Kiến nghị

Hồi tố giá bán điện tái tạo: Chưa có sự đồng thuận

Nguyễn Tiến Dũng 14/03/2025 11:15

70 chủ đầu tư dự án điện gió và điện mặt trời đã cùng ngồi với EVN để đối thoại về việc hồi tố giá mau bán điện, tuy nhiên cả 2 bên vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung.

Sau khi chủ đầu tư của 173 dự án năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) gửi đơn kiến nghị tập thể đến các cấp có thẩm quyền cao nhất bày tỏ lo ngại về việc khoảng hơn 13 tỷ USD của các dự án năng lượng tái tạo có nguy cơ bị hồi tố giá bán điện, ngày 12 và 13/3/2025 Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức buổi đối thoại lần đầu với 70 nhà đầu tư các dự án năng lượng tái tạo trong nước.

Đại diện cho EVN là Công ty mua bán điện (EVNEPTC) do ông Đinh Xuân Đức – Phó Giám đốc chủ trì cùng Lãnh đạo các ban chuyên môn của EVN tham dự.

z6405269932297_2355fac935b83dbfa8bc373bb671cc28.jpg

Tại buổi đối thoại, đại diện EVNEPTC thông báo với các chủ đầu tư việc thực hiện Nghị quyết 233/NQ-CP ngày 10/12/2024 của Chính phủ và Báo cáo số 321/BC-BCT ngày 12/12/2024 của Bộ Công Thương, EVNEPTC mời các nhà đầu tư các dự án năng lượng tái tạo có Chứng nhận nghiệm thu hoàn thành (CCA) sau ngày vận hành thương mại (COD) để thảo luận về khả năng điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế FIT (Cơ chế áp dụng giá bán điện ưu đãi).

Tại đây, EVNEPTC đưa ra phương án theo đó: các dự án đang áp dụng giá bán theo FIT1 là 9,35 cent/kWh mà có ngày nghiệm thu hoàn thành sau ngày vận hành thương mại (COD) thì tạm điều chỉnh giá bán điện theo FIT2 với giá là 7,09 cent/kWh, các dự án có Chứng nhận nghiệm thu hoàn thành (CCA) sau ngày FIT 2 hết hiệu lực thì điều chỉnh theo giá các dự án chuyển tiếp là 1.184,9 đồng/Kwh (thấp hơn so với giá FIT2). Đại diện EVNEPTC cũng cho biết đây sẽ là "giá tạm tính” theo công thức ở trên cho đến khi có Quyết định chính thức cuối cùng của cơ quan quản lí nhà nước.

Không đồng tình với các phương án mà đại diện EVNEPTC đưa ra, các Chủ đầu tư khẳng định: Kể từ thời điểm cuối cùng xác định dự án hoàn thành và được hưởng giá ưu đãi (FIT) là 31/10/2021, Bộ Công Thương hay EVN chưa hề có bất cứ hướng dẫn hay văn bản nào quy định dự án phải có “Chấp thuận kết quả nghiệm thu” từ các cơ quan quản lý nhà nước. Mãi đến ngày 09/6/2023, tức là thời điểm tất cả các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích các dự án năng lượng tái tạo đã hết hiệu lực, Bộ Công Thương mới ra Thông tư số 10/2023/TT-BCT về hướng dẫn các thủ tục nghiệm thu các dự án năng lượng, mới đưa vào điều kiện phải có “Chấp nhận nghiệm thu” của cơ quan quản lý nhà nước là điều kiện để xin Giấy phép hoạt động điện lực.

Các chủ đầu tư cũng cho rằng: Cho đến thời điểm này chưa có bất cứ một cơ sở pháp lí chính thức hay một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về việc các nhà máy có ngày Chứng nhận nghiệm thu hoàn thành sau ngày Vận hành thương mại thì không được áp dụng giá ưu đãi FIT.

Một số chủ đầu tư viện dẫn kết luận 1027 của Thanh tra chính phủ và Nghị quyết số 233/NQ-CP của Chính phủ cũng chỉ đề cập: “Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với EVN rà soát, xử lí theo quy định của pháp luật đối với các dự án điện mặt trời, điện gió đã được công nhận ngày vận hành thương mại(COD) và hưởng giá FIT khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu công trình xây dựng của chủ đầu tư (CCA). Trong quá trình rà soát, nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lí theo quy định”.

Trong Thông báo số 92/TP-VPCP truyền đạt kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết 233/NQ-CP cũng nêu rõ: “Nếu các dự án vi phạm do lỗi của doanh nghiệp và không đáp ứng đầy đủ điều kiện hưởng giá FIT thì không được hưởng giá FIT ưu đãi”.

Rõ ràng trong vấn đề này doanh nghiệp không hề có lỗi vì họ không được thông báo bắt buộc phải có Chứng nhận nghiệm thu hoàn thành (CCA) trước ngày vận hành thương mại (COD). Ngay cả trong thủ tục để ký Hợp đồng mua bán điện với EVN thì Chứng nhận nghiệm thu hoàn thành (CCA) cũng chưa bao giờ được đề cập tới. “Nếu Chứng nhận nghiệm thu hoàn thành (CCA) là giấy tờ bắt buộc phải có thì sao khi ký Hợp đồng mua bán điện EVN không bắt chúng tôi phải nộp?", một đại diện chủ đầu tư bức xúc.

Các chủ đầu tư dự án khẳng định việc (EVNEPTC) tự đưa ra phương án áp dụng giá tạm tính là hoàn toàn vi phạm PPA (văn bản pháp luật cao nhất điều chỉnh quan hệ giữa bên mua điện và bên bán điện) đã kí với các dự án.

Cho rằng việc hồi tố giá bán điện mà EVNEPTC đưa ra là bất hợp lý và không có cơ sở, các nhà đầu tư đề nghị EVNEPTC tiếp tục phối hợp cùng với các nhà đầu tư tổ chức đối thoại với cấp quản lí cao hơn như Bộ Công Thương, Chính phủ để tìm ra giải pháp đúng đắn và làm thỏa mãn các bên trong vấn đề này trước khi vội vàng và tự động áp dụng giá tạm tính.

EVNEPTC và đại diện EVN đồng ý và ghi nhận đầy đủ ý kiến của các nhà đầu tư, các bên đã lập biên bản để tiếp tục báo cáo lên cấp cao hơn hướng xử lí với vấn đề này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hồi tố giá bán điện tái tạo: Chưa có sự đồng thuận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO