Đà Nẵng tập trung tháo gỡ khó khăn cho bất động sản
Hiện tại, TP. Đà Nẵng đang tập trung tháo gỡ vướng mắc cho bất động sản với 4 vấn đề về đất đai, thủ tục đầu tư, quy hoạch và nhà ở xã hội.
>>Long đong dự án tháp ven sông Đà Nẵng
Theo ghi nhận thực tế hiện nay, tình hình thị trường bất động sản tại TP. Đà Nẵng vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Cụ thể hơn là cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn để tái thiết hoạt động, xoay sở nguồn vốn đầu tư, tìm kiếm khách hàng,...
Tại “Báo cáo thị trường Bất động sản Nhà ở Đà Nẵng và vùng phụ cận quý 3/2023” của DKRA Group, trong quý 3/2023, đa phần những phân khúc còn lại vẫn duy trì đà sụt giảm từ 2 quý đầu năm. Trong đó, chỉ có tín hiệu khả quan về nguồn cung và sức cầu ở phân khúc căn hộ.
Việc này cho thấy sức mua bất động sản hiện nay vẫn không có diễn tiến mới về sự đột phát tích cực. Và doanh nghiệp vẫn đang trong giai đoạn chờ đợi khoảng thời gian thị trường “ấm” trở lại như kỳ vọng vào năm sau, tức năm 2024.
Về công tác hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực bất động sản của địa phương, ông Phùng Phú Phong – Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho hay thời gian qua UBND TP. Đà Nẵng đã tập trung chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương rà soát, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản và lồng ghép trong các nhiệm vụ, giải pháp triển khai chủ đề năm 2023 của thành phố Đà Nẵng là “Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”. Trong đó, ông Phong thông tin địa phương sẽ tập trung 04 nhóm vấn đề gồm nhóm vấn đề vướng mắc về đất đai, thủ tục đầu tư, quy hoạch và phát triển nhà ở xã hội.
Đặc biệt là về lĩnh vực quy hoạch, ông Phong cho biết sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15/3/2021 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng đã phê duyệt Chương trình phát triển đô thị thành phố giai đoạn 2021-2030, Chương trình phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2021-2030. Hiện nay, địa phương đang tập trung lập, thẩm định 09 đồ án quy hoạch phân khu đô thị để phê duyệt trong năm 2023, trong đó, ưu tiên thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu ven sông Hàn và bờ Đông trong tháng 10/2023.
Với lĩnh vực nhà ở xã hội, Đà Nẵng đã triển khai thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Trong năm 2023, đã hoàn thành 01 dự án (1.275 căn), đang triển khai 06 dự án (3.814 căn), đang thủ tục đầu tư để kêu gọi đầu tư 04 dự án (3.451 căn), giới thiệu để Tổng Liên đoàn Lao động triển khai 01 dự án thiết chế công đoàn và nhà ở (460 căn).
“UBND thành phố đã công bố Danh mục các dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện vay vốn từ Chương trình tín dụng 120.000 tỷ cho nhà ở xã hội. Hiện nay, UBND thành phố đang tập trung chỉ đạo rà soát, bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trong quá trình điều chỉnh quy hoạch phân khu để tiếp tục kêu gọi đầu tư nhà ở xã hội trong thời gian tới”, ông Phùng Phú Phong cho biết.
Đặc biệt với lĩnh vực nhà ở xã hội, vị này thông tin Sở Xây dựng đang phối hợp với các ngành để tiếp tục rà soát kiểm tra việc thực hiện dành quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội quy định Nghị định số 71/2010/NĐ-CP, Nghị định số 188/2013/NĐ-CP, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP, Nghị định số 30/2021/NĐ-CP của Chính phủ đối với các dự án khu đô thị, khu nhà ở thương mại trong quá trình triển khai các thủ tục liên quan.
Đồng thời, Sở Xây dựng cũng đã đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên kiểm tra, rà soát thực hiện đúng quy định pháp luật về việc dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội trong bước thẩm định chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị. UBND các quận, huyện thường xuyên kiểm tra, rà soát thực hiện đúng quy định pháp luật về việc dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội trong các đồ án quy hoạch chi tiết, điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu nhà ở thương mại, khu đô thị theo thẩm quyền phê duyệt.
Theo tìm hiểu, vừa qua UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành Công văn số 4529/UBND-ĐTĐT giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương tham mưu UBND thành phố tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Cùng với đó, Sở này có nhiệm vụ đề xuất UBND thành phố thành lập các tổ công tác tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cùng doanh nghiệp, người dân trong triển khai thực hiện các dự án bất động sản trên địa bàn.
Đà Nẵng cũng đã yêu cầu các đơn vị liên quan nghiên cứu, đơn giản hóa, rút ngắn các thủ tục hành chính, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, gây lãng phí thời gian, công sức và tiền của cho nhân dân. Đặc biệt là chú trọng việc đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.
Trong khi đó, dự báo về thị trường nguồn cung trong quý 4/2023, DKRA Group cho rằng thị trường Đà Nẵng và các vùng phụ cận có thể sẽ tăng nhẹ trong phân khúc đất nền, tập trung chủ yếu ở Quảng Nam và Đà Nẵng. Trong đó, thanh khoản thị trường thứ cấp ở mức trung bình, mặt bằng giá chưa đạt được tín hiệu tích cực hơn so với quý 3/2023.
Ở phân khúc căn hộ, nguồn cung mới trong Quý 4/2023 có thể dao động ở mức 300 - 500 căn, tập trung chủ yếu tại Đà Nẵng. Với phân khúc nhà phố/biệt thự có thể tăng nhẹ so với quý 3, phần lớn đến từ giai đoạn tiếp theo của những dự án đã mở bán trước đó.
“Sức cầu chung khó có sự đột biến trong ngắn hạn và tập trung hầu hết vào những dự án có pháp lý hoàn thiện. Mặt bằng giá sơ cấp tiếp tục duy trì ở mức ổn định, song song đó, những chính sách ưu đãi, chiết khấu thanh toán nhanh vẫn tiếp tục được áp dụng rộng rãi. Thanh khoản trên thị trường thứ cấp tiếp tục xu hướng đi ngang”, DKRA Group nhận định.
Còn lại với bất động sản nghỉ dưỡng, DKRA Group cho rằng dự kiến nguồn cung loại hình bất động sản nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng và vùng phụ cận tiếp tục duy trì ở mức thấp. Thanh khoản thị trường dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn và khó có những đột biến trong ngắn hạn. Mặt bằng giá bán sơ cấp duy trì ổn định. Các chính sách hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc, giãn tiến độ thanh toán,… vẫn tiếp tục được nhiều chủ đầu tư áp dụng giữa bối cảnh thị trường trầm lắng như hiện nay.
Có thể bạn quan tâm