“Đường xưa mây trắng đã về Tây Phương”

LÊ LINH thực hiện 23/01/2022 08:24

Đó là cảm nghĩ của rất nhiều Phật tử dành để tưởng nhớ Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch tại Tổ đình Từ Hiếu, phường Thủy Xuân, TP Huế.

>>>Thiền sư Thích Nhất Hạnh với Đạo - Mẹ và Hạnh phúc

>>>Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Người đánh khẽ tiếng chuông tỉnh thức

Diễn đàn doanh nghiệp đã có buổi nói chuyện với Thầy Chu Giang Phong - một thầy giáo, một thầy thuốc được rất nhiều học trò và bệnh nhân ngưỡng ái về trình độ y thuật cũng như kiến thức nho giáo mà thầy truyền đạt cho giới trẻ - về thiền sư Thích Nhất Hạnh để có những góc nhìn đa chiều.

- Thưa thầy, là một người chịu ảnh hưởng của đạo giáo, nho giáo, thầy có thể chia sẻ tư tưởng “đạo Phật dấn thân” của Thầy Thích Nhất Hạnh đã thay đổi nhân sinh quan của thầy cũng như những người xung quanh như thế nào?

Trước đây, tôi chưa thực sự hiểu về khái niệm “Phật giáo dấn thân” là gì. Nhưng nhờ đọc nhiều các tác phẩm của Thầy Thích Nhất Hạnh, thi thoảng đọc thêm các bài viết của các ký giả đó đây phỏng vấn Ngài, tôi dần hiểu rõ hơn về khái niệm tuyệt vời này.

Như trong một trả lời phỏng vấn nhà báo John Malkin, Thiền sư khẳng định: “ Phật nằm chính trong nghệ thuật sống chánh niệm từng phút giây của cuộc đời”. Hiểu một cách cụ thể hơn, thì dấn thân chính là dự mình vào cuộc đời. Nhưng dự mình trong tâm thế của người tu tập, vô úy. Ngay cả khi đối diện với nghịch duyên hay thuận duyên thì tâm thái dấn thân cũng đều vô úy.

Ngài từng dạy: “Tất cả chúng ta đều có những nỗi khổ niềm đau bên trong mình và chúng ta cần chăm sóc chúng chứ không phải trốn chạy chúng”. Hai chữ “chăm sóc” đầy minh triết và cũng đầy lành thiện ấy, nó bao hàm một ngoại diên khá rộng cho khái niệm “dấn thân”.

Từ khi đọc sách của Ngài và nương tựa vào ánh sáng trí huệ của Ngài, tôi tha thứ cho mình nhiều hơn. Sự cố chấp cố hữu của con người phương Đông chúng ta do ảnh hưởng tư tưởng thủ cựu lâu đời trong mỗi con người là có thật, nhưng ta khó chấp nhận sự thay đổi để hạnh phúc trong tâm hồn.

Một nhà văn người Anh cũng từng nói, bi kịch khởi nguồn từ quan niệm, mà chúng ta thì dư thừa những quan niệm mà rất ít chánh niệm vì không tự phân biệt được đâu là chánh đâu là tà. Đọc sách của Ngài đã giúp tôi thay đổi bản thân, và có lẽ, sự thay đổi lớn nhất đó chính là làm bạn được với chính mình, làm bạn được với những tự ti, những sầu muộn, những bấn loạn tà niệm trong mình… Và những khi ấy, chúng được “chăm sóc” đúng nghĩa. Tôi thấy mình may mắn và hạnh phúc trong những giây phút như vậy.

- Thầy có thể chia sẻ thêm về góc nhìn của thầy với tư tưởng đạo Phật của thầy Thích Nhất Hạnh về chánh niệm trong thế giới bất định?

Câu hỏi của bạn có một nhận định, cũng có thể xem là một giả định, đó là “thế giới bất định”. Nếu nhận đinh rằng, thế giới này là bất định, thì bạn đang ở đâu trong đó? Và nếu giả định rằng, thế giới bạn đang sống là bất định, thì câu hỏi đặt ra là, tại sao bạn lại cho rằng nó bất định? Trả lời được hai câu hỏi đó, ta sẽ hiểu hơn về những giáo huấn của Ngài.

Theo tinh thần của Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, thì hết thảy cũng chỉ là “giả có” chứ không “thật có”. Vạn vật do Duyên mà thành, cũng do Duyên mà diệt, nên không có thành cũng không có diệt. Đã như vậy thì cũng sẽ không có định và không có bất định. Định hay bất định đều do tâm. Tâm bình thì thế giới bình, tâm loạn thì thế giới loạn. Bình hay loạn đều do trùng trùng duyên khởi mà sinh trụ hoại diệt trong trùng trùng trôi lăn ấy.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Chúng ta có đáng phải dự mình trong cái gọi là “thế giới bất định” này không? Hẳn nhiên là không và cũng chẳng ai mong muốn cả. Nhưng vì nhận thức khác nhau, giác ngộ khác nhau, nhân duyên khác nhau, mà phước phận cũng khác nhau. Vì sự khác ấy mà khổ đau và hạnh phúc chẳng đồng, nên số đông con người không “tự đốt đuốc để đi” và phải cần đến những Ngọn Đuốc Tuệ Giác như Ngài đến thế giới này để soi sáng cho những ai đủ duyên đi vào nẻo thiện. Một trong những ánh sáng từ huệ ấy, chính là chánh niệm.

>>>Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong mắt bạn bè quốc tế

>>>Thiền sư Thích Nhất Hạnh: "Nếu không thể thấu hiểu, bạn không thể yêu thương"

Chánh niệm, là một trong tám chi phần quan trọng của Bát Chánh Đạo, là sự tỉnh giác, không quên niệm, biết rõ các pháp một cách trọn vẹn, biết rõ những gì phát sanh ngay trong mỗi giây phút của hiện tại, bây giờ và ở đây. Chánh niệm là sự biết rõ (tuệ tri) được những gì đang có mặt, đang xảy ra. Ngài dạy chúng ta an trú trong Bây Giờ và Ở Đây. Trong câu hỏi của bạn chưa có Bây Giờ và Ở Đây, nên giả định về một thế giới bất định. Nhưng ngay khi bạn thực hành chánh niệm, bạn sẽ nhận ra, không có bất định, cũng không có “không không có bất định”.

Cá nhân tôi, làm sao có thể đưa ra “góc nhìn” của mình về “tư tưởng đạo Phật của thầy Thích Nhất Hạnh” được. Điều duy nhất nếu có thể, là khi chưa đủ huệ phước tự đốt đuốc mà đi, thì thực hành theo giáo lý chánh niệm mà Ngài cũng như những bậc thành tựu truyền dạy. Sự chứng đắc nào đó là bất khả tư nghì, bất khả thuyết giải.

hiền sư Thích Nhất Hạnh vừa viên tịch tại tổ đình Từ Hiếu, nơi ngài xuất gia tu học năm lên 16 tuổi

Thiền sư Thích Nhất Hạnh vừa viên tịch tại tổ đình Từ Hiếu, nơi ngài xuất gia tu học năm lên 16 tuổi

- Thầy tâm đắc nhất câu nói nào của thầy Thích Nhất Hạnh?

Hầu hết những lời dạy của thầy Thích Nhất Hạnh tôi đều tâm đắc. Vì đó đều là những lời được nghiệm ra từ Đại Thuyết. Tôi chưa đủ duyên để đọc hết các tác phẩm của Ngài, nhưng qua những cuốn sách của Ngài xuất bản bằng Việt Văn, tôi rất thích cuốn: “Thả một Bè Lau – Truyện Kiều dưới cái nhìn thiền quán”. Ở tác phẩm ấy, một lần nữa ta hiểu hơn về Truyện Kiều, hiểu hơn về cụ Tố Như, hiểu sâu sắc về thân phận, hiểu rõ hơn về những bi kịch cũng như những trôi lăn của từng nhân vật. Ở đó, dưới cái nhìn chánh niệm, chúng ta nhận ra ra Truyện Kiều cũng là một “bản kinh”, nếu như ta biết đọc, biết quán.

Hết thảy những nhân duyên đều dự mình trong luân hồi để trôi lăn, để chứng nghiệm bản thân trong muôn một, để học những bài học của chính căn nghiệp của mình. Nếu như, ni cô Giác Duyên “thả một bè lau” để đợi vớt Kiều ở Sông Tiền Đường, thì Phật Pháp “thả những bè lau”, để cứu vớt những tâm hồn đau khổ!

Một cuốn sách xét về văn chương thì nó thuộc hàng văn phẩm, xét về phân tâm học thì nó đáng dự trong thư triết, còn xét dưới góc nhìn của người con Phật thì hẳn đó như là một chân kinh.   

- Trân trọng cảm ơn Thầy!

Có thể bạn quan tâm

  • Thiền sư Thích Nhất Hạnh với Đạo - Mẹ và Hạnh phúc

    Thiền sư Thích Nhất Hạnh với Đạo - Mẹ và Hạnh phúc

    07:20, 23/01/2022

  • Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Người đánh khẽ tiếng chuông tỉnh thức

    Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Người đánh khẽ tiếng chuông tỉnh thức

    04:00, 23/01/2022

  • Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong mắt bạn bè quốc tế

    Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong mắt bạn bè quốc tế

    00:21, 23/01/2022

  • Thiền sư Thích Nhất Hạnh:

    Thiền sư Thích Nhất Hạnh: "Nếu không thể thấu hiểu, bạn không thể yêu thương"

    15:41, 21/10/2021

  • 30 câu nói muôn đời giá trị của thiền sư Thích Nhất Hạnh

    30 câu nói muôn đời giá trị của thiền sư Thích Nhất Hạnh

    12:50, 15/07/2020

LÊ LINH thực hiện