Theo VCCI, bên cạnh mặt tích cực, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 128/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan, vẫn còn một số quy định xung đột…
Góp ý về những nội dung Dự thảo dự kiến sửa đổi, bổ sung Nghị định số 128/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, đề xuất về nội dung Dự thảo cơ bản hợp lý, vì thống nhất với Luật xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi) năm 2020. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, một số quy đinh tại Dự thảo còn xung đột về mức xử phạt.
Cụ thể, quy định tại Nghị định số 98/2020/NĐ-CP và Nghị định số 128/2020/NĐ-CP về các hành vi vi phạm về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu và khoản 1 Điều 15 Nghị định số 128/2020/NĐ-CP và khoản 1 Điều 36 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP cùng quy định xử phạt đối với hành vi xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu với khung phạt tiền khác nhau.
Về hành vi vi phạm quy định về xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa theo hạn ngạch, giấy phép: Khoản 1 Điều 18 Nghị định số 128/2020/NĐ-CP và khoản 3 Điều 38 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP cùng quy định xử phạt đối với hành vi xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa theo quy định phải có hạn ngạch, giấy phép xuất khẩu, giấy phép nhập khẩu nhưng không có hạn ngạch, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu với các khung phạt tiền khác nhau.
Về hành vi vi phạm liên quan đến kinh doanh tạm nhập, tái xuất: Khoản 3 Điều 20 Nghị định số 128/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền “40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa thuộc danh mục kinh doanh tạm nhập, tái xuất có điều kiện mà không đủ điều kiện để kinh doanh tạm nhập, tái xuất”.
Khoản 3 Điều 40 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định “phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất có điều kiện khi không đáp ứng điều kiện kinh doanh theo quy định”.
Theo VCCI, Nghị định số 128/2020/NĐ-CP và Nghị định số 98/2020/NĐ-CP đều quy định xử phạt đối với “hành vi kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất có điều kiện khi không đáp ứng điều kiện kinh doanh theo quy định” với hai khung xử phạt khác nhau, điều này có thể tạo ra sự xung đột pháp luật khi áp dụng trên thực tế.
“Xét bản chất, hành vi trên có tính chất là kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng không đáp ứng điều kiện kinh doanh, vì vậy quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP là phù hợp hơn. Đề nghị bỏ quy định tại khoản 3 Điều 20 Nghị định 128/2020/NĐ-CP”, VCCI góp ý.
Tương tự, khoản 4 Điều 20 Nghị định số 128/2020/NĐ-CP và khoản 4 Điều 40 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP cùng quy định xử phạt đối với hành vi kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa phải có giấy phép mà không có giấy phép.
“Nghị định số 128/2020/NĐ-CP và Nghị định số 98/2020/NĐ-CP đang có xung đột khi cùng quy định xử phạt về một hành vi vi phạm. Điều này có thể tạo ra sự lúng túng trong thực thi triển khai và tạo ra sự không công bằng cho các chủ thể vi phạm, đề nghị rà soát lại quy định tại hai Nghị định này để đảm bảo thống nhất trong quy định xử phạt về các hành vi vi phạm liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu nêu trên” VCCI nêu quan điểm.
Cũng theo VCCI, quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP quy định “đối với hàng hóa nhập khẩu chưa được thông quan thì áp dụng Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan để xử phạt đối với các vi phạm về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa”. Có nghĩa, Nghị định số 128/2020/NĐ-CP sẽ điều chỉnh các hành vi vi phạm của pháp luật về nhãn đối với hàng hóa nhập khẩu chưa thông quan.
Còn đối với hàng hóa nhập khẩu chưa thông quan thì Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa quy định: Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc (khoản 3 Điều 7);
Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà nhãn gốc không phù hợp với quy định của Nghị định này thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải ghi nhãn phụ theo quy định tại khoản 3 Điều 7 và các khoản 3, 4 Điều 8 của Nghị định này khi đưa ra lưu thông và phải giữ nguyên bản gốc (khoản 4 Điều 9).
“Như vậy, theo quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP thì hàng hóa tại thời điểm nhập khẩu, trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường có nhãn hàng hóa chưa thể hiện đầy đủ (hoặc ghi sai) các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa sẽ không bị coi là vi phạm. Thương nhân nhập khẩu sẽ phải có nhãn phụ gắn với hàng hóa và nhãn phụ phải thể hiện đầy đủ các nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt khi đưa ra lưu thông trên thị trường”, VCCI dẫn giải.
Trong khi, khoản 2 Điều 22 Nghị định số 128/2020/NĐ-CP quy định xử phạt đối với hành vi “nhập khẩu hàng hóa có nhãn hàng hóa ghi sai các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa đối với hàng hóa nhập khẩu (trừ trường hợp hàng giả, hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam)”. Quy định này có thể đưa đến cách hiểu, nhãn của hàng hóa nhập khẩu trước khi thông quan, nhãn gốc ghi sai các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
“Điều này là chưa phù hợp với quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP, để đảm bảo tính thống nhất, đề nghị đơn vị soạn thảo bỏ quy định tại Điều 22 Nghị định số 128/2020/NĐ-CP”, VCCI góp ý.
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo Nghị định về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất: Cần phân nhóm doanh nghiệp
04:00, 06/04/2021
Dự thảo Nghị định về thương mại điện tử: Nhiều quy định làm khó doanh nghiệp
04:50, 14/03/2021
Dự thảo Nghị định về thương mại điện tử “đánh đố” doanh nghiệp như thế nào?
01:07, 06/03/2021
Dự thảo Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân: Mức phạt còn quá nhẹ
04:40, 24/02/2021