Kiến nghị

Nhận diện "ách tắc" pháp luật kinh doanh: Vướng mắc về thuế thu nhập doanh nghiệp

Bài: Gia Nguyễn - Ảnh: Quốc Tuấn 21/07/2025 04:30

Để thúc đẩy môi trường đầu tư hấp dẫn và minh bạch đối với các nhà đầu tư nước ngoài, VAFIE đề nghị cân nhắc xử lý vướng mắc liên quan đến quy định thuế thu nhập doanh nghiệp.

Chia sẻ về vấn đề này, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, khoản 15 Điều 7 Thông tư 78/2014/TT-BTC là một trong những vướng mắc mà các doanh nghiệp FDI đang đối diện.

nhan-dien-ach-tac-phap-luat-kinh-doanh-20.7.1.jpg
Khoản 15 Điều 7 Thông tư 78/2014/TT-BTC được cho là một trong những vướng mắc mà các doanh nghiệp FDI đang đối diện - Ảnh minh họa

Theo VAFIE, hiện nay, một số quốc gia phát triển (ví dụ, Nhật Bản) có các chương trình khuyến khích đầu tư, cung cấp hỗ trợ bằng tiền trực tiếp cho dự án đầu tư của doanh nghiệp trong nước, bao gồm cả dự án đầu tư của doanh nghiệp đó tại các nước khác như Việt Nam.

Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp FDI được thành lập từ dự án đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài cũng được hưởng trợ cấp trực tiếp từ nguồn vốn của Chính phủ nước đó. Tuy nhiên, theo quy định thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, các khoản hỗ trợ đầu tư sẽ được coi là thu nhập khác và bị áp dụng mức thuế 20% (không được hưởng ưu đãi thuế).

“Việc áp dụng mức thuế trên đối với khoản hỗ trợ từ Chính phủ nước ngoài làm tăng chi phí cho nhà đầu tư và giảm hiệu quả của các khoản hỗ trợ trên, do đó làm giảm tính hấp dẫn trong môi trường đầu tư của Việt Nam”, VAFIE chia sẻ.

Từ những vướng mắc đã nêu, VAFIE khuyến nghị, việc miễn thuế hoặc cho phép áp dụng ưu đãi thuế đối với khoản hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách Chính phủ nước ngoài sẽ giúp các doanh nghiệp FDI trong nước dễ dàng tiếp cận nguồn vốn bổ sung, giúp tăng năng lực tài chính để đầu tư mở rộng hoạt động đầu tư; đồng thời giúp thúc đẩy môi trường đầu tư hấp dẫn và minh bạch đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

nhan-dien-ach-tac-phap-luat-kinh-doanh-20.7.2.jpg
Ngoài vấn đề đã nêu, VAFIE cũng kiến nghị xem xét vấn đề liên quan đến thuế GTGT cho các doanh nghiệp - Ảnh minh họa

Bên cạnh vấn đề đã nêu, VAFIE cũng chỉ ra những hạn chế tồn tại khi Luật Thuế giá trị gia tăng có hiệu lực không ghi nhận nội dung của khoản 1b, 2a Điều 9 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính về Thuế giá trị gia tăng (GTGT).

Cụ thể, VAFIE cho biết, khoản 1b Điều 9 về thuế suất 0% quy định: “b)… trường hợp cung cấp dịch vụ mà hoạt động cung cấp vừa diễn ra tại Việt Nam, vừa diễn ra ở ngoài Việt Nam nhưng hợp đồng dịch vụ được ký kết giữa hai người nộp thuế tại Việt Nam hoặc có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì thuế suất 0% chỉ áp dụng đối với phần giá trị dịch vụ thực hiện ở ngoài Việt Nam, trừ trường hợp cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho hàng hóa nhập khẩu được áp dụng thuế suất 0% trên toàn bộ giá trị hợp đồng. Trường hợp, hợp đồng không xác định riêng phần giá trị dịch vụ thực hiện tại Việt Nam thì giá tính thuế được xác định theo tỷ lệ (%) chi phí phát sinh tại Việt Nam trên tổng chi phí.

Cơ sở kinh doanh cung cấp dịch vụ là người nộp thuế tại Việt Nam phải có tài liệu chứng minh dịch vụ thực hiện ở ngoài Việt Nam”.

Còn theo khoản 2a Điều 9 về điều kiện áp dụng thuế suất 0% quy định: “… riêng đối với trường hợp hàng hóa bán mà điểm giao, nhận hàng hóa ở ngoài Việt Nam, cơ sở kinh doanh (bên bán) phải có tài liệu chứng minh việc giao, nhận hàng hóa ở ngoài Việt Nam như: hợp đồng mua hàng hóa ký với bên bán hàng hóa ở nước ngoài; hợp đồng bán hàng hóa ký với bên mua hàng; chứng từ chứng minh hàng hóa được giao, nhận ở ngoài Việt Nam như: hóa đơn thương mại theo thông lệ quốc tế, vận đơn, phiếu đóng gói, giấy chứng nhận xuất xứ…; chứng từ thanh toán qua ngân hàng gồm: chứng từ qua ngân hàng của cơ sở kinh doanh thanh toán cho bên bán hàng hóa ở nước ngoài; chứng từ thanh toán qua ngân hàng của bên mua hàng hóa thanh toán cho cơ sở kinh doanh”.

“Theo các quy định nêu trên, trước tháng 7 năm 2025, các hàng hóa, dịch vụ cung cấp trong hai trường hợp sau vẫn được áp dụng thuế GTGT 0%: Dịch vụ được cung cấp giữa hai doanh nghiệp Việt nam nhưng hoạt động cung cấp diễn ra ở ngoài Việt Nam; Và hàng hóa được mua bán giữa hai doanh nghiệp Việt Nam nhưng có điểm giao, nhận hàng hóa ở ngoài Việt Nam và đáp ứng một số điều kiện quy định.

Tuy nhiên, theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng mới có hiệu lực từ 01/7/2025 và các Nghi định, Thông tư hướng dẫn, không còn có các hướng dẫn tương tự như trên, theo đó, các hoạt động bán hàng hóa, dịch vụ tương tự không còn được hưởng mức thuế suất GTGT 0% nữa, mà sẽ phải áp dụng các mức 5%, 10% hay 8% theo quy định tại thời điểm phát sinh giao dịch”, VAFIE thông tin.

Đồng thời cho rằng, các quy định tại Thông tư số 219/2013/TT-BTC trước đó rất hợp lý, phù hợp do các hàng hóa, dịch vụ nêu trên cũng được cung cấp/tiêu dùng ngoài Việt Nam, nên dù là giao dịch được thực hiện giữa hai doanh nghiệp Việt Nam thì cũng cần được xử lý thuế GTGT tương tự như giao dịch, theo đó doanh nghiệp Việt Nam bán hàng hóa, dịch vụ cho doanh nghiệp nước ngoài. Bản chất thuế GTGT đánh trên hàng hóa, dịch vụ được cung cấp nên cần dựa trên tính chất của hàng hóa, dịch vụ liên quan để xác định thuế suất áp dụng, mà không phụ thuộc vào bên mua là bên Việt Nam hay bên nước ngoài.

Để phù hợp với bản chất thuế GTGT, VAFIE khuyến nghị nên khuyến khích các hoạt động kinh doanh phát triển đa dạng phong phú, phù hợp với sự phát triển thương mại toàn cầu.

“Bộ Tài chính nên nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định thuế GTGT hiện hành theo hướng tiếp tục được áp dụng thuế suất 0% đối với hàng hóa, dịch vụ…”, VAFIE kiến nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nhận diện "ách tắc" pháp luật kinh doanh: Vướng mắc về thuế thu nhập doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO