Dự thảo Thông tư về an toàn thực phẩm: Một số quy định gây khó doanh nghiệp
Theo VCCI, một số quy định tại Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành còn gây khó doanh nghiệp…
Trả lời Công văn số 6697/BYT-ATTP ngày 16/8/2021 của Bộ Y tế về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành (Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, một số quy định còn gây khó doanh nghiệp.
Cụ thể, về Danh mục mức sử dụng tối đa phụ gia thực phẩm chưa được quy định theo tiêu chuẩn Codex Stan, Thông tư số 24/2019/TT-BYT ban hành Phụ lục 2B về mức sử dụng tối đa phụ gia thực phẩm chưa được quy định theo tiêu chuẩn Codex Stan.
Tuy nhiên, theo VCCI, Thông tư chưa có quy định cho phép cập nhật Phụ lục này, do đó việc cập nhật các thông tin trong Phụ lục sẽ chỉ được thực hiện theo quy trình sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật nên không có thời điểm cập nhật cụ thể và có thể bị lỗi thời, chậm cập nhật. Trong khi đó, theo phản ánh của doanh nghiệp, hàng năm, các nước tiên tiến như EU và Mỹ đều cho phép thêm các chất phụ gia thực phẩm mới, việc này sẽ khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn khi nhập khẩu các sản phẩm này để sử dụng.
“Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định cho phép cập nhật Phụ lục 2B theo chu kỳ 02 năm một lần sau khi tiến hành họp Hội đồng tư vấn của Bộ Y tế”, VCCI góp ý.
Về Nguyên tắc sử dụng phụ gia dạng bột hoặc cô đặc, Thông tư 24/2019/TT-BYT quy định về mức giới hạn sử dụng của các loại phụ gia và áp dụng chung cho cả các sản phẩm dạng nước và sản phẩm dạng bột hoặc cô đặc.
Tuy nhiên, VCCI cho rằng, theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này là không hợp lý do đặc tính của hai loại sản phẩm này là khác nhau, cụ thể: độ đậm đặc của phụ gia dạng bột hoặc cô đặc thường cao hơn so với dạng nước, và sẽ giảm đi 4-5 lần sau khi pha theo hướng dẫn. Việc áp dụng chung mức giới hạn cho sản phẩm dạng nước và sản phẩm dạng bột, cô đặc là không phù hợp, quy định này cũng không thống nhất với hướng dẫn của Codex khi cho phép mức giới hạn của các sản phẩm dạng này được tính trên lượng sản phẩm đã pha theo hướng dẫn để ăn liền (ready to eat).
Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về nguyên tắc mức sử dụng tối đa phụ gia dạng bột hoặc cô đặc cho phù hợp với thực tế.
Về Quy trình lấy mẫu, Điều 1.4.g Dự thảo (bổ sung Điều 6a vào Thông tư 48/2015/TT-BYT) quy định về việc lấy mẫu thực phẩm phục vụ thanh tra, kiểm tra. Theo VCCI, quy định này cần xem xét ở các điểm:
Thứ nhất, Điều 6a.3.đ (sau khi bổ sung) quy định nếu đại diện cơ sở lấy mẫu không ký biên bản lấy mẫu, niêm phong mẫu thì ghi “đại diện cơ sở không ký biên bản lấy mẫu, niêm phong mẫu”. Tuy nhiên, kinh nghiệm các thủ tục lấy mẫu kiểm nghiệm trong các lĩnh vực khác cho thấy có trường hợp cán bộ lấy mẫu không thực hiện đúng quy trình lấy mẫu, thậm chí phát sinh vi phạm tiêu cực gây bức xúc cho doanh nghiệp.
Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng doanh nghiệp được ghi ý kiến của mình lên biên bản lấy mẫu, ký xác nhận không đồng ý với mẫu được lấy kèm theo chứng cứ (nếu có) để làm căn cứ giải quyết sau này.
Thứ hai, Điều 6a.3.c (sau khi bổ sung) quy định mẫu lấy gồm 2 phần: mẫu kiểm nghiệm và mẫu lưu tại cơ quan kiểm tra hoặc cơ sở kiểm nghiệm.
Theo VCCI, hàm lượng giá trị dinh dưỡng và các yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm khác của sản phẩm thực phẩm phụ thuộc rất lớn vào điều kiện bảo quản, nếu điều kiện bảo quản không phù hợp sẽ khiến mẫu kiểm nghiệm không phản ánh đúng thực tế. Trong khi đó, mẫu kiểm nghiệm chỉ được bàn giao sau quá trình vận chuyển sau kiểm tra, thậm chí là qua nhiều địa bàn, không chắc chắn đảm bảo hoàn toàn về điều kiện bảo quản.
“Do vậy, để bảo đảm khả năng đối chiếu, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng cho phép một mẫu lưu tại cơ sở, được niêm phong để đối chứng trong trường hợp cần thiết”, VCCI góp ý.
Bên cạnh đó, về Xử lý kết quả kiểm tra hàng hóa vi phạm quy định về nhãn hàng hóa tại Điều 1.4.i Dự thảo (sửa đổi Điều 10 Thông tư 48/2015/TT-BYT), VCCI cũng cho rằng, quy định này cần xem xét ở các điểm:
Thứ nhất, Điều 10.1 (sau khi sửa đổi) yêu cầu tạm dừng lưu thông hàng hóa trong trường hợp có vi phạm quy định về nhãn hàng hóa. Tuy nhiên, quy định này là không thống nhất với các quy định về xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, biện pháp tạm dừng lưu thông là không phù hợp với quy định tại Chương I Phần II về hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.
Ngoài ra, theo quy định tại Nghị định 119/2017/NĐ-CP, các biện pháp cao hơn đã được áp dụng cho hành vi vi phạm nhãn hàng hóa, gồm một trong số các biện pháp thu hồi, tịch thu, tiêu hủy. Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định trên và thực hiện theo các quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.
Thứ hai, Điều 10.2.đ (sau khi sửa đổi) quy định về trình tự kiểm nghiệm đối chứng theo quy trình: doanh nghiệp đề nghị (03 ngày) – cơ quan kiểm tra lựa chọn cơ sở kiểm nghiệm (05 ngày) – kiểm nghiệm – cơ quan kiểm tra nhận và thông báo cho doanh nghiệp (03 ngày).
Theo VCCI, quy định này còn rất phức tạp và mất nhiều thời gian bởi theo kinh nghiệm từ các quy định pháp luật tương tự (chẳng hạn Điều 30 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP về giám định Hải quan), việc kiểm nghiệm lại có thể giao cho doanh nghiệp (doanh nghiệp được tự lựa chọn cơ quan kiểm nghiệm). Quy trình này sẽ rút ngắn đáng kể thời gian ra kết quả do tính linh hoạt của hoạt động dịch vụ, trong khi vẫn đáp bảo các yêu cầu về kết quả kiểm nghiệm (do các tổ chức kiểm nghiệm phải chịu trách nhiệm về kết quả của mình).
“Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng cho phép doanh nghiệp được lựa chọn cơ quan kiểm nghiệm lại, tự chi trả chi phí”, VCCI góp ý.
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo Thông tư về hoạt động thẻ ngân hàng: Một số quy định chưa hợp lý
04:00, 29/10/2021
Dự thảo Thông tư về thủ tục Hải quan: Nhiều quy định thay đổi
03:50, 30/09/2021
Dự thảo Thông tư về “Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia”: Chưa cụ thể, rõ ràng
03:30, 27/07/2021
Dự thảo Thông tư về tổ chức, hoạt động và quản lý hội: Còn quy định chưa minh bạch
03:30, 26/07/2021
Dự thảo Thông tư về nhà ở xã hội: Một số quy định còn chưa hợp lý
03:30, 22/07/2021