Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản
Các chuyên gia cho rằng, trước bối cảnh thị trường khó đủ đường, doanh nghiệp bất động sản cần mạnh tay tái cơ cấu doanh nghiệp để trụ vững qua nghịch cảnh.
>>Dư địa phát triển thị trường bán lẻ TP.HCM còn rất lớn
Mới đây, Hiệp hội bất động sản Việt Nam phối hợp với Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội, Công ty Truyền thông Công lý và DVL Ventures tổ chức Hội thảo “Giải pháp tháo gỡ khó khăn thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển”.
Tồn tại nhiều rào cản
Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp Hội bất động sản Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho biết, trong gần hai năm qua, thị trường bất động sản đã xuất hiện những nút thắt lớn khiến doanh nghiệp và các nhà đầu tư bị suy giảm mạnh.
Đặc biệt, từ nửa cuối năm 2022, các doanh nghiệp bất động sản rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” khi dự án bị đình trệ, dòng tiền bị tắc nghẽn và áp lực trả nợ đè nặng. Đặc biệt, tình trạng đình trệ của thị trường bất động sản thời gian vừa qua có sự tác động lớn nhất bởi những vướng mắc pháp lý chiếm đến 70% khó khăn, vướng mắc của các dự án.
Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, chỉ riêng tại Hà Nội và TP.HCM ước có khoảng 400 dự án gặp các vướng mắc về thủ tục triển khai, những ách tắc này đã kéo dài rất nhiều năm nhưng chưa được giải quyết.
Thực tiễn một số địa phương thiếu chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, giải quyết các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền, tâm lý né tránh không muốn làm, cũng như trong phối hợp với các cơ quan Trung ương để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, nhiều quy định pháp luật còn chồng chéo, việc áp dụng pháp luật còn thiếu thống nhất, chưa đồng bộ.
Theo Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, pháp lý là rào cản lớn nhất, xuất phát từ một số nguyên nhân như quy định pháp lý của lĩnh vực đất đai, xây dựng và bất động sản hết sức phức tạp liên quan đến hơn 100 Luật, Nghị định, Thông tư... trong đó có nhiều quy định còn chồng chéo, thiếu đồng bộ. Cùng với đó là tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy…; làm chậm, thậm chí là ách tắc nhiều dự án.
Giải pháp gỡ khó cho thị trường
Đề xuất một số giải pháp gỡ khó cho thị trường bất động sản, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế cụ thể đẩy nhanh tiến độ sửa đổi các sắc luật liên quan như Luật đất đai, Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản, Luật chứng khoán...theo đó, cần rà soát đảm bảo đồng bộ, nhất quán giữa các bộ luật liên quan.
>>Nhanh chóng khắc phục lệch pha cung cầu bất động sản
Bên cạnh đó, theo luật sư Nguyễn Hồng Chung, Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp Hội bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty đầu tư DVL Ventures, hiện nay vẫn tồn tại nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trên cả nước bị ách tắc, không được triển khai do liên quan đến vấn đề pháp lý như vấn đề đất ở, vấn đề giao đất và thời hạn hoạt động của dự án; thời điểm tính tiền sử dụng đất tiền thuê đất…
Ngoài ra, trong bối cảnh thị trường đang khó khăn như hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều thiếu dòng tiền, thiếu vốn đầu tư thì việc áp dụng quy định nêu trên giai đoạn này liệu có phù hợp? Trong khi nhiều doanh nghiệp bất động sản phải bỏ rất nhiều chi phí như ứng tiền giải phóng mặt bằng, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tiền thực hiện dự án, lãi vay..., ngược lại các ngành nghề khác không áp dụng như vậy gây ra sự không bình đẳng trong các ngành nghề kinh doanh.
Theo ông Chung, để gỡ các nút thắt và khơi thông cho thị trường, cần tập trung giải quyết các dự án đang gặp vướng về pháp lý, rơi vào cảnh tồn đọng và cần sửa đổi các quy định từ Luật, Nghị định, Thông tư không còn phù hợp, đây được xem là vấn đề quan trọng nhất.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp bất động sản: “Cái khó ló cái khôn”
16:10, 10/10/2023
“Dò sóng” cổ phiếu bất động sản
16:06, 10/10/2023
Yếu tố đắt giá đưa bất động sản lên ngôi
10:30, 10/10/2023
Doanh nghiệp Bất động sản Việt chú trọng công tác đào nguồn nhân lực toàn diện
08:00, 10/10/2023
Nhanh chóng khắc phục lệch pha cung cầu bất động sản
05:00, 10/10/2023