Doanh nghiệp 24/7

Nhà đầu tư điện tái tạo đứng trước nguy cơ mất trắng vốn sở hữu

Nguyên Vũ 10/07/2025 21:34

Thủ tục "Chấp nhận nghiệm thu" (CCA) đang khiến nhà đầu tư năng lượng xanh, năng lượng tái tạo rơi vào thế khó.

Những năm gần đây, điện năng lượng tái tạo đã có bước phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, thu hút nguồn vốn đầu tư khổng lồ. Tuy nhiên, vẫn còn những "nút thắt" pháp lý đang kìm hãm sự phát triển bền vững của ngành.

dien tai tao

Vướng mắc từ cơ chế

Tình trạng hàng trăm dự án điện năng lượng tái tạo, phần lớn đi vào vận hành trong giai đoạn 2019-2021, đang gặp vướng mắc về thủ tục "Chấp nhận nghiệm thu" (CCA). Theo ghi nhận, vào thời điểm đó, CCA chưa phải là yêu cầu bắt buộc để được công nhận ngày vận hành thương mại (COD).

Các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đã liên tục gửi các kiến nghị thư lên Chính phủ, các sở ban ngành để cùng khẳng định lại vấn đề tại thời điểm các dự án hoàn thành và đạt COD. Các quy định pháp luật hiện hành không yêu cầu CCA là điều kiện tiên quyết để được công nhận vận hành thương mại. Các điều kiện COD vào thời điểm đó chỉ bao gồm hoàn thành thử nghiệm ban đầu, có giấy phép hoạt động điện lực và thống nhất chỉ số công tơ.

Mặc dù EVNEPTC đã tổ chức các cuộc họp để giải quyết nhưng các đề xuất do EVNEPTC đưa ra đã không giải quyết được các vấn đề cốt lõi. Kiến nghị thư của các nhà đầu tư Nhật Bản gửi các Bộ ban ngành vào tháng 5/2025 đã nêu rõ: Các hướng xử lý được đề xuất phản ánh sự thay đổi so với các nguyên tắc tôn trọng hợp đồng đã được cam kết. Điều đó làm dấy lên sự quan ngại về tính ổn định, tính chắc chắn và sự công bằng về mặt pháp lý áp dụng cho ngành năng lượng của Việt Nam. Tình trạng này trực tiếp đi ngược lại với các nguyên tắc về sự thiện chí và tính toàn vẹn của khung pháp lý - những yếu tố cốt lõi và không thể thiếu để duy trì và củng cố niềm tin của các nhà đầu tư.

Sự thay đổi đến từ Thông tư số 10/2023/TT-BCT của Bộ Công Thương, được ban hành tháng 6/2023 lại quy định CCA là điều kiện để được cấp phép điện lực và áp dụng hồi tố cho các dự án đã hoạt động trước đó. Điều này đã vô tình khiến các nhà đầu tư “loay hoay” tìm hướng đi trong một chính sách có phần thiếu nhất quán. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, việc áp dụng hồi tố này là trái với nguyên tắc không hồi tố của Luật Đầu tư năm 2020.

Kết luận số 1027 của Thanh tra Chính phủ cũng đã xác định trách nhiệm thuộc về cả ba bên: chủ đầu tư, đơn vị mua bán điện và đơn vị vận hành hệ thống. Đơn vị mua bán điện đã thực hiện việc tạm giữ lại một phần tiền thanh toán từ tháng 1, áp dụng mức giá tạm thời, gây ra nhiều bất đồng trong giới đầu tư.

Hiện có tới 173 dự án (con số này có thể thay đổi theo thời gian) đang bị "treo" quyền lợi, chưa được công nhận COD chính thức. Điều này đồng nghĩa với việc các dự án này đang phải đối mặt với tình trạng chậm thanh toán tiền bán điện theo giá ưu đãi (FIT) và thậm chí có nguy cơ bị cắt giảm công suất.

Nếu tình trạng này kéo dài, nhiều nhà đầu tư có nguy cơ mất trắng vốn chủ sở hữu, gây ra những hệ lụy khó lường cho hệ thống tài chính. Việc giải quyết vấn đề này kéo dài và đang gây ra thiệt hại rõ rệt, tác động trực tiếp đến tình hình chung.

Không chỉ ảnh hưởng đến các nhà đầu tư, "thủ tục CCA" còn gây tắc nghẽn dòng tiền tín dụng, triển vọng của thị trường năng lượng tái tạo Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh Quy hoạch 8 điều chỉnh đã được thông qua và các địa phương đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ đấu thầu, cấp phép để các dự án mới nhanh chóng được thực hiện. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã cảnh báo về nguy cơ xảy ra các tranh chấp quốc tế diện rộng và kéo dài, gây thiệt hại tài chính lớn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín quốc gia trong môi trường đầu tư xanh.

Việc EVNEPTC đơn phương quyết định giảm hoặc giữ lại một phần các khoản thanh toán giá FIT theo các hợp đồng mua bán điện đang có hiệu lực và/hoặc áp dụng hồi tố ngày COD và điều kiện hưởng giá FIT sẽ mâu thuẫn trực tiếp với các nguyên tắc cơ bản được quy định tại các Khoản 2.2 và 2.3 của Mục III trong Nghị Quyết 68.

Giải pháp từ thực tiễn

Trong bối cảnh các dự án "mắc kẹt" vì CCA, đơn vị mua bán điện đã đưa ra đề xuất tạm thanh toán tiền điện theo một nguyên tắc mới: áp dụng giá điện tương đương giá FIT hoặc giá trần của khung giá chuyển tiếp có hiệu lực tại thời điểm nhà máy có CCA. Sau khi có hướng dẫn chính thức, các bên sẽ "sửa đổi hợp đồng" và thanh quyết toán.

Các nhà đầu tư và Hiệp hội Năng lượng tái tạo đã liên tục gửi kiến nghị lên Chính phủ, Bộ Công Thương. Họ đề xuất các cơ quan có thẩm quyền cần chủ động phối hợp, hướng dẫn cụ thể các thủ tục CCA bổ sung để giải quyết các vướng mắc hiện tại. Quan điểm chung của các nhà đầu tư là không thể dùng các quy định ban hành sau để phủ nhận quyền lợi chính đáng đã có từ trước của doanh nghiệp.

Theo Thư Kiến nghị khẩn cấp lần thứ hai (ngày 16/5/2025), yêu cầu xác nhận và thi hành ngày COD đã được chấp thuận ban đầu, đảm bảo đơn vị mua bán điện thực hiện đầy đủ nghĩa vụ hợp đồng bằng cách tiếp tục thanh toán đầy đủ và đúng hạn, và không áp dụng hồi tố các quy định mới về xác định điều kiện COD và giá FIT. Các nhà đầu tư cũng cam kết hợp tác và tuân thủ các hình thức xử phạt hành chính hợp pháp cho khoảng thời gian không có CCA kể từ khi Nghị định 17/2022/NĐ-CP có hiệu lực.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển điện sạch, các nhà đầu tư cho rằng ngành điện cần phải là một phần của giải pháp, không nên để các thủ tục hành chính trở thành rào cản cho mục tiêu chung.

Trước đó, ngày 10/12/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 233/NQ-CP với mục tiêu tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc này. Nghị quyết giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan và các địa phương rà soát toàn bộ danh mục dự án chuyển tiếp, đẩy nhanh việc cấp phép, nghiệm thu và xác định giá điện tạm thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát điện lên lưới. Chính phủ cũng chỉ đạo xem xét cơ chế đấu giá, đấu thầu mua điện theo hướng minh bạch, ổn định để khôi phục niềm tin cho nhà đầu tư.

Về vấn đề quy hoạch, các vướng mắc cũng đã được giải quyết khi Chính phủ ban hành Quyết định 768/2025 điều chỉnh Quy hoạch điện 8, cập nhật các dự án năng lượng tái tạo đang gặp khó khăn.

Tuy nhiên, những vấn đề liên quan đến cơ chế COD và giá FIT vẫn thuộc thẩm quyền giải quyết của các đơn vị liên quan trong ngành điện lực. Mặc dù Bộ Công Thương đã có nhiều văn bản chỉ đạo, nhưng các đơn vị này vẫn chưa có báo cáo chính thức về kết quả thực hiện. Trong báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết 233/NQ-CP ngày 18/6 vừa qua, một lần nữa Bộ Công Thương nhấn mạnh yếu tố “rủi ro về tranh chấp, khiếu kiện quốc tế là hoàn toàn có thể xảy ra trên diện rộng và kéo dài đối với các dự án năng lượng tái tạo”. Nguyên tắc được đặt ra trong Nghị quyết 233 là cơ quan nào có thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết vấn đề thì cơ quan đó phải thực hiện. Các đơn vị này cũng có trách nhiệm phối hợp với các chủ đầu tư để đưa ra phương án quyết định và thống nhất về việc hưởng giá FIT.

Trên thực tế, việc đàm phán giữa các đơn vị liên quan và các nhà đầu tư gặp nhiều trở ngại, các nhà đầu tư chưa thống nhất với cách giải quyết tạm thanh toán, áp dụng giá tạm. Các đơn vị liên quan cho biết họ đang đối mặt với một số thách thức trong quá trình đàm phán, bao gồm việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý, điều chỉnh chủ trương đầu tư, gia hạn tiến độ, làm rõ thông tin công suất quy hoạch và sự chênh lệch giữa số liệu sản lượng điện trong hồ sơ thiết kế với thực tế vận hành.

Gần đây, Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận cũ (nay thuộc Khánh Hòa) cũng đã có báo cáo và kiến nghị Bộ Công Thương về những khó khăn trong việc ban hành cơ chế giá điện cho các dự án. Địa phương này vẫn đang nỗ lực tìm cách tháo gỡ các điểm nghẽn, đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Về phía các cơ quan chức năng, đơn vị vận hành hệ thống đã có chỉ đạo (ngày 6/6/2025) yêu cầu đơn vị mua bán điện khẩn trương giải quyết dứt điểm tình trạng tạm thanh toán và các tồn tại của các dự án năng lượng tái tạo, không để phát sinh khiếu nại, khiếu kiện, đồng thời rà soát pháp lý để đảm bảo quyền lợi của Nhà nước, đơn vị vận hành hệ thống và người sử dụng điện.

Đơn vị mua bán điện cũng đã có báo cáo (ngày 16/6/2025) về việc chủ động thực hiện Kết luận thanh tra số 1027/KL-TTCP, rà soát và yêu cầu các chủ đầu tư cung cấp văn bản nghiệm thu. Tuy nhiên, đối với các nhà máy chưa có văn bản chấp thuận nghiệm thu công trình xây dựng, đơn vị này hiện đang tạm dừng thanh toán tiền mua điện.

Được biết, Chính phủ đã có những động thái quyết liệt để giải quyết vấn đề này thông qua Nghị quyết 233 và cũng đã có báo cáo chi tiết về thực hiện nghị quyết này. Tuy nhiên, việc triển khai và giải quyết dứt điểm các vướng mắc, đặc biệt là trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong việc xác định giá FIT và hoàn thiện thủ tục CCA, vẫn là một bài toán khó, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ và quyết tâm cao từ tất cả các bên liên quan để không lãng phí nguồn lực và đảm bảo mục tiêu phát triển năng lượng sạch của quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nhà đầu tư điện tái tạo đứng trước nguy cơ mất trắng vốn sở hữu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO