Nới điều kiện cho vay bất động sản sẽ gia tăng rủi ro nợ xấu

DIỆU HOA 03/09/2023 03:00

Hiện nay thúc đẩy tín dụng là điều bức thiết nhưng cũng phải đảm bảo chất lượng, không để nợ xấu tăng, đảm bảo an toàn hệ thống.

>>Khơi thông tín dụng bất động sản

Trước các lo ngại về việc tạo thêm rào cản cho doanh nghiệp bất động sản khi Thông tư 06 có hiệu lực, vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 10/2023/TT-NHNN ngưng hiệu lực thi hành một số điều của Thông tư số 06. Theo đánh giá của giới chuyên môn, Thông tư số 10/2023/TT-NHNN của NHNN là điểm tích cực giúp tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.

Việc vận hành theo phương thức cũ sẽ dẫn đến gia tăng rủi ro nợ xấu, nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản phục hồi chậm và yếu.

Lo ngại nợ xấu tiếp tục gia tăng

Theo công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), đây có thể xem là một giải pháp tình thế khi khó khăn của thị trường bất động sản kéo dài và nguồn cung ứng vốn chính cho thị trường này lại trở về kênh tín dụng. Việc ngưng hiệu lực thi hành một số quy định được xem là “siết” hoạt động cho vay, kinh doanh bất động sản cho thấy hệ thống (gồm cả bên cho vay và đi vay) vẫn chưa sẵn sàng để nâng cấp.

Tuy nhiên, nhóm phân tích bày tỏ lo ngại việc vận hành theo phương thức cũ sẽ dẫn đến gia tăng rủi ro nợ xấu, nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản phục hồi chậm và yếu.

Thực tế, theo thống kê của VDSC, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành (thống kê 27 ngân hàng niêm yết) ở mức 2,07%, tăng 0,57% so với quý II/2022. Trong đó, nợ xấu lĩnh vực bất động sản đang có chiều hướng tăng so với cuối năm trước, tại thời điểm tháng 6/2023 là 2,47% (gần 63.000 tỷ đồng hay 0,5% tổng dư nợ nền kinh tế).

Do đó, nhóm phân tích cho rằng, thách thức đang đặt ra đối với NHNN là vừa thúc đẩy tăng trưởng tín dụng (tín dụng tăng trưởng âm trong tháng 7), vừa đảm bảo chất lượng tín dụng, là một điều khó cân đối trong bối cảnh chính sách tiền tệ không độc lập. Trong khi đó, theo NHNN, tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động sản vào cuối tháng 6/2022 là 1,53%, cuối tháng 6/2023 đã lên tới 2,47%.

Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, các ngân hàng thương mại cũng cắt giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu hạ điều kiện tín dụng ồ ạt thì chất lượng tín dụng xuống thấp, nợ xấu tăng cao. Trong khi đó, “cục máu đông” nợ xấu từ năm 2011 đến nay mới tạm xử lý xong. Nếu các khoản nợ xấu tăng lên, vòng luẩn quẩn là xử lý nợ xấu sẽ lặp lại, tạo sự ách tắc nguồn vốn trong nền kinh tế và những khó khăn chung.

>>Tiếp tục kiểm soát chặt rủi ro tín dụng bất động sản

Tìm điểm cân bằng

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết: “Hiện nay, thúc đẩy tín dụng là điều bức thiết, nhưng cũng phải đảm bảo chất lượng, không để nợ xấu tăng, đảm bảo an toàn hệ thống. Vì thế, giữa 2 dòng nước ngược chiều nhau, phải tìm được điểm cân bằng. Nếu vì sợ nợ xấu mà tín dụng đứng im thì cũng không được, mà thả phanh tín dụng cũng không ổn vì vấn đề không chỉ nợ xấu, mà còn là an toàn tài chính quốc gia".

"Đã có quá nhiều bài học, thậm chí có những bài học đau đớn như SCB. Chưa kể, một khó khăn kéo dài nữa mà chưa biết bao giờ giải quyết được, đó là ngân hàng đang phải gánh cung ứng vốn cho nền kinh tế, cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Vừa qua, chúng ta bắt đầu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán để giải quyết bài toán vốn trung, dài hạn. Nhưng sau đó thị trường trái phiếu doanh nghiệp co lại và hiện nay lại phải tìm cách khơi thông” – Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.

Cần tìm điểm cân bằng giữa doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng. Ảnh: DH

Trong khi đó, theo ông Đỗ Viết Chiến, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, doanh nghiệp bất động sản luôn khát vốn, song khó khăn nhất hiện nay là pháp lý. Quy trình, thủ tục hành chính, thực thi các văn bản pháp luật có sự chồng chéo, “đúng luật này, không đúng luật kia”.

Dù Chính phủ đã thấy rõ vấn đề và có những chỉ đạo quyết liệt để các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, song vẫn còn 3 vướng mắc lớn: Tính thực thi của nhiều văn bản quy phạm pháp luật còn kém (kể cả văn bản mới ban hành); có sự chồng chéo giữa các văn bản pháp luật; một số loại hình bất động sản mới ra đời nhưng chưa được định danh (như căn hộ condotel, farmstay, orestay…). 

“Có thể nói, rào cản lớn nhất cần tháo gỡ hiện nay là khâu pháp lý. Theo thống kê hiện nay, 70% vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp là vấn đề pháp lý. Ngay cả khi doanh nghiệp có vốn trong tay, nhưng vướng quy định pháp luật, thì sẽ không triển khai được dự án. Điều này làm nản lòng các nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản và khiến doanh nghiệp mất đi cơ hội”, ông Chiến cho biết.

Có thể bạn quan tâm

  • Tiếp tục kiểm soát chặt rủi ro tín dụng bất động sản

    Tiếp tục kiểm soát chặt rủi ro tín dụng bất động sản

    14:54, 04/08/2023

  • Khơi thông tín dụng bất động sản

    Khơi thông tín dụng bất động sản

    03:25, 10/07/2023

  • Tháo gỡ khó khăn cho tín dụng bất động sản

    Tháo gỡ khó khăn cho tín dụng bất động sản

    05:00, 03/07/2023

  • Cần triển khai cả tín dụng bất động sản cùng tái cơ cấu trái phiếu doanh nghiệp

    Cần triển khai cả tín dụng bất động sản cùng tái cơ cấu trái phiếu doanh nghiệp

    11:30, 18/02/2023

DIỆU HOA