Theo VCCI, bên cạnh những quy định được cho là cần thiết, Dự thảo Thông tư về tổ chức, hoạt động và quản lý hội vẫn còn một số quy định chưa đảm bảo tính thống nhất, minh bạch…
Theo đó, trả lời Công văn số 1522/BNV-TCPCP của Bộ Nội vụ về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 03/2013/TT-BNV ngày 16/4/2013 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định chi tiết thi hành Nghị định 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/20210 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động và quản lý hội và Nghị định 33/2012/NĐ-CP ngày 13/4/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 45/2010/NĐ-CP (Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, còn một số quy định chưa đảm bảo tính thống nhất, minh bạch.
Về Ban Vận động thành lập hội quy định tại khoản 1 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 1 Thông tư 03/2013/TT-BNV.
Theo VCCI, Dự thảo bổ sung quy định về điều kiện của thành viên trong Ban Vận động thành lập hội, theo đó “các thành viên trong Ban Vận động thành lập hội phải là công dân Việt Nam, sống thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có sức khỏe, uy tín, hoạt động trong lĩnh vực hội dự kiến hoạt động và đảm bảo tính đại diện cho các vùng, miền (trường hợp hội có phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh)”.
“Việc bổ sung quy định này cần được xem xét ở một số điểm. Tính thống nhất: Điều 6 Nghị định 45/2010/NĐ-CP không quy định về điều kiện của thành viên trong Ban Vận động thành lập hội, chỉ quy định điều kiện của người đứng đầu và số lượng thành viên của Ban này. Vì vậy, quy định tại Dự thảo là chưa thống nhất với Nghị định 45/2010/NĐ-CP;
Tính minh bạch: Một số tiêu chí không rõ như thế nào được cho là có tính đại diện cho các vùng, miền (ở mỗi tỉnh hội có dự kiến hoạt động sẽ có 01 thành viên có địa chỉ thường trú ở tỉnh đó hay mỗi vùng hội có dự kiến hoạt động sẽ có 01 thành viên có địa chỉ thường trú ở tỉnh ở vùng/miền đó)”, VCCI góp ý.
Từ đó, theo VCCI, để đảm bảo tính thống nhất và phù hợp, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc thêm về quy định này, trong trường hợp có lý do thuyết phục để giữ quy định, đề nghị quy định rõ ràng, cụ thể hơn để đảm bảo thuận lợi trong quá trình thực hiện.
Về Hồ sơ báo cáo tổ chức đại hội nhiệm kỳ được quy định tại khoản 2 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 2 Thông tư 03/2013/TT-BNV. Dự thảo quy định bổ sung quy định trong hồ sơ báo cáo tổ chức đại hội nhiệm kỳ phải có “Văn bản của hội báo cáo cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 14 Nghị định 45/2010/NĐ-CP”.
Lý do bổ sung quy định này được lý giải là “đảm bảo phù hợp với thực tế do nhiều Hội khi gửi hồ sơ xin phép tổ chức Đại hội nhiệm kỳ không có văn bản báo cáo nên khó khăn cho việc xác định thời gian, địa điểm, thành phần của Đại hội”.
Tuy nhiên, theo VCCI, quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 2 Thông tư 03/2013/TT-BNV thì trong hồ sơ báo cáo tổ chức đại hội nhiệm kỳ gửi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 14 Nghị định 45/2010/NĐ-CP, hội phải có tài liệu nêu rõ “dự kiến thời gian, địa điểm tổ chức đại hội, số lượng đại biểu mời, đại biểu chính thức tham dự đại hội, dự kiến chương trình đại hội”.
“Như vậy, trong hồ sơ báo cáo tổ chức đại hội nhiệm kỳ theo quy định hiện hành thì cơ quan có thẩm quyền đã biết được thông tin về thời gian, địa điểm, thành phần của Đại hội, do đó việc bổ sung “Văn bản của hội báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền” với mục tiêu trên có thể trùng lặp và không cần thiết. Đề nghị Ban soạn thảo xem xét bỏ quy định bổ sung này và giữ nguyên quy định hiện hành”, VCCI góp ý.
Về xử lý vi phạm pháp luật của Hội quy định tại khoản 4 Điều 1 Dự thảo sửa đổi Điều 3 Thông tư 03/2013/TT-BNV.
Theo VCCI, Dự thảo sửa đổi Điều 3 Thông tư 03/2013/TT-BNV thành nội dung xử lý hội vi phạm pháp luật nghiêm trọng, trong đó giải thích về khái niệm “hội vi phạm pháp luật nghiêm trọng” đến mức bị buộc phải giải thể theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Nghị định 45/2010/NĐ-CP.
“Việc làm rõ khái niệm “vi phạm pháp luật nghiêm trọng” là cần thiết, nhằm đảm bảo tính minh bạch, thuận lợi trong quá trình triển khai. Tuy nhiên, quy định tại Dự thảo Thông tư hiện nay dù đã rất cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu này, ví dụ “hành vi vi phạm có tính hệ thống, lặp đi lặp lại nhiều lần các hành vi vi phạm về nghĩa vụ của hội tại Điều 24 Nghị định 45/2010/NĐ-CP”. Như thế nào được xem là “vi phạm có tính hệ thống”? “Lặp đi lặp lại nhiều lần các vi phạm” là vi phạm bao nhiêu lần trong khoảng thời gian bao lâu, có cùng hành vi vi phạm không hay là vi phạm các nghĩa vụ khác nhau trong một khoảng thời gian?”, VCCI góp ý.
Từ đó, theo VCCI, để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ các vấn đề trên.
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo Thông tư về nhà ở xã hội: Một số quy định còn chưa hợp lý
03:30, 22/07/2021
Dự thảo Thông tư về giảm phí, lệ phí trong lĩnh vực thú y: Loại phí được giảm… quá ít
03:30, 20/07/2021
Dự thảo Thông tư về phát triển sản xuất giống: Cần thêm… quy định
03:50, 15/07/2021
Dự thảo Thông tư về phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030: Có thể gây khó khăn khi đưa vào thực tiễn
17:50, 07/06/2021