấp thuận trong dự án đầu tư hoặc trong quy hoạch xây dựng đô thị (quy hoạch chung, quy hoạch phân khu hoăc quy hoạch chi tiết).

“Trường hợp dự án lấn biển thuộc thẩm quyền chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của Luật Đầu tư, luật đầu tư công mà việc lấn biển chưa được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định hoặc chấp thuận trong dự án đầu tư hoặc quy hoạch xây dựng đô thị (quy hoạch chung, quy hoạch phân khu hoăc quy hoạch chi tiết) thì việc lấn biển tại các khu vực quy định tại khoản 2 Điều này phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận”, VCCI góp ý.

Chế độ quản lý với khu vực lấn biển

Dự thảo quy định chế độ quản lý với khu vực lấn biển được thực hiện như sau: dự án phải đo đạc địa chính, cắm mốc giới sử dụng đất và cập nhật đường mép nước biển thấp nhất (khoản 3 Điều 16); dự án thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất (khoản 1 Điều 17).

Theo VCCI, hiện, các quy định trên đang được thiết kế theo hướng riêng rẽ từng bước một, tuy nhiên, cách quy định như vậy là không phù hợp bởi các dự án thường được thực hiện đồng thời công tác lấn biển và triển khai xây dựng dự án trên nền đất đó, nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí đầu tư.

“Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu sửa đổi quy định theo hướng tích hợp các thủ tục trên để nhà đầu tư có thể cùng lúc thực hiện việc san lấp biển và đầu tư xây dựng dự án”, VCCI góp ý.

Còn tiếp…

Có thể bạn quan tâm

  • Dự thảo Nghị định về nhãn hàng hóa: Quy định “gây khó” cho doanh nghiệp

    Dự thảo Nghị định về nhãn hàng hóa: Quy định “gây khó” cho doanh nghiệp

    03:59, 30/06/2021

  • Cần bổ sung, làm rõ một số điều trong Dự thảo Nghị định kiểm tra hàng hóa nhập khẩu

    Cần bổ sung, làm rõ một số điều trong Dự thảo Nghị định kiểm tra hàng hóa nhập khẩu

    10:59, 28/06/2021

  • Nhiều điều khoản phải sửa đổi trong Dự thảo Nghị định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc

    Nhiều điều khoản phải sửa đổi trong Dự thảo Nghị định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc

    04:00, 15/04/2021

  • Dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực hải quan: Một số quy định còn xung đột pháp luật

    Dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực hải quan: Một số quy định còn xung đột pháp luật

    11:01, 12/04/2021

ANH KHÔI