Theo VCCI, một số điều Dự thảo Thông tư quy định quản lý Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030 có thể gây khó khăn khi đưa vào thực tiễn triển khai…
Theo đó, trả lời Công văn số 1108/BKHCN-CNN của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định quản lý Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030 (Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, một số điều trong dự thảo có thể gây khó khăn cho thực tiễn triển khai.
Cụ thể, về yêu cầu lựa chọn sản phẩm quốc gia, Điều 4 Dự thảo quy định về các yêu cầu lựa chọn sản phẩm quốc gia trong đó có yêu cầu về kỹ thuật và yêu cầu về quy mô, giá trị. Tuy nhiên, khoản 3 Điều 4 Dự thảo quy định “đối với sản phẩm có tính đặc thù, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định”.
Theo VCCI, quy định này cần được xem ở các điểm: Tiêu chí để xác định sản phẩm có tính đặc thù là gì? Các sản phẩm có tính đặc thù có cần phải đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 1, 2 Điều 4 không?
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định về sản phẩm nào là có tính đặc thù hay là xem xét, quyết định các yêu cầu về kỹ thuật, quy mô, giá trị mà các sản phẩm có tính đặc thù phải đáp ứng? Trình tự, thủ tục để Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định như thế nào?
“Để đảm bảo tính minh bạch và thuận lợi trong quá trình thực hiện, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ những vấn đề trên”, VCCI kiến nghị.
Về Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển sản phẩm quốc gia, quy định tại Điều 7 Dự thảo thì bộ, ngành, địa phương sẽ phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ “xem xét quyết định các hình thức hỗ trợ áp dụng đối với các sản phẩm quốc gia hoặc báo cáo Ban Chỉ đạo Chương trình, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định theo thẩm quyền”. Như vậy, các hình thức hỗ trợ áp dụng đối với sản phẩm quốc gia sẽ tùy thuộc vào quyết định của các cơ quan có thẩm quyền.
Theo VCCI, vấn đề là các cơ quan có thẩm quyền sẽ dựa vào căn cứ nào để xác định hình thức hỗ trợ áp dụng tương ứng đối với mỗi sản phẩm quốc gia?
Mặt khác, quy định “trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt hỗ trợ phát triển sản phẩm quốc gia do bộ, ngành, địa phương hướng dẫn đối với từng nội dung ưu đãi hỗ trợ cụ thể theo quy định của pháp luật” đưa đến cách hiểu các trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt hỗ trợ phát triển sản phẩm quốc gia chưa có một quy trình chung áp dụng cho từng nội dung ưu đãi hỗ trợ mà phụ thuộc vào hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền và nguy cơ là tạo ra sự thiếu thống nhất trong quy trình thẩm định, phê duyệt hỗ trợ sản phẩm quốc gia ở mỗi bộ, ngành, địa phương. Điều này có thể gây khó khăn cho thực tiễn triển khai.
“Để đảm bảo tính minh bạch và thuận lợi trên thực tế thực hiện, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ những vấn đề đặt ra ở trên”, VCCI kiến nghị.
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo Thông tư về sử dụng phí trong công tác an toàn vệ sinh thực phẩm chưa đảm bảo tính thống nhất
03:50, 29/04/2021
Dự thảo Thông tư liên quan hoạt động của ngân hàng thương mại: Chưa đảm bảo tính minh bạch
04:00, 28/04/2021
Dự thảo Thông tư quản lý Chương trình phát triển tài sản trí tuệ năm 2030 chưa rõ ràng
07:26, 22/04/2021
Dự thảo Thông tư thẩm định giá chưa đảm bảo tính hợp lý
04:30, 09/04/2021
Lo ngại rủi ro trong dự thảo Thông tư quản lý thuế
04:00, 08/04/2021