Dự thảo Thông tư về an toàn thực phẩm: Cần bãi bỏ nội dung không còn phù hợp
Ngoài quy định gây khó, theo VCCI, Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm… cũng cần bãi bỏ những nội dung không còn phù hợp.
Theo đó, cũng tại trả lời Công văn số 6697/BYT-ATTP ngày 16/8/2021 của Bộ Y tế về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành (Dự thảo), bên cạnh một số quy định gây khó doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, một số nội dung tại Dự thảo không còn phù hợp cần bãi bỏ.
Cụ thể, theo VCCI, Điều 2.1 Dự thảo và Phụ lục 3 bãi bỏ một số nội dung tại Quyết định số 46/2007/QĐ-BYT quy định giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học và hóa học trong thực phẩm. Tuy nhiên, tính pháp lý của việc vẫn duy trì Quyết định số 46/2007/QĐ-BYT cần được xem xét bởi các lý do:
Vi phạm điều cấm của Luật, theo Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Trong khi đó, các quy định về giới hạn tối đa ô nhiễm trong thực phẩm là quy định bắt buộc phải thực hiện với doanh nghiệp, tức là quy phạm pháp luật. Việc này là vi phạm điều cấm tại Điều 14.2 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật do ban hành quy phạm pháp luật trong văn bản không quy phạm.
Tính hiệu lực của văn bản, Quyết định số 46/2007/QĐ-BYT được ban hành căn cứ theo Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm 2003, Nghị định số 163/2004/NĐ-CP. Đến nay, các văn bản này đều đã hết hiệu lực và được thay thế bằng Luật An toàn thực phẩm 2010.
“Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bãi bỏ văn bản này và ban hành các quy định còn hiệu lực tại văn bản mới theo các quy định của Luật Ban hành văn bản pháp luật”, VCCI góp ý.
Bên cạnh đó, đối với các nội dung còn hiệu lực, VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại nội dung tại Mục 6.5 và Mục 6.8 về giới hạn với ngũ cốc, sản phẩm từ ngũ cốc, gia vị và nước chấm bởi các quy định này không phù hợp với các văn bản cao hơn, cụ thể là về mặt thẩm quyền ban hành. Giới hạn với các sản phẩm này, về bản chất, là quy chuẩn kỹ thuật theo định nghĩa tại Điều 3.2 Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, thẩm quyền ban hành trong trường hợp này thuộc về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, không phải Bộ Y tế, theo quy định tại Điều 38.1 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.
Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bãi bỏ hiệu lực các nội dung này và trao đổi với cơ quan có thẩm quyền ban hành (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để thực hiện.
Cùng với đó, Phần 7 về Danh mục các chất hỗ trợ chế biến được phép sử dụng trong sản xuất, VCCI cũng cho rằng, theo phản ánh của doanh nghiệp, Danh mục này đã quá cũ và không cập nhật theo Danh mục của Codex.
“Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi Danh mục và bổ sung quy định cho phép tự động cập nhật Danh mục theo tiêu chuẩn mới của Codex, tương tự như cơ chế với phụ gia thực phẩm tại Điều 1.1 Dự thảo”, VCCI góp ý.
Ngoài ra, Điều 1.1.a Dự thảo (sửa đổi Điều 3.8 Thông tư 24/2019/TT-BYT) đưa ra khái niệm về phụ gia thực phẩm hỗn hợp, theo đó phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng khác với công dụng của các loại phụ gia thành phần.
Tuy nhiên, theo VCCI, quy định này chưa thật sự rõ ràng ở điểm nếu một công dụng của phụ gia thực phẩm sau khi phối trộn trùng với một trong số nhiều công dụng của phụ gia thành phần có được coi là phụ gia hỗn hợp không? Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng khác với tất cả các công dụng được quy định cho mỗi chất phụ gia đó.
Về Danh mục thực phẩm, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến và dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng, Điều 1.6 Dự thảo (sửa đổi Điều 1 Thông tư 05/2018/TT-BYT) sửa đổi quy định về việc Ban hành Danh mục thực phẩm, phụ gia thực phẩm và dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế quy định:
“Điều 1. Ban hành Danh mục: Ban hành kèm theo Thông tư này Danh mục thực phẩm, phụ gia thực phẩm và dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế (Danh mục)…
Danh mục thực phẩm, phụ gia thực phẩm và dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế được quy định tại Phụ lục 2 Thông tư này”.
Theo VCCI, quy định tại Dự thảo chưa rõ sẽ ban hành một Danh mục mới thay thế cho Danh mục tại Thông tư 05/2018/TT-BYT hay bổ sung thêm một Danh mục mới bên cạnh Danh mục đã có.
Do vậy, để đảm bảo tính minh bạch, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi để làm rõ nội dung của quy định.
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo Thông tư về hoạt động thẻ ngân hàng: Một số quy định chưa hợp lý
04:00, 29/10/2021
Dự thảo Thông tư về thủ tục Hải quan: Nhiều quy định thay đổi
03:50, 30/09/2021
Dự thảo Thông tư về “Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia”: Chưa cụ thể, rõ ràng
03:30, 27/07/2021
Dự thảo Thông tư về tổ chức, hoạt động và quản lý hội: Còn quy định chưa minh bạch
03:30, 26/07/2021
Dự thảo Thông tư về nhà ở xã hội: Một số quy định còn chưa hợp lý
03:30, 22/07/2021