Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Người đánh khẽ tiếng chuông tỉnh thức

Diendandoanhnghiep.vn Những lời dạy và phương pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh thu hút sự quan tâm của nhiều người với những quan điểm tôn giáo, tâm linh và chính trị khác nhau.

>> Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong mắt bạn bè quốc tế

fd

Thiền sư Thích Nhất Hạnh vừa viên tịch tại tổ đình Từ Hiếu, nơi ngài xuất gia tu học năm lên 16 tuổi và là vị niên trưởng cao nhất của tổ đình Từ Hiếu hiện nay - Ảnh: Làng Mai

Rạng sáng 22/1, vị thiền sư nơi cổ tự Từ Hiếu (Thừa Thiên Huế) đã rời cõi tạm đến niết bàn. Tin thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch khiến nhiều người không khỏi đau buồn. Từ khắp nơi nơi, nhiều người đã bày tỏ niềm thương tiếc vị thiền sư qua những lời chia sẻ trên trang cá nhân của mình. Những câu nói, bài thơ, lời pháp giảng của thiền sư được mọi người dẫn nguồn, chia sẻ lại trên mạng xã hội như thể để lan tỏa "tin buồn" này bằng một thứ năng lượng tích cực. Bởi, những câu nói, lời dạy của thiền sư luôn chứa đầy sự yêu thương và triết lý sống sâu sắc.

Thiền sư là một nhân vật có ảnh hưởng lớn trên thế giới, một trong những người tiên phong mang đạo Phật, đặc biệt là pháp môn chánh niệm đến xã hội phương Tây và góp phần xây dựng một cộng đồng “Phật giáo dấn thân” cho thế kỷ XXI.

“Đạo Phật dấn thân”

“Dấn thân” theo tiếng Pháp là s'engager. Đạo Phật dấn thân là "bouddhisme engagé, engaged buddhism". Dấn thân - s'engager bao hàm ý nghĩa đi tới (với préfixe en), một cách tự nguyện, để hành động theo một mục đích, một chủ trương nhất định.

Trên thực tế, chúng ta thấy có một từ khác thường được dùng trong đạo Phật là "nhập thế": tức là đi vào cuộc đời, ngược lại với "xuất thế" - tức là đi ra ngoài cuộc đời. Tuy nhiên, khái niệm này có vẻ rộng và mơ hồ hơn. Khi thái tử Siddharta rời bỏ gia đình và cung điện để đi vào rừng sâu tìm chân lý, hành động của ngài là một hành động xuất gia (rời bỏ gia đình) hay còn gọi xuất thế (rời bỏ thế gian). Sau khi giác ngộ thành Phật rồi, ngài trở về giảng dạy giáo lý của ngài cho mọi người, đó là một hành động nhập thế (đi vào thế gian). Với Phật giáo Đại Thừa, đạo Phật không cần nhập thế bởi vì nó chưa bao giờ rời khỏi thế gian, cũng như câu "Phật pháp bất ly thế gian giác" (không thể tuệ giác được ngoài thế gian). 

Chính vì thế, từ "dấn thân" có lẽ nên dùng hơn là nhập thế, bởi vì nó rõ ràng và ít gây tranh cãi hơn. Và vì có nhiều lĩnh vực, hình thái của sự dấn thân cho nên ai cũng có thể dấn thân được bằng những hành động nhỏ bé hàng ngày, đóng góp vào công trình xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. 

Ở vào thập niên 1960, trong cuốn sách "Hoa sen trong biển lửa", Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đưa ra khái niệm "Đạo Bụt dấn thân" (hay Phật giáo dấn thân), tức là áp dụng những tuệ giác mình đạt được từ những lời dạy của đức Phật và từ thiền quán để làm vơi bớt những khổ đau trong xã hội, trong môi sinh và trong chính trường.

“Phật giáo dấn thân” theo Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng chỉ là Phật giáo. Ông giải thích: Khi bom dội lên đầu chúng sinh, bạn không thể ngồi trong thiền viện. Thiền là nhận thức về những gì đang xảy ra, không chỉ bên trong mà còn xung quanh cơ thể và cảm xúc của bạn. Phật giáo phải gắn liền với cuộc sống thường nhật, với nỗi đau của bạn và những người xung quanh. Bạn phải học cách giúp đỡ một đứa trẻ bị thương trong lúc duy trì hơi thở chánh niệm. Bạn phải giữ cho bản thân khỏi lạc lối trong hành động. Hành động phải đi cùng thiền.

Nếu các bạn nhìn lại hành trình cuộc đời của ông sẽ thấy rõ triết lý này được thể hiện sâu sắc. Thiền sư đã dành cả đời để cống hiến, hành động cho hòa bình bằng những pháp môn thực tiễn của Phật giáo. Mà theo như lời Thiền sư từng nói: thực hành tôn giáo nên hướng đến giải quyết đau khổ là nỗi khổ bên trong bạn và nỗi khổ xung quanh bạn. Chúng đều liên kết với nhau. Nếu lên núi tu hành một mình, bạn không có cơ hội nhận ra sự giận dữ, ghen tỵ và tuyệt vọng ẩn sâu bên trong. Đó chính là tại sao bạn phải gặp những người khác để nếm trải những cảm xúc ấy. Không hiểu gốc rễ của phiền não, bạn sẽ không thể thấy con đường dẫn đến hồi kết. Đó là lý do vì sao đau khổ rất quan trọng đối với thực hành tôn giáo.

Thay đổi cách thế giới thực hành Phật giáo

Những lời dạy và phương pháp của Thiền sư thu hút sự quan tâm của nhiều người với những quan điểm tôn giáo, tâm linh và chính trị khác nhau. Báo New York Daily News mô tả Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người "đã thay đổi cách thế giới thực hành Phật giáo", đồng thời xem Thiền sư là nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn.

Chánh niệm là một phương pháp tu tập cổ truyền trong đạo Phật, vẫn còn rất thích hợp đến đời sống hiện tại của chúng ta ngày nay. Sự thích hợp ấy tự nó không dính dáng gì đến đạo Phật, hoặc việc trở thành một Phật tử, nhưng nó là sự tỉnh thức dậy, biết sống hòa hợp với chính mình và thế giới chung quanh. Chánh niệm có nghĩa là ta biết tự nhìn lại mình, quan niệm sống của mình và ý thức được tính chất toàn vẹn của từng giây phút trong cuộc sống. Và trên hết, chánh niệm có nghĩa là tiếp xúc được với thực tại, những gì đang xảy ra chung quanh ta. Bởi, theo quan điểm của Phật giáo, thì trạng thái tỉnh thức của một người bình thường rất có giới hạn và đang bị giới hạn. Nói rõ ra thì có nghĩa là trạng thái ấy giống như của một người nằm mộng hơn của một người tỉnh thức. Thiền tập sẽ giúp đánh thức ta dậy từ một giấc ngủ mê của những tập quán hành động máy móc vô ý thức. 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh cho rằng thực hành chánh niệm giúp nhận diện niềm đau nỗi khổ và chuyển hóa chúng. Chánh niệm là sự biết rõ những gì đang có mặt, đang xảy ra. "Khi nắm tay một em bé, ta hãy để tâm một trăm phần trăm vào bàn tay em. Khi ôm người thương trong vòng tay cũng thế. Hãy thực sự có mặt, thực sự tỉnh thức". Điều này trái ngược hẳn với cách sống và làm việc của ta trước đây.

Trong cuốn sách "Quyền lực đích thực", Thiền sư Thích Nhất Hạnh có viết: Chúng ta từng có thói quen làm nhiều việc cùng một lúc. Vừa trả lời e-mail vừa nói điện thoại. Trong khi đang họp về một dự án này, ta viết xuống những ghi chú cho một dự án khác. Thay vì luôn làm nhiều việc cùng một lúc, ta phải tập thói quen chỉ làm mỗi lần một việc. Giả sử, bạn đang uống trà và ý thức được mình đang uống trà. Chánh niệm về việc uống trà đó là một dạng giác ngộ. Có rất nhiều khi bạn uống mà không để ý vì đang đắm chìm trong lo lắng. Vì thế, chánh niệm về việc uống chính là một dạng giác ngộ. Nếu tập trung tâm trí vào hành động, hạnh phúc có thể đến trong lúc bạn uống trà. Nhưng nếu không biết uống trà bằng chánh niệm và tập trung, bạn không thực sự uống trà mà uống nỗi đau, nỗi sợ, cơn giận và không chút hạnh phúc.

Cõi tịnh độ của Đức Phật không phải vấn đề của tương lai. Thiền sư nói trong một bài phỏng vấn “Tôi nghĩ Đức Phật đang ở đây rồi. Nếu đủ chánh niệm, bạn có thể nhìn thấy Đức Phật trong bất cứ điều gì, đặc biệt là trong Tăng đoàn. Thế kỷ XX là thế kỷ của chủ nghĩa cá nhân nhưng chúng tôi không muốn như vậy nữa. Giờ đây, chúng tôi cố gắng sống như một cộng đồng. Chúng tôi muốn trôi đi như một dòng sông chứ không phải một giọt nước. Sông chắc hẳn đi tới biển, còn một giọt nước có thể sẽ bay hơi giữa chừng. Đó là lý do chúng tôi nhận ra sự hiện diện của Đức Phật ở đây và bây giờ. Tôi nghĩ rằng mọi bước đi, mọi hơi thở, mọi lời nói được sinh ra trong chánh niệm chính là biểu hiện của Đức Phật. Đừng tìm kiếm Phật ở nơi nào khác. Phật nằm chính trong nghệ thuật sống chánh niệm từng phút giây của cuộc đời”. 

Theo di huấn, tang lễ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã được tổ chức theo nghi thức tâm tang. Ngài trở về với Đất Mẹ. Nhưng như Ngài từng nói "cái chết không phải là sự mất đi, cái chết cũng là một phần của sự sống...", hình hài phàm trần có thể về với cát bụi, nhưng triết lý sống minh triết và tinh thần Thích Nhất Hạnh vĩnh viễn ở lại với cuộc đời, thức tỉnh con người...

Thiền sư Thích Nhất Hạnh, thế danh Nguyễn Xuân Bảo, sinh năm Bính Dần (1926) tại làng Thành Trung, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, là con kế út trong gia đình có 6 anh chị em.

Năm 1942, ông xuất gia tại Tổ đình Từ Hiếu với Thiền sư Thanh Quý Chân Thật, được ban pháp danh Trừng Quang. Năm 1949, ông rời Huế vào Sài Gòn tiếp tục tu học, bắt đầu sự nghiệp sáng tác với pháp hiệu Thích Nhất Hạnh.

Tháng 5/1966, thiền sư rời Việt Nam; hoạt động ở nhiều nước và từng trụ trì tại chùa Làng Mai, phía Nam nước Pháp trong nhiều thập kỷ.

Sau hơn 40 năm rời Việt Nam, Thiền sư trở về quê nhà hoằng pháp lần đầu tiên vào năm 2005 và sau đó là vào các năm 2007, 2008…

Năm 2017, Thiền sư Thích Nhất Hạnh từ Thái Lan về Việt Nam, trở về tổ đình Từ Hiếu tịnh dưỡng và lưu trú cho đến ngày viên tịch. Trước đó, vào cuối năm 2014, ông trải qua một cơn xuất huyết não và phải nhập viện ở Pháp trong 4 tháng rưỡi.

Với những hoạt động không ngừng nghỉ của mình, Thiền sư Thích Nhất Hạnh trở thành giảng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động xã hội và là nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây, chỉ sau Đạt Lai Lạt Ma, theo đánh giá của một số hãng tin nước ngoài.

Trong tác phẩm Thế giới Phật giáo, GS.TS. John Powers, một học giả Phật học của Australia, đã chọn 13 vị sư góp phần vào sự thành hình và phát triển đạo Phật thế giới trong 2.500 năm qua và Thiền sư Nhất Hạnh ở vị trí thứ 10.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Người đánh khẽ tiếng chuông tỉnh thức tại chuyên mục Chất lượng sống của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713539945 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713539945 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10