Quy định bảo vệ môi trường với các phân vùng chưa thống nhất
Theo VCCI, định hướng bảo vệ môi trường với các phân vùng môi trường trong Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường còn một số quy định chưa thống nhất…
Trả lời Công văn số 3634/BTNMT-TCMT ngày 02/7/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, định hướng bảo vệ môi trường với các phân vùng môi trường trong Dự thảo còn có một số quy định chưa thống nhất.
Cụ thể, Điều 22.4 Dự thảo đã bổ sung các quy định về định hướng các hoạt động bảo vệ môi trường đối với vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế nghiêm ngặt. Theo VCCI, quy định này cần xem xét ở các điểm:
Quy định “hạn chế các hoạt động sản xuất kinh doanh có nguy cơ ô nhiễm môi trường” với vùng bảo vệ nghiêm ngặt, “hạn chế thực hiện các dự án đầu tư thuộc phụ lục 6” với vùng hạn chế phát thải: chưa rõ ràng ở điểm việc “hạn chế” được hiểu như thế nào? Khi nào thì các dự án đầu tư này vào các vùng trên được cho phép? Khi nào không được cho phép? Các nội dung thắt chặt với các dự án đầu tư này là gì (chẳng hạn: yêu cầu đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường ở mức cao hơn?). VCCI đề nghị, cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định nhằm làm rõ các nội dung nêu trên.
Quy định giám sát thông qua thiết bị, hệ thống quan trắc tự động, liên tục: quy định này dường như chưa thống nhất với Điều 118.1.b Dự thảo. Điều 118.1.b chỉ yêu cầu các dự án này có lưu lượng nước thải từ 200m3/ngày mới phải quan trắc tự động. Do vậy, VCCI đề nghị, cơ quan soạn thảo điều chỉnh lại cho thống nhất.
Bên cạnh đó, quy định về quản lý các dự án đầu tư trong các phân vùng môi trường tại Điều 22.5 Dự thảo quy định thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (UBND tỉnh) trong quản lý các dự án đầu tư trong phân vùng môi trường. VCCI cho rằng, quy định này cần xem xét ở các điểm:
Dự thảo cho phép UBND tỉnh đặt ra các yêu cầu về bảo vệ môi trường của hoạt động sản xuất kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, quy định này có thể tạo ra sự tùy tiện hoặc các yêu cầu không phù hợp so với thực tế. Trong khi đó, việc đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường đã được thực hiện thông qua đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Do vậy, VCCI đề nghị, cơ quan soạn thảo bỏ quy định nêu trên.
Dự thảo cũng quy định việc xác định lộ trình di dời hoặc dừng hoạt động với các hoạt động sản xuất không phù hợp với phân vùng môi trường. Theo VCCI, quy định này có thể tạo ra ảnh hưởng rất tiêu cực với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, gây rủi ro với hoạt động đầu tư của doanh nghiệp.
“Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về bồi thường toàn bộ thiệt hại từ việc di dời hoặc dừng hoạt động của doanh nghiệp bằng một trong số các biện pháp sau: khấu trừ thiệt hại thực tế của nhà đầu tư vào số tiền thuế phải nộp; hỗ trợ bằng tiền chi phí hợp lý để nhà đầu tư thực hiện di dời nhà máy”, VCCI góp ý.
Về mối quan hệ giữa phân vùng môi trường, kế hoạch quản lý chất lượng môi trường, khoảng cách an toàn với Giấy phép về môi trường, Dự thảo quy định về mối liên hệ giữa phân vùng môi trường, kế hoạch quản lý chất lượng môi trường (tức khả năng chịu tải của môi trường), khoảng cách an toàn với môi trường, cụ thể tại Điều 29.2.c, phân vùng môi trưởng, khả năng chịu tải của môi trường, khoảng cách an toàn với môi trường là một nội dung trong Báo cáo đề nghị cấp lại Giấy phép môi trường;
Điều 32 quy định việc cấp điều chỉnh Giấy phép môi trường được thực hiện trong trường hợp có thay đổi về phân vùng môi trường, khả năng chịu tải của môi trường;
Theo VCCI, Dự thảo chưa có quy định rõ ràng về tác dụng của các yếu tố này lên việc cấp Giấy phép môi trường, đặc biệt trong các lần cấp lại (sau khi hết thời hạn). Nếu tại thời điểm cấp lại, có sự thay đổi khiến doanh nghiệp không thể đáp ứng về phân vùng môi trường hay khả năng chịu tải của môi trường hay khoảng cách an toàn thì xử lý như thế nào? Cần lưu ý rằng các yếu tố này thay đổi theo thời gian, có thể trở nên bất lợi hơn, chẳng hạn khu vực hoạt động của doanh nghiệp chuyển từ vùng khác sang vùng hạn chế phát thải, hoặc có thay đổi trong khả năng chịu tải của môi trường.
“Việc không được cấp phép lại trong trường hợp đó sẽ khiến doanh nghiệp không thể tiếp tục hoạt động, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền được đảm bảo về tài sản của nhà đầu tư nói riêng, cũng như ảnh hưởng đến tính ổn định của môi trường đầu tư nói chung. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định làm rõ nội dung này”, VCCI góp ý.
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo nghị định về quản lý kinh doanh đa cấp: Một số quy định chưa phù hợp
03:30, 11/08/2021
Dự thảo Nghị định quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp tạo thêm thủ tục hành chính
03:30, 30/07/2021
Dự thảo Nghị định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm: Một số quy định chưa thống nhất
03:30, 23/07/2021
Dự thảo Nghị định về lấn biển: Một số quy định cần được làm rõ
04:00, 18/07/2021
Dự thảo Nghị định về lấn biển: Vẫn còn quy định… chồng chéo
04:00, 17/07/2021