Đảm bảo tính khả thi của một số quy định tại Dự thảo Quyết định về Danh mục dữ liệu

ANH KHÔI 27/09/2022 03:30

Dù đánh giá cao Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục dữ liệu… tuy nhiên, theo VCCI, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc một số quy định để đảm bảo tính khả thi.

>> Cân nhắc việc công bố thông tin giao thông dưới dạng dữ liệu mở

Trả lời Công văn số 1159/TTH-HTDLS ngày 27/7/2022 của về việc đề nghị góp ý Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục dữ liệu mở của cơ quan Nhà nước ưu tiên công khai (Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Dự thảo này là một nỗ lực đáng ghi nhận của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc thúc đẩy việc mở dữ liệu của cơ quan Nhà nước cho người dân và doanh nghiệp. Việc ban hành Danh mục dữ liệu mở ưu tiên triển khai là cực kỳ cần thiết để tạo động lực và đẩy nhanh tốc độ triển khai hoạt động này.

VCCI đánh giá cao Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục dữ liệu mở của cơ quan nhà nước ưu tiên công khai - Ảnh minh họa: Internet

VCCI đánh giá cao Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục dữ liệu mở của cơ quan nhà nước ưu tiên công khai - Ảnh minh họa: Internet

VCCI cho rằng, Danh mục dữ liệu mở ưu tiên triển khai tại Dự thảo được lập dựa trên các quy định về tiếp cận thông tin. Theo đó, các dữ liệu mở được ưu tiên triển khai được chia theo các chủ đề, đã được thu thập theo luật bởi cơ quan Nhà nước và thuộc dữ liệu công khai theo Luật Tiếp cận thông tin. Đồng thời, Danh mục tại Dự thảo chỉ quy định tên dữ liệu, mà không quy định thêm về yêu cầu với dữ liệu, chẳng hạn như thông tin mô tả dữ liệu; định dạng, hình thức chia sẻ.

“Như vậy, có thể thấy cách tiếp cận của cơ quan soạn thảo có xu hướng đẩy càng nhiều dữ liệu mở càng tốt, theo nguyên tắc sử dụng các dữ liệu mặc định mở theo quy định pháp luật (open by default), và chấp nhận bất kỳ hình thức chia sẻ nào, kể cả các định dạng thô (raw data now). Các tiếp cận này có ưu điểm là tính khả thi của việc thực hiện cao do các dữ liệu này đã sẵn có (cơ quan nhà nước đã thu thập theo yêu cầu quản lý của mình), được quy định là thông tin được phép tiếp cận, và không yêu cầu về hình thức chia sẻ. Cách tiếp cận cũng có lợi thế trong bối cảnh các thông tin do cơ quan Nhà nước thu thập còn chưa được chú trọng thống kê, tập hợp thành khối dữ liệu. Việc triển khai theo cách thức trên cũng có thể dễ đạt được thành tích (số lượng dữ liệu mở)”, VCCI phân tích.

Tuy nhiên, theo VCCI, cách tiếp cận này sẽ thiếu hiệu quả về mặt kinh tế như: cải thiện và tạo ra các dịch vụ, sản phẩm mới; tăng khả năng trao quyền cho người dân; đổi mới sáng tạo; tạo ra kiến thức mới.

>> Giải bài toán giao thông và nhân lực, nâng tầm quan hệ Việt – Lào

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc một số quy định để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả - Ảnh minh họa: Internet

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc một số quy định để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả - Ảnh minh họa: Internet

Vì vậy, để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc một số nội dung như:

Thứ nhất, về giá trị cho người dân và doanh nghiệp, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc một số bộ dữ liệu như: Nhân khẩu học và xã hội - dữ liệu điều tra dân số, điều tra hộ gia đình; Kinh doanh - dữ liệu về doanh nghiệp (thông tin về doanh nghiệp; thông tin về mất khả năng thanh toán/phá sản của doanh nghiệp). Dữ liệu về các giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; các giấy phép cho sản phẩm; Kinh tế - dữ liệu thương mại, xuất nhập khẩu, dữ liệu du lịch; Nông nghiệp và chế biến thực phẩm - chứng nhận an toàn thực phẩm; sản lượng cây trồng, chăn nuôi ở các khu vực địa lý khác nhau; Hoạt động của Chính phủ - các văn bản, quy định pháp lý, dữ liệu về mua sắm công (đấu thầu), ngân sách Nhà nước;

Thứ hai, tiêu chí về khả năng tái sử dụng dữ liệu (reuseability). Dữ liệu mở nên được đăng tải với định dạng mở và có thể đọc bằng máy, chẳng hạn CSV, ODS, JSON, XML. Việc này giúp cho doanh nghiệp và người dân có thể tiếp cận và sử dụng dữ liệu thuận tiện và dễ dàng hơn.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung nội dung về định dạng dữ liệu vào Danh mục, có thể chia dữ liệu thành 2 nhóm.

Cụ thể - Nhóm 1, là các dữ liệu đã được công khai, nhưng chưa được cung cấp dưới định dạng mở: yêu cầu cung cấp dưới định dạng mở. Ở hình thức đơn giản nhất, dữ liệu nên được lưu ở dạng CSV hoặc Open Document Spreadsheet (ODS); Nhóm 2 là các thông tin đã được công khai nhưng chưa được tập hợp thành khối dữ liệu (được đăng tải tản mạn, không được thống kê, tập hợp): yêu cầu mở dữ liệu, và cho phép ở bất kỳ định dạng nào.

Thứ ba, về tính tập trung của dữ liệu, nhiều dữ liệu hiện đã được công khai (theo pháp luật tiếp cận thông tin) nhưng không được công bố là dữ liệu mở. Đồng thời, nhiều dữ liệu còn tản mát ở nhiều trang web, dẫn đến việc khó khăn trong việc tìm kiếm.

Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung yêu cầu về kết nối lên Cổng Dữ liệu Quốc gia, theo nhóm:

Nhóm 1 - Các thông tin đã công khai, nhưng chưa kết nối lên Cổng Dữ liệu Quốc gia: yêu cầu bắt buộc kết nối lên Cổng Dữ liệu Quốc gia (hoặc có dẫn link đến trang web công khai thông tin với các thông tin đã công khai và có sẵn dữ liệu đặc tả); Các thông tin có thể thực hiện yêu cầu kết nối lên Cổng Dữ liệu Quốc gia có thể tham khảo tại Báo cáo Đánh giá Mức độ sẵn sàng về Chính phủ Số và Dữ liệu Mở của Ngân hàng Thế giới (trang 208).

Nhóm 2 - Các thông tin chưa thực hiện công khai hoặc chưa thực hiện tổng hợp thành bộ liệu: khuyến khích việc kết nối lên Cổng Dữ liệu Quốc gia.

Thứ tư, về mức độ chi tiết của dữ liệu, theo Báo cáo trên, 50% người khảo sát cho biết dữ liệu không đủ chi tiết, chẳng hạn các thông tin thiếu phân tách theo địa lý và theo ngành.

“Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung tiêu chí này với một số nhóm dữ liệu như dữ liệu kinh tế, dữ liệu nông nghiệp về sản lượng cây trồng và chăn nuôi”, VCCI góp ý.

Bên cạnh những góp ý đã nêu, tại trả lời Công văn số 1159/TTH-HTDLS, VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thời gian triển khai cho từng bộ dữ liệu, trong đó ưu tiên các bộ dữ liệu có giá trị cao và đã có sẵn. Đồng thời, đề nghị bổ sung trách nhiệm báo cáo việc cập nhật các bộ dữ liệu của các cơ quan Nhà nước có liên quan; và trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc theo dõi việc cập nhật các bộ dữ liệu mở này.

Có thể bạn quan tâm

  • Tài chính nhúng trong nền kinh tế dữ liệu

    Tài chính nhúng trong nền kinh tế dữ liệu

    17:08, 23/09/2022

  • Cân nhắc việc công bố thông tin giao thông dưới dạng dữ liệu mở

    Cân nhắc việc công bố thông tin giao thông dưới dạng dữ liệu mở

    03:20, 16/09/2022

  • Có thật iPhone bảo mật để bảo vệ dữ liệu người dùng?

    Có thật iPhone bảo mật để bảo vệ dữ liệu người dùng?

    03:00, 09/09/2022

  • Báo động mua bán dữ liệu cá nhân

    Báo động mua bán dữ liệu cá nhân

    00:00, 01/09/2022

  • Lợi ích của chuyển đổi số cho doanh nghiệp: Tốc độ, tinh gọn và dữ liệu

    Lợi ích của chuyển đổi số cho doanh nghiệp: Tốc độ, tinh gọn và dữ liệu

    14:16, 25/08/2022

ANH KHÔI