Khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản là cấp thiết

PHƯƠNG UYÊN 24/05/2022 05:00

Theo các chuyên gia, bên cạnh việc bảo vệ nhà đầu tư cá nhân, cơ quan chức năng cần có những chính sách bảo vệ chính các doanh nghiệp bất động sản làm ăn chân chính.

Bên cạnh đó, nguồn vốn cần được khơi thông cho thị trường bất động sản để tránh tình trạng khan cung, đội giá vì siết tín dụng như hiện tại.

>>> Siết van tín dụng, trái phiếu: “Cú đấm bồi” đẩy giá nhà đất phi mã

Nên ưu tiên nguồn vốn cho các dự án đang triển khai, sắp đưa nguồn cung ra thị trường (Ảnh: LV)

Nên ưu tiên nguồn vốn cho các dự án đang triển khai, sắp đưa nguồn cung ra thị trường (Ảnh: LV)

Thiếu hụt nguồn cung

Báo cáo mới nhất của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) cho thấy, tháng 4/2022, không có doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu trong khi bất động sản từ trước đến nay luôn thuộc một trong hai nhóm ngành có giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành cao nhất.

Về tín dụng ngân hàng, tính đến hết quý I/2022, dư nợ tín dụng bất động sản đạt 2,23 triệu tỷ đồng, tăng 2,24% so với đầu năm, thấp hơn nhiều mức tăng trên 5% dư nợ tín dụng chung của nền kinh tế.

Trong tổng dư nợ BĐS, nguồn vốn tín dụng ngân hàng tài trợ cho hoạt động kinh doanh bất động sản hiện tại chỉ chiếm khoảng 35% - tương đương 0,78 triệu tỷ đồng, phần lớn là các khoản cho vay mua và sửa chữa nhà ở. 

Có thể thấy, cả 2 kênh dẫn vốn quan trọng nhất của BĐS là tín dụng và trái phiếu đều đã xuất hiện tình trạng tắc nghẽn sau động thái siết tín dụng với lĩnh vực này. Hệ lụy kéo theo là nguồn cung thị trường tiếp tục giảm mạnh. 

Báo cáo thị trường bất động sản quý I/2022 của Bộ Xây dựng đã cho thấy tính đến hết quý 1/2022 chỉ có 24 dự án hoàn thành, bằng 47% so với quý 4/2021 và bằng khoảng 54% so với cùng kỳ năm 2021.

Không những vậy, số lượng dự án được cấp phép mới cũng giảm mạnh, chỉ có 39 dự án được cấp phép mới, giảm 20% so với quý 4/2021 và chỉ bằng khoảng 41% so với cùng kỳ năm 2021, tạo ra sự khan hiếm trong dài hạn.

Có thể bạn quan tâm

  • Đa dạng hóa dòng vốn vào bất động sản

    Đa dạng hóa dòng vốn vào bất động sản

    11:19, 21/05/2022

  • Điều tiết vốn vào bất động sản: Tránh "siết van" đột ngột

    05:00, 16/05/2022

Con số cập nhật từ báo cáo 4 tháng của DKRA Việt Nam càng cho thấy sự trầm trọng. Trong tháng 4/2022, tại Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều các tỉnh giáp ranh (Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Tây Ninh…), nguồn cung căn hộ chỉ khoảng 2.500 căn, bằng khoảng 69% cùng kì năm ngoái. 

“Trái phiếu giống như oxy, tín dụng ví như mạch máu, nay cả hai đều bị bóp nghẹt thì nguồn cung càng thêm suy yếu trong khi lực cầu vẫn tiếp tục tăng cao. Hệ lụy lâu dài là tình trạng thiếu hụt nhà ở sẽ ngày càng trầm trọng hơn, bài toán nhà ở cho người dân chắc chắn sẽ đi vào bế tắc”, một chuyên gia cảnh báo. 

Giá nhà tăng đột biến

Bị bất ngờ cắt đứt 2 kênh dẫn vốn chính là trái phiếu và tín dụng, trong khi việc thu hút nguồn vốn từ các sản phẩm tài chính khác như quỹ đầu tư đòi hỏi nhiều thời gian, nguồn cung BĐS vốn đã eo hẹp lại càng giảm sút, đẩy mức giá tăng lên một cách bất hợp lý. 

Theo số liệu thị trường của batdongsan.com.vn, giá rao bán trung bình của chung cư tại Hà Nội và TP.HCM trong 4 tháng đầu năm 2022 đều tăng vọt. Riêng tại Hà Nội, mức tăng lên tới 9%, gấp 1,5 lần mức tăng trung bình của cả năm 2021. Quý I/2022, trước thời điểm các ngân hành “phanh” cho vay BĐS, mức tăng cũng giữ ở mức ổn định gần 5%.

Đặc biệt, thị trường TP.HCM chứng kiến mức tăng mạnh nhất, lên tới 10% chỉ trong vòng 1 tháng, theo VARS. 

Theo các chuyên gia, việc hạn chế tín dụng vào BĐS tương đương như động thái nâng lãi suất đối với lĩnh vực này. Thiếu vốn, thời gian triển khai các dự án cũng bị kéo dài và làm chi phí vốn trong kinh doanh BĐS tăng lên. Tất cả được cộng cộng vào giá thành và khách hàng là những người phải gánh chịu.  

Giá bất động sản sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới sau động thái “khóa van” tín dụng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung (Ảnh: LV)

Dự báo giá bất động sản sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới sau động thái “khóa van” tín dụng (Ảnh: LV)

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Lê Thành dự báo, giá các loại hình BĐS sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới sau động thái “khóa van” tín dụng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung.

Ở góc độ thị trường, ông Hoàng Liên Sơn – Giám đốc Công ty Aphal Real thừa nhận, việc dừng cho vay thực tế của một số ngân hàng đã ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng, những người có nhu cầu thực sự. Ông Sơn kiến nghị không đánh đồng tất cả các dự án. Những dự án nào đầy đủ pháp lý, các chủ đầu tư có tiềm lực tài chính cần ưu tiên phát triển, để đáp ứng nhu cầu lớn của người dân, của nhà đầu tư.

Cần gỡ điểm nghẽn

Thực tế, thị trường bất động sản đóng góp lớn vào phát triển kinh tế và gia tăng tài sản quốc gia. Ở các nước phát triển, tỷ trọng này thường chiếm từ 20 - 25% tổng GDP. Trong khi ấy, tỷ trọng ngành bất động sản của Việt Nam năm 2020 đạt 20,89 tỷ USD, chiếm 7,7% GPD của cả nước.

Nếu tính thêm nhân tố vốn là đất, đóng góp của bất động sản những năm gần đây trung bình chiếm 13,6% GDP. Do đó, ngành bất động sản tại Việt Nam vẫn kỳ vọng nhiều vào dư địa để phát triển.   

Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng nhấn mạnh: Bất động sản có đóng góp thông qua khả năng lan tỏa đến trên 40 ngành kinh tế quan trọng khác của nền kinh tế, nhất là những ngành liên quan trực tiếp như xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch, lưu trú – ăn uống và tài chính – ngân hàng...

Theo ông Khởi, với vai trò, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về lĩnh vực Bất động sản và nhà ở, Bộ Xây dựng nhất quán quan điểm, cùng với quá trình hoàn thiện pháp luật, thúc đẩy tháo gỡ các điểm nghẽn về thủ tục pháp lý, việc kiểm soát nguồn vốn và việc khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản là việc làm rất cấp thiết.

"Các doanh nghiệp, nhà đầu tư đang mong chờ những giải pháp, định hướng chính sách toàn diện, linh hoạt để phát triển thị trường này trong giai đoạn hiện nay. Các giải pháp về nguồn vốn vào bất động sản cần được quan tâm, thích ứng với diễn biến thực tế, có rà soát, có tầm nhìn và lộ trình tránh tình trạng chính sách “giật cục” có tác động ảnh hưởng đến thị trường. Nên ưu tiên nguồn vốn cho các dự án đang triển khai, sắp đưa nguồn cung ra thị trường, giá vừa phải" - theo ông Khởi.

Có thể bạn quan tâm

  • Đa dạng hóa dòng vốn vào bất động sản

    Đa dạng hóa dòng vốn vào bất động sản

    11:19, 21/05/2022

  • Môi giới bất động sản (KỲ 1): “Cuộc chiến” nguồn cung

    Môi giới bất động sản (KỲ 1): “Cuộc chiến” nguồn cung

    13:30, 20/05/2022

  • Thị trường bất động sản đối mặt với nhiều thách thức

    Thị trường bất động sản đối mặt với nhiều thách thức

    02:00, 19/05/2022

  • Điều tiết vốn vào bất động sản (Kỳ II): 6 giải pháp khơi thông nguồn vốn

    Điều tiết vốn vào bất động sản (Kỳ II): 6 giải pháp khơi thông nguồn vốn

    05:00, 17/05/2022

PHƯƠNG UYÊN