Hà Nội: Ảm đạm đấu giá đất
Từ đầu năm đến nay, nhiều địa phương ồ ạt tổ chức đấu giá đất tuy nhiên tình trạng diễn ra trầm lắng, thậm chí không có nhà đầu tư tham gia.
>>Giải phóng tồn kho bất động sản
“Ồ ạt” tổ chức đấu giá đất
Theo kế hoạch của TP Hà Nội, huyện Mê Linh tiến hành đấu giá đợt 2 cho Khu Đồng Trước, xã Liên Mạc vào tháng 9. Diện tích tổng của khu đất này là 7,5 ha, trong đó có 1,8 ha dành cho đấu giá, 4,0 ha là đất giao thông và 7.200m2 quỹ đất để xây dựng nhà ở tại dự án.
Trong tháng 10 sắp tới, huyện cũng sẽ tiếp tục đấu giá Điểm X2, Tổ dân phố số 4, thị trấn Quang Minh với diện tích 0,9 ha. Trong đó, 0,4 ha là diện tích đấu giá, 0,3 ha là đất giao thông và phần còn lại được sử dụng cho mục đích cây xanh.
Bên cạnh đó, Sóc Sơn cũng sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng 50 lô đất đấu giá tại 2 khu vực. Trong đó, 28 lô đất tại thôn Tân Thái với diện tích từ 95 – 194,4m2 có mức giá dao động khoảng 7,4 – 13,4 triệu đồng/m2; 22 lô đất tại thôn Dược Thượng với diện tích các lô đất đấu giá là 89 – 200m2, với mức giá khởi điềm từ 45 – 49,7 triệu đồng/m2.
Đông Anh cũng là khu vực vùng ven Hà Nội có nguồn cung đất đấu giá dồi dào trong tháng 9. Cụ thể, 11 lô đất đấu giá tại Tàm Xá với diện tích từ 75-144 m2 sẽ được đấu giá với mức giá từ 43 - 50 triệu đồng/m2.
Thị trường đấu giá đất ế ẩm
Liên quan đến việc đấu giá đất, UBND TP Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, việc đấu giá quyền sử dụng đất tại các địa phương còn nhiều khó khăn, dẫn đến việc thu tiền đấu giá quyền sử dụng đất đạt mức thấp so với kế hoạch.
Trong đó, TP đã tổ chức 65 phiên đấu giá quyền sử dụng đất với 37 phiên đấu giá thành công, 28 phiên đấu giá không thành. Theo kết quả thu tiền đấu giá quyền sử dụng đất là 724 tỷ đồng, chỉ đạt 5,42% kế hoạch năm.
Theo ông Nguyễn Hữu Hoàng – Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức (Hà Nội) cho biết, theo kế hoạch trong nửa đầu năm của Hoài Đức vẫn chưa đạt chỉ tiêu. Một số khu đất dù đã thông báo 3 lần đấu giá nhưng vẫn không có nhà đầu tư tham gia nên phải hủy.
Lý giải về tình trạng này, ông Hoàng cho biết, nguyên nhân chủ yếu là bởi thị trường bất động sản giảm nhiệt. Trong khi đó, giá khởi điểm lại không thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư cũng như khách hàng có nhu cầu. Nếu muốn giảm giá thì cần đi định lại giá từ đầu, đồng thời việc xác định giá khởi điểm là điều rất khó.
>>Giá nhà ở TP.HCM, Hà Nội đắt đỏ ra sao?
Theo một môi giới bất động sản khu vực ven đô Hà Nội cho biết, hiện nay nguồn cung đất đấu giá dồi dào nhưng sức cầu lại kém. Trước đây xuất hiện tình trạng “sốt” đất đấu giá đã cho thấy rằng phân khúc này nặng tính đầu cơ. Người tham gia đấu giá chủ yếu là dân đầu tư, đưa ra mức giá cao, sau khi trúng thì rao bán kiếm lời còn không bán được sẽ bỏ cọc.
Tuy nhiên, sau khi cơn sốt đất đi qua, những khu đất đấu giá chủ yếu đều nằm ở khu vực ngoại thành nên nhu cầu ở thực không cao như các khu vực trung tâm thành phố do đó thanh khoản càng yếu hơn.
Ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội chia sẻ rằng, việc thổi giá đất thông qua đấu giá để kéo giá trong khu vực không còn là điều mới. Nhiều người tham gia đấu giá chủ yếu là những người muốn đầu cơ kiếm lời, trong khi nhu cầu thực tế của người mua nhà rất ít.
Ông Điệp cũng nhấn mạnh, trong giai đoạn thị trường có thanh khoản thấp như hiện nay, việc lướt sóng để bán với giá chênh lệch rất khó, do đó, các nhà đầu tư cũng không còn tham gia nhiều như trước. Mức giá trước đây thường phải cao hơn khá nhiều so với giá khởi điểm mới trúng thầu, nhưng hiện nay, chênh lệch giá chỉ cần 5 - 10%.
Có thể bạn quan tâm