Dự thảo Thông tư về thi đua, khen thưởng ngành Xây dựng: Cần làm rõ đối tượng áp dụng
Góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành Xây dựng, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ đối tượng để tạo thuận lợi trong quá trình áp dụng…
>> Thi đua khen thưởng: Hướng về người lao động trực tiếp!
Theo đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời Công văn số 4336/BXD-TCCB của Bộ Xây dựng về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành Xây dựng (Dự thảo).
Cụ thể, khoản 2 Điều 1 Dự thảo quy định đối tượng áp dụng của Dự thảo là “tập thể, cá nhân, hộ gia đình người Việt Nam; tập thể, cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài và tập thể, cá nhân người nước ngoài có thành tích đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của ngành Xây dựng”.
Theo VCCI, quy định trên là chưa rõ về đối tượng áp dụng của Dự thảo này có áp dụng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã không? “Tập thể” là khái niệm chưa rõ để xác định chính xác đối tượng nào áp dụng quy định về thi đua, khen thưởng này. Mặt khác, một số quy định tại Dự thảo quy định “cơ quan, tổ chức” là chủ thể phải thực hiện các thủ tục để đề nghị khen thưởng.
Quy định về đối tượng áp dụng này căn cứ vào quy định tại Điều 2 Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2022, tuy nhiên, đây là văn bản hướng dẫn, có thể quy định cụ thể, chi tiết và rõ ràng hơn.
Để đảm bảo tính rõ ràng, tạo thuận lợi trong quá trình áp dụng, VCCI đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định đã nêu theo hướng đối tượng áp dụng của Thông tư này là cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Bên cạnh đó, góp ý về hướng dẫn tiêu chuẩn xét tặng các danh hiệu, theo VCCI, Điều 2, Điều 3, Điều 4 Dự thảo quy định về Danh hiệu “Cơ thi đua của Bộ Xây dựng”, “Tập thuể lao động xuất sắc”, “Tập thể lao động tiên tiến” theo hướng dẫn chiếu các quy định tại Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2022 mà không quy định chi tiết, cụ thể hơn.
Trong khi đó, khoản 3 Điều 26, khoản 3 Điều 27, khoản 3 Điều 28 Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2022 quy định “Bộ, ban, ngành, tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quy định chi tiết, hướng dẫn cụ thể đối tượng, tiêu chuẩn” xét tặng các danh hiệu.
“Các tiêu chí xét tặng quy định tại Luật Thi đua, Khen thưởng là tiêu chí chung, áp dụng cho các ngành. Mỗi ngành sẽ có những đặc thù riêng và cần quy định chi tiết, cụ thể hơn để phù hợp với đặc thù của ngành Xây dựng. Để phù hợp với tính chất của văn bản hướng dẫn đề nghị Ban soạn thảo quy định chi tiết, cụ thể hơn các tiêu chí xét tặng các danh hiệu quy định tại Điều 2, Điều 3, Điều 4 Dự thảo”, VCCI góp ý.
Cùng với các quy định đã nêu, góp ý khoản 3 Điều 5 Dự thảo về Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Xây dựng”, VCCI cho biết, Nghị định quy định “trường hợp cơ quan, tổ chức đã giải thể hoặc sáp nhập thì cơ quan, tổ chức kế thừa có trách nhiệm xác nhận, lập hồ sơ trình Bộ trưởng Bộ Xây dựng xem xét, quyết định”. Nếu là cơ quan, tổ chức đã giải thể thì sẽ không có cơ quan, tổ chức kế thừa, vì vậy quy định này sẽ khó thực hiện trên thực tế.
Do đó, VCCI đề nghị Ban soạn thảo bỏ trường hợp cơ quan, tổ chức đã giải thể.
Đồng thời, góp ý về quy định xét tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Xây dựng (Điều 6), theo VCCI, khoản 2 Dự thảo quy định “Các trường hợp khen thưởng khác do Bộ trưởng Bộ Xây dựng xem xét, quyết định”. Quy định này là chưa rõ các trường hợp khen thưởng khác là những trường hợp nào. Đây là văn bản hướng dẫn chi tiết, cần phải quy định cụ thể các tiêu chí để xét tặng Bằng khen, tránh trường hợp khiếu nại sau này.
Có thể bạn quan tâm
Thái Bình: Doanh nghiệp lấy thi đua làm động lực để vượt khó
10:34, 07/07/2023
Thanh Hóa: Doanh nhân thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
00:00, 12/06/2023
Thủ tướng dự Lễ phát động phong trào thi đua trong cả nước
20:14, 11/06/2023
Quảng Ninh: Thanh niên thi đua khởi nghiệp phát triển kinh tế
01:52, 21/03/2023
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Bổ sung, kiện toàn thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương
21:42, 07/02/2023