Đà Nẵng rà soát bảng giá đất

TUẤN VỸ 13/10/2023 10:15

Trước kiến nghị của các doanh nghiệp về tiền thuê đất quá cao đẩy doanh nghiệp vào nguy cơ phá sản, thành phố Đà Nẵng cho biết sẽ tiếp tục rà soát và kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét.

>>Đà Nẵng kêu gọi đầu tư vào công nghệ cao

Với bảng giá đất như hiện tại, cộng đồng doanh nghiệp tại Đà Nẵng đang đối mặt với áp lực nặng nề trong bối cảnh kinh tế khó khăn, chưa kịp phục hồi sau đại dịch. Đặc biệt, với các doanh nghiệp ven biển thì áp lực càng nặng hơn khi nhiều đơn vị cho hay tỷ lệ tăng lên vượt mức chịu đựng.

Doanh nghiệp gặp khó

Trong buổi kiểm tra thực tế của lãnh đạo TP. Đà Nẵng, ông Lê Minh Kha - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Khách sạn và Du lịch Thiên Thai (chủ đầu tư dự án Ariyana Đà Nẵng) đã cho biết dự án phải trả tiền thuê đất hằng năm với diện tích khoảng 22 ha. Thông tin từ vị này, với đơn giá thuê đất tính theo hệ số mặt đường Võ Nguyên Giáp thì đơn vị phải nộp là hơn 120 tỷ/năm, tăng hơn 30 tỉ so với năm 2018 và 2019.

“Tiền thuê đất là gánh nặng cho dự án, trong khi các hạng mục căn hộ, biệt thự, cung hội nghị là nơi tạo ra dòng tiền chính thì không đủ để trả tiền thuê đất. Cụ thể, năm 2019, doanh thu của cung hội nghị khoảng 1,8 triệu USD (tương đương 40 tỉ đồng), năm 2023 khoảng 1 triệu USD. Trong khi đó, chi phí xây dựng cung hội nghị là 450 tỉ. Nếu tính riêng diện tích của cung hội nghị với khoảng 2ha thì tiền thuê đất mỗi năm là khoảng gần 10 tỉ đồng”, ông Kha nói.

Bảng giá đất tăng cao khiến doanh nghiệp chịu nhiều áp lực trong bối cảnh khó khăn.

Bảng giá đất tăng cao khiến doanh nghiệp chịu nhiều áp lực trong bối cảnh khó khăn.

Cũng theo vị này, hiện tại ở vệt đất ven biển Đà Nẵng có bất cập khi ở phía bên phải đường Võ Nguyên Giáp phần lớn là các lô đất ở nên áp dụng giá cao là hợp lý. Tuy nhiên, ở bên trái đường chủ yếu là dự án với các khu đất lớn, mật độ sử dụng thấp thì cần được ban hành đơn giá riêng.

Tương tự, đại diện dự án Melia Đà Nẵng Beach Resort cho hay tiền thuê đất hiện tại căn cứ vào bảng giá đất năm 2019 nhưng doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, kinh tế suy giảm nên không có doanh thu. Theo ông Nguyễn Mạnh Trung - Tổng giám đốc Công ty TNHH Sao Việt Non Nước (chủ đầu tư dự án) cho bết đơn vị đang phải nộp 28 tỉ đồng mỗi năm.

“Trong khi đó, phần đất được xây dựng công trình đã được đóng tiền một lần, các phần còn lại thuộc công năng cảnh quan, cây xanh… phải áp giá thuê bằng 70% giá đất thương mại dịch vụ. Điều này là bất hợp lý, Đà Nẵng tính giá đất quá cao và doanh nghiệp đã kiến nghị nhiều năm nay nhưng chưa được phản hồi. Thành phố phải định lại giá đất cho phù hợp để cứu doanh nghiệp đừng để cả dãy bờ biển này thành hoang sơ”, ông Trung kiến nghị.

Rà soát bảng giá đất

Liên quan đến vấn đề này, tại Hội nghị gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp năm 2023 do TP. Đà Nẵng tổ chức chiều ngày 11/10, ông Trần Quốc Hùng - Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng thông tin bảng giá đất bình ổn 5 năm/lần. Theo vị này, vào năm 2019 khi thị trường biến động lớn nhưng các doanh nghiệp có chu kỳ năm 2017- 2021 vẫn được hưởng giá thuê đất năm 2017.

Sau đó, đến năm 2022 mới chịu giá thuê đất của năm 2019. Được biết, thời gian qua Đà Nẵng cũng đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp như tỷ lệ giá thuê đất thương mại dịch vụ so với đất ở năm 2019 bằng 85% nhưng năm 2022 đã giảm xuống 70%. Cùng với đó, Đà Nẵng đã điều chỉnh hệ số phân vệt để giảm giá thuê đất.

“Thành phố đã điều chỉnh hệ số giá đất năm 2022 so với năm 2019 là giảm 10%. Mức % thu tiền thuê đất, trước đây quy định 1,7%- 2%, đến năm 2021 thành phố quyết định điều chỉnh xuống còn 1%. Với điều chỉnh này, tiền thuê đất của doanh nghiệp giảm từ 40-50%. Thực tế tiền thuề đất của doanh nghiệp đã tăng rất nhiều so với trước đây”, ông Hùng nói.

Lãnh đạo Đà Nẵng kiểm tra thực tế tại các dự án

Lãnh đạo Đà Nẵng kiểm tra thực tế tại các dự án ven biển. (Ảnh: Lan Anh)

Đối với kiến nghị của doanh nghiệp tính giá đất theo mục đích sử dụng đất, được biết địa phương đã báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi và được trả lời rằng không có cơ sở pháp lý để xử lý. Về kiến nghị giảm tiền thuê đất do giá đất thị trường đang giảm, Đà Nẵng cũng đã thuê đơn vị tư vấn khảo sát trên nguyên tắc rà soát lại.

Theo ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng thì quy trình xây dựng giá đất đều phải thuê đơn vị tư vấn để lập, sau đó báo cáo UBND thành phố. Từ báo cáo của các đơn vị, UBND thành phố báo cáo với HĐND thành phố và HĐND thành phố thống nhất thông qua thì UBND thành phố mới ban hành.

Cũng theo ông Minh, khi thị trường biến động với giá đất biến động 20% tăng hoặc giảm trong vòng 6 tháng thì phải điều chỉnh tăng hoặc giảm. Cùng với đó, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng nhìn nhận bảng giá đất đã được HĐND thành phố thông qua, ban hành cho giai đoạn 2020-2024 là xây dựng tại thời điểm 2019 khi có những biến động rất lớn và khi dịch Covid-19 xuất hiện UBND thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính rà soát bảng giá đất.

"Trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ tiếp tục kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền về kiến nghị tính tiền thuê đất theo mục đích sử dụng và rà soát bảng giá đất hai bên đường Võ Nguyên Giáp" - ông Minh khẳng định.

Có thể bạn quan tâm

  • Đà Nẵng: Giá thuê đất cao làm khó doanh nghiệp

    Đà Nẵng: Giá thuê đất cao làm khó doanh nghiệp

    01:37, 10/10/2023

  • Long đong dự án tháp ven sông Đà Nẵng

    Long đong dự án tháp ven sông Đà Nẵng

    09:30, 06/10/2023

  • Đà Nẵng đẩy nhanh tiến độ cụm công nghiệp Cẩm Lệ

    Đà Nẵng đẩy nhanh tiến độ cụm công nghiệp Cẩm Lệ

    14:06, 05/10/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đà Nẵng rà soát bảng giá đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO