Lãi suất ngân hàng giảm: Bất động sản kỳ vọng đón dòng tiền trở lại
Việc các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay có tác động tích cực đến thị trường địa ốc, mang theo kỳ vọng đón dòng tiền trở lại.
>>>Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án nhà ở
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh kinh tế lạm phát như hiện nay, Ngân hàng nhà nước (NHNN) có thể sẽ giảm thêm một đợt lãi suất điều hành vào cuối năm.
Lợi nhuận ngân hàng không còn hấp dẫn
Thực tế, ngay từ đầu năm 2023, NHNN đã 4 lần giảm lãi suất điều hành trong khi lạm phát Mỹ vẫn còn nóng, Ngân hàng Trung ương châu Âu vẫn tiếp tục tăng lãi suất. Lãnh đạo NHNN cho hay, thời gian tới, cơ quan này sẽ giảm thêm lãi suất điều hành nếu có điều kiện. Nếu không giảm lãi suất điều hành, NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay thêm nữa.
Cụ thể, đầu tháng 7, lãi suất cho vay mua nhà giảm đáng kể, nhiều ngân hàng đưa ra mức lãi suất dưới 10%/năm. Đơn cử như: Woori Bank áp dụng mức lãi suất 7,8%/năm; Shinhan Bank - 7,99%/năm trong 6 tháng đầu và 10,5%/năm cho 54 tháng còn lại. TPBank áp dụng mức 8% cho khách vay mua nhà trong 6 tháng đầu, trong 6 tháng tiếp theo sẽ áp dụng mức 12%/năm, từ tháng 13 cũng tính lãi thả nổi theo thị trường, khoảng 13,5%/năm.
Một số ngân hàng khác cũng có mức vay ưu đãi như: HDbank (8,2%/năm); VIB (8,5%/năm); Eximbank (8,5/năm); SeABank (9,29%/năm); UOB (9,49%/năm); Sacombank (9,5%/năm).
Trong thời điểm hiện tại, lãi suất vay thả nổi tại một số ngân hàng thương mại vẫn phổ biến ở mức 12 - 13,5%. Thậm chí một số ngân hàng còn có mức lãi ở 14,2% sau khi hết thời gian ưu đãi. Mức lãi suất này được nhận định sẽ còn kéo dài, khó có thể giảm thêm về mức dưới 10%.
>>> Tiếp tục kiểm soát chặt rủi ro tín dụng bất động sản
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV và Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng, lãi suất điều hành trong nước sẽ tiếp tục giảm từ 4,5% xuống 4% vào quý 4/2023 và có thể giảm về 3,5% trong năm 2024 đầu 2025.
Còn Chứng khoán VNDirect kỳ vọng, vào cuối năm 2023 lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng sẽ giảm xuống mức 6%. Việc giảm lãi suất cho vay có thể xuất hiện rõ rệt trong nửa cuối năm 2023 do chi phí vốn của các NHTM đang giảm.
Thời điểm hiện tại, mức lãi suất huy động quay trở về thời điểm đầu năm 2022 tức tỷ suất lợi nhuận ngân hàng không còn hấp dẫn. Giới đầu tư kỳ vọng, dòng tiền này sẽ chuyển hướng đổ vào lĩnh vực địa ốc, nhất là khi giá đất, nhà cơ bản đã giảm khá sâu.
Dòng tiền có dấu hiệu trở lại thị trường
Chuyên gia kinh tế - TS. Đinh Thế Hiển nhận định, việc giảm lãi suất cho vay có tác động tích cực đến thị trường BĐS nhưng không quá mạnh mẽ. Dòng tiền sẽ đổ vào lĩnh vực địa ốc nhưng khó nhiều như kỳ vọng.
Ông Hiển cho rằng, một số điều kiện để thị trường hồi phục đó là cần dòng tiền lớn đổ vào lĩnh vực địa ốc, tạo ra thanh khoản và động lực cho việc mua bán. Ngoài ra, giá BĐS phải hạ. Nhưng trong triển vọng năm 2024 không có khả năng xuất hiện một làn sóng mới của dòng tiền đầu tư vào thị trường BĐS. Giảm lãi suất cho vay có thể giúp người mua đang vay mua nhà hiện nay dễ thở hơn, nhưng để thị trường BĐS bức tốc, cần nhiều hơn nữa lực đẩy từ phục hồi kinh tế chung và các chính sách điều hành cũng như hạ tầng cơ sở.
Dữ liệu từ Batdongsan.com.vn cho thấy, trong năm 2024, lãi suất có thể tiếp tục giảm những cũng khó thấp hơn mức 10%. Vì vậy, việc kỳ vọng thị trường phục hồi trong ngắn hạn là khó có thể đạt được.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam cho rằng: “BĐS vẫn là kênh đầu tư ưa thích, phù hợp với thói quen tích lũy tài sản, khả năng bảo toàn vốn khá tốt so với các kênh đầu tư khác. Nếu đà giảm lãi suất cho vay và huy động tiếp tục trong các tháng tới đây, dòng tiền từ ngân hàng sẽ quay trở lại thị trường để tìm kiếm những kênh đầu tư tiềm năng, đem lại lợi nhuận hơn gửi tiết kiệm”.
Theo ông Đính, năm 2022, tổng lượng tiền gửi của các tổ chức và cá nhân vào hệ thống ngân hàng tăng thêm gần 900.000 tỷ đồng. Quý 3/2023 sẽ là thời điểm mấu chốt khi một lượng lớn tiền gửi ngân hàng đáo hạn. Nếu lãi suất huy động và lãi vay tiếp tục giảm, khả năng cao là dòng tiền đáo hạn sẽ ưu tiên quay trở lại thị trường nhà đất.
Còn theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam, dòng tiền đang có dấu hiệu quay trở lại với thị trường, một khách hàng đã tiếp cận được khoản vay mới với lãi suất từ 10 - 11%. Tuy nhiên, chỉ khi nào mặt bằng lãi suất trung bình giảm xuống dưới 10% thì khi đó thị trường bất động sản mới phản ứng. Vì 10% là con số mà các nhà đầu tư có khả năng chịu đựng được khi đi vay.
Các chuyên gia cũng có chung nhận định, quý 4/2023 là giai đoạn thử thách quan trọng quyết định cơ hội phục hồi tăng trưởng của thị trường địa ốc. Đồng thời là mốc gần nhất để kiểm tra lại vùng kháng cự của lực cầu trên thị trường BĐS khi lãi suất tiết kiệm hạ và lãi suất cho vay điều chỉnh, cửa tín dụng nới dần.
Có thể bạn quan tâm
Ông Nguyễn Cao Trí sở hữu khối bất động sản khủng ra sao?
05:00, 06/08/2023
Hàng chục nghìn tỷ đồng bất động sản tồn kho trong Quý 2
03:00, 06/08/2023
Gỡ khó thị trường bất động sản: Tìm điểm chạm cung - cầu
20:25, 05/08/2023
Bất động sản Khu công nghiệp: Những thách thức dần xuất hiện
14:08, 05/08/2023