Cân nhắc nội dung bổ sung “tổ chức” vào khái niệm “người tiêu dùng”
Góp ý Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) - bản tiếp thu chỉnh lý, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc nội dung bổ sung “tổ chức” vào khái niệm “người tiêu dùng”…
>> Tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng
Theo đó, thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và yêu cầu của Bộ Công Thương về góp ý Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) - bản tiếp thu chỉnh lý (Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, về khái niệm người tiêu dùng - đây là nội dung nhận được nhiều ý kiến từ các đại biểu Quốc hội, theo hướng cần bổ sung “tổ chức” vào khái niệm “người tiêu dùng”.
Giải trình của Ban soạn thảo là tiếp thu hoặc tiếp thu một phần ý kiến này. Tuy nhiên, VCCI đề nghị xem xét bổ sung nội dung này ở các khía cạnh như:
Đây là thay đổi lớn về mặt chính sách, khi trong đề xuất xây dựng chính sách trước đây, Chính phủ đã thông qua định nghĩa người tiêu dùng chỉ bao gồm cá nhân, do vậy, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung các nội dung sau vào đánh giá tác động nếu đưa “tổ chức” vào đối tượng bảo vệ người tiêu dùng.
Cụ thể, lượng hoá các nguồn lực thực thi như: cần thêm bao nhiêu chi phí (cụ thể số tiền) và nhân lực (cụ thể phải bổ sung bao nhiêu cán bộ hoặc tính số nhân lực hiện tại đáp ứng bao nhiêu phần trăm yêu cầu quản lý). Bởi, theo VCCI, số lượng tổ chức là vô cùng lớn, nếu đưa vào phạm vi điều chỉnh chắc chắn sẽ làm gia tăng áp lực công việc cho hệ thống cơ quan bảo vệ người tiêu dùng hiện đang còn thiếu hụt.
Bên cạnh đó, VCCI cũng đề nghị, cần bổ sung đánh giá thực tế triển khai Luật từ năm 2010 đối với các đối tượng người tiêu dùng là tổ chức ở các khía cạnh như: đã có bao nhiêu vụ việc được giải quyết, lợi ích của người tiêu dùng là tổ chức bị thiệt hại là bao nhiêu, có đặc thù gì so với người tiêu dùng là cá nhân.
Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia về định nghĩa người tiêu dùng, ví dụ như: Luật về quyền của người tiêu dùng của Anh năm 2015 (khoản 3 Điều 2), Luật Bảo vệ người tiêu dùng Singapore năm 2003 (Điều 2 Phần I), Luật Cạnh tranh và người tiêu dùng Úc năm 2020 (Điều 4B, Phần I), Luật bảo vệ người tiêu dùng Indonesia năm 1999 (khoản 2 Điều 1, Chương I), Luật bảo vệ người tiêu dùng Thái Lan (Phần 3).
>> Tăng chế tài xử lý để bảo vệ thông tin cá nhân người tiêu dùng
Cùng với những nội dung đã nêu, góp ý về trách nhiệm của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số (Điều 42 Dự thảo), VCCI cho rằng, Dự thảo dường như đang giao quá nhiều nghĩa vụ cho các tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số vượt ra ngoài phạm vi hoạt động của các tổ chức này, thậm chí có những quy định trùng lặp với nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân bán hàng.
Cụ thể, khoản 3 Điều 42 Dự thảo quy định: “tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số tại điểm b khoản 1 Điều này có trách nhiệm thực hiện quy định tại Chương II, Điều 39, Điều 40 và Mục 2 Chương III của Luật này”. Trong khi đó, một số quy định trong số này rõ ràng là không được thiết kế cho tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số, ví dụ:
Toàn bộ Chương II về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng. Đây là toàn bộ trách nhiệm của nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ trực tiếp, bên thứ ba được uỷ quyền cung cấp thông tin về sản phẩm, dịch vụ. Tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số với chức năng của mình có nghĩa vụ hoàn toàn khác, tách biệt với các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng và do đó không thể thực hiện các nghĩa vụ trên.
Điểm b khoản 1 Điều 40 quy định tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số phải cung cấp chính xác và đầy đủ thông tin về “giá cả, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, thời hạn sử dụng của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ”. Lập luận tương tự trên, đây là nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức kinh doanh. Tổ chức vận hành nền tảng số có thể bảo đảm các cá nhân, tổ chức kinh doanh phải niêm yết đầy đủ các thông tin nhưng không thể bảo đảm tính chính xác, đầy đủ vì đây là trách nhiệm của bên bán.
Khoản 3 Điều 39 về “bán hàng trực tiếp” rõ ràng là không thuộc phạm phù kinh doanh trên nền tảng số, nơi việc mua bán được diễn ra trên không gian mạng.
Từ các phân tích đã nêu, VCCI đề nghị Ban soạn thảo bỏ phạm vi áp dụng ở các chương, điều khoản không thuộc phạm vi nghĩa vụ của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số. Đồng thời, cân nhắc thiết kế một mục riêng về kinh doanh trên không gian mạng, không gộp chung với mục “bán hàng từ xa” để tăng tính rõ ràng, thuận tiện trong áp dụng cho các đối tượng chịu sự điều chỉnh.
Cũng tại văn bản góp ý, để Dự thảo hoàn thiện, đảm bảo tính khả thi, VCCI cũng để nghị Ban soạn thảo cân nhắc một số nội dung liên quan đến: Quy định nghĩa vụ kết nối thông tin của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số (Điều 42 Dự thảo); Trách nhiệm cảnh báo người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng (Điều 42 Dự thảo).
Đồng thời đề nghị rà soát để bỏ quy định: “Trong quá trình thực hiện trách nhiệm bảo đảm an toàn, chất lượng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải bảo đảm sự phù hợp với các nhóm người tiêu dùng theo độ tuổi, thu nhập, khu vực địa lý, dân tộc, tình trạng sức khoẻ, đặc điểm tâm thần, thể chất, bảo đảm bình đẳng giới và đặc thù giới tính trong tiêu dùng” theo giải trình tiếp thu của Ban soạn thảo đối với góp ý của VCCI.
Cân nhắc cụm từ “tạo điều kiện cho/để người tiêu dùng” (khoản 2 Điều 30, khoản 2 Điều 17) vì có thể gây các cách hiểu khác nhau khi không rõ tiêu chí nào để xác định là doanh nghiệp đã “tạo điều kiện” hay “chưa tạo điều kiện”.
Có thể bạn quan tâm
Bảo vệ người tiêu dùng trên "chợ online"
00:37, 14/12/2022
Bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng
03:00, 25/10/2022
Tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng
04:00, 21/10/2022
Tăng cường giám sát bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính
14:23, 27/06/2022
Hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ người tiêu dùng
04:10, 10/01/2022