Thị trường bất động sản Việt Nam có hấp dẫn "cá mập" Đài Loan?

DIỆU HOA 09/03/2023 03:00

Các nhà đầu tư Đài Loan thể hiện sự hứng thú đến thị trường Việt Nam ở nhiều lĩnh vực khác nhau kéo theo sự quan tâm đặc biệt đến phân khúc bất động sản công nghiệp và thương mại.

>>Hải Phòng: Kết nối doanh nghiệp đầu tư đến từ Đài Loan

Các nhà đầu tư từ Đài Loan đặc biệt quan tâm đến thị trường bất động sản Việt Nam

Số liệu của Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến giữa năm 2022, Đài Loan đứng ở vị trí thứ 4 trong danh sách quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. 

Nhà đầu tư FDI hàng đầu vào Việt Nam

Các dự án của Đài Loan chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng và bất động sản. Trong 2 tháng đầu năm 2023, Đài Loan đứng thứ hai về đầu tư FDI vào Việt Nam với gần 407,1 triệu USD, chiếm 13,1% tổng vốn đầu tư.

Nhìn nhận về điều này, ông Neil MacGregor, Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam nhấn mạnh Đài Loan có một lịch sử đầu tư lâu dài tại Việt Nam suốt hơn 30 năm qua, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất và bất động sản. 

Dữ liệu của Savills Việt Nam cho thấy riêng trong năm 2022, vốn FDI đăng ký mới vào lĩnh vực sản xuất từ Đài Loan đạt hơn 215 triệu USD, nâng tổng giá trị đầu tư của thị trường này vào Việt Nam lên hơn 1,35 tỷ USD. 

Theo vị chuyên gia, trong những năm đầu tiên Việt Nam áp dụng chính sách mở cửa với FDI, chi phí lao động thấp là động lực quan trọng giúp thu hút các nhà sản xuất lớn của Đài Loan trong lĩnh vực may mặc và giày dép gia nhập thị trường.

"Tiếp sau đó, thị trường bất động sản cũng ghi nhận nhiều dự án thành công được phát triển bởi các nhà đầu tư Đài Loan như Khu đô thị Phú Mỹ Hưng hay dự án Royal Centre và Khách sạn Nikko Hotel của Công ty Fei-Yueh”, ông Neil MacGregor nói. 

Vừa qua, tại Hội thảo “Vietnam Rising Above Headwinds” với sự tham gia của gần 100 nhà đầu tư, đại diện cho các quỹ đầu tư, nhà phát triển bất động sản, định chế tài chính, công ty bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán, quỹ đầu tư gia đình (Family Office) tại Đài Loan, các "cá mập" tại quốc gia này bày tỏ sự quan tâm lớn đến thị trường Việt Nam.

Các nhà đầu tư đặt các câu hỏi xoay quanh các vấn đề về pháp lý, thuế và cách thức, quy trình đầu tư, các cơ cấu, cấu trúc đầu tư và các loại hình đầu tư vào Việt Nam và các phân khúc bất động sản phù hợp. 

Đánh giá về tín hiệu tích cực này, chuyên gia Savills Việt Nam khẳng định mặc dù thị trường bất động sản Việt Nam vẫn còn một số khó khăn, đặc biệt là vấn đề siết chặt tín dụng song đây là cơ hội lớn để các nhà đầu tư ngước ngoài tham gia vào thị trường. 

“Thế mạnh của các nhà đầu tư Đài Loan khi bước vào thị trường Việt Nam là nguồn lực tài chính mạnh mẽ, kinh nghiệm kinh doanh và phát triển sản phẩm, nguồn khách hàng có sẵn và chi phí tài chính thấp hơn. Chúng tôi thấy rằng đây là một sự kết hợp rất tốt giữa các doanh nghiệp trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh hiện nay”, vị chuyên gia của Savills phân tích. 

>>Lợi thế đại gia "sẵn tiền mặt", Hòa Phát đánh lớn vào bất động sản

Bất động sản công nghiệp được đặc biệt quan tâm 

Ghi nhận của Savills cho thấy các nhà đầu tư thuộc nhóm ngành sản xuất, công nghiệp và quỹ đầu tư gia đình là những đơn vị thể hiện sự hứng thú đến thị trường Việt Nam ở nhiều lĩnh vực khác nhau, kéo theo sự quan tâm đặc biệt đến phân khúc bất động sản công nghiệp và thương mại. 

Khách sạn Khách sạn Nikko Hotel Saigon đến từ một chủ đầu tư Đài Loan

Chia sẻ tại hội thảo, ông John Campbell, Phó giám đốc, Trưởng bộ phận Dịch vụ Công nghiệp Savills Việt Nam nhấn mạnh Đài Loan đã đóng góp 215 triệu USD vốn FDI đăng ký mới vào ngành sản xuất tại Việt Nam trong năm 2022. Điều này cho thấy nhu cầu về các sản phẩm bất động sản công nghiệp của nhà đầu tư Đài Loan tại Việt Nam luôn ở mức cao. 

Giữa tháng 2 vừa qua, gã khổng lồ Foxconn đã đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa chuỗi sản xuất ngoài Trung Quốc thông qua việc thuê thêm một khu đất 45 ha với giá trị đầu tư 62,5 triệu USD để mở nhà máy tại Bắc Giang.

Nhận xét về nguồn cung đất công nghiệp tại Việt Nam hiện nay, ông cho biết đến nay, số khu công nghiệp thực tế đã công bố là 406, trong đó 361 dự án nằm ngoài khu kinh tế, 37 dự án thuộc các khu kinh tế và 8 dự án điện công nghiệp khác nằm trong khu kinh tế cửa khẩu. 

“Mặc dù vài năm qua là giai đoạn nhiều thách thức, Việt Nam vẫn tiếp tục tiến lên trong chuỗi giá trị khi lĩnh vực công nghiệp tăng trưởng mạnh bất chấp tình trạng suy thoái toàn cầu. Để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi sang các ngành và dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn, Việt Nam cần phải nâng cao chất lượng các dự án cơ sở hạ tầng. Hơn nữa, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 (SEDS 2021 – 2030) của Chính phủ về giáo dục, đào tạo, nguồn nhân lực và đổi mới khoa học kỹ thuật là điều cần thiết để có một lực lượng lao động lành nghề, mạnh mẽ trong tương lai”, ông John Campbell nhận xét.

Có thể bạn quan tâm

  • M&A bất động sản khát dự án “sạch”

    M&A bất động sản khát dự án “sạch”

    20:00, 20/11/2022

  • Khối ngoại thận trọng M&A bất động sản

    Khối ngoại thận trọng M&A bất động sản

    14:25, 10/11/2022

  • Không bắt buộc giao dịch bất động sản qua sàn

    Không bắt buộc giao dịch bất động sản qua sàn

    17:06, 07/03/2023

  • Lợi thế đại gia

    Lợi thế đại gia "sẵn tiền mặt", Hòa Phát đánh lớn vào bất động sản

    05:00, 07/03/2023

DIỆU HOA