Nhân lực và những cụm ngành lợi thế để phát triển bền vững vùng Đông Nam Bộ
Để phát triển Vùng Đông Nam Bộ theo quy hoạch của Nghị quyết 24/NQ-TW, nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn liền với lợi thế cạnh tranh của Vùng cần được quy hoạch.
>>Kinh tế vùng Đông Nam Bộ: Vẫn tồn tại những điểm nghẽn
Thiếu hụt trầm trọng nguồn lực vùng
Nghị quyết 24-NQ/TW đã xác định rõ Đông Nam Bộ là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của cả nước. Số liệu thống kê năm 2020 cho thấy Vùng Đông Nam Bộ chiếm 32% GDP; 44,7% tổng thu ngân sách nhà nước; thu hút 41,1% tổng FDI cả nước.
Trong xu thế chuyển đổi từ Công nghiệp 4.0 (dựa trên sản xuất số) sang Công nghiệp 5.0 (xã hội số), Vùng Đông Nam Bộ thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Phía Nam là một trong hai vùng kinh tế trọng điểm của cả nước có khu công nghệ cao và trung tâm tin học chuyên đào tạo và sản xuất phần mềm cho cả nước, có hệ thống đào tạo và các trung tâm nghiên cứu khoa học, trung tâm y tế có trình độ cao, đảm bảo cung cấp dịch vụ đào tạo và dịch vụ y tế cho toàn Vùng.
Với lợi thế đó, Vùng Đông Nam Bộ được quy hoạch đến năm 2030 và những năm tiếp theo theo hướng lấy kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm và động lực phát triển, có cơ cấu kinh tế hiện đại tập trung vào phát triển các cụm ngành: i) công nghiệp và xây dựng (45,3% GRDP), riêng công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 33%, ii) các ngành dịch vụ chất lượng cao (41,7% GRDP), và iii) Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản (2,3% GRDP). Điều kiện tiên quyết cho sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng tập trung vào công nghiệp và dịch vụ là người lao động phải thích ứng với công việc mới ở khu vực hiện đại của nền kinh tế.
Theo lý thuyết kinh tế, đối với những nước thừa lao động, sự dịch chuyển lao động này không làm giảm sản lượng nông nghiệp mà trái lại làm tăng năng suất nông nghiệp và làm tăng sản lượng công nghiệp. Thừa lao động nông nghiệp cũng giúp cho lượng lao động công nghiệp không tăng nhiều do di dân, vì vậy làm tăng lợi nhuận công nghiệp, giúp tích luỹ tư bản và đầu tư mở rộng. Lý thuyết này chỉ có giá trị thực tiễn khi vốn con người được quan tâm. Đây là nguồn lực vô hình của người lao động, gắn liền với kiến thức, kỹ năng có được thông qua đào tạo, trải nghiệm và chăm sóc sức khoẻ, giúp họ có thể làm việc có năng suất ở khu vực công nghiệp, thành thị. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của các tỉnh thuộc Vùng Đông Nam Bộ vẫn còn khá khiêm tốn, chỉ ở mức 28,34% vào năm 2021 (Tổng Cục thống kê, 2022).
>>Đông Nam Bộ: Tháo nút thắt “điểm nghẽn” hạ tầng logistics
Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh, nơi được kỳ vọng trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo của vùng và cả nước cũng chỉ đạt tỷ lệ lao động đã qua đào tạo ở mức 35,55% (Tổng Cục thống kê, 2022). Điều này cho thấy việc thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội gắn liền với lợi thế cạnh tranh của Vùng theo quy hoạch.
Nhận dạng những cụm ngành Vùng Đông Nam Bộ có lợi thế
Cơ cấu kinh tế của các địa phương thuộc Vùng Đông Nam Bộ chủ yếu tập trung vào công nghiệp - dịch vụ. Hình 1 cho thấy công nghiệp là trụ cột ở các địa phương, trừ Thành phố Hồ Chí Minh, với tỷ lệ đóng góp vào GRDP từ thấp nhất là 43,19% (Bình Phước) đến cao nhất là 68,74% (Bà Rịa- Vũng Tàu). Riêng Thành Phố Hồ Chí Minh, dịch vụ vượt hẳn công nghiệp, đóng góp đến 64% GRDP, trong đó đứng đầu là nhóm thương mại, tiếp theo là tài chính, ngân hàng và bảo hiểm với tỷ lệ lần lượt là 16,4% và 10,1% GRDP.
Cơ cấu kinh tế định hướng công nghiệp-dịch vụ đã góp phần cải thiện thu nhập của người lao động. Xét về cơ cấu thu nhập, Bình Dương đứng đầu Vùng Đông Nam Bộ, tiếp theo là Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là hai địa phương có tỷ lệ đóng góp cao của công nghiệp (Bình Dương) và dịch vụ (Thành phố Hồ Chí Minh) vào GRDP của Vùng. Trong khi đó, nguồn thu nhập của Bình Phước và Tây Ninh có sự đóng góp khá cao của nông, lâm nghiệp, thủy sản mặc dù có xu hướng gia tăng khối lượng sản suất sản phẩm công nghiệp. Số liệu thống kê cũng cho thấy Bình Phước có lợi thế trong sản xuất nông nghiệp và đang gia tăng năng suất lao động trong nông nghiệp, cụ thể: tỷ trọng ngành kinh tế nông nghiệp là 21,46%; thu nhập từ nông nghiệp là 30,1%.
Tình hình phát triển ngành công nghiệp của các địa phương là không giống nhau. Nhìn chung, chỉ số khối lượng sản phẩm công nghiệp có xu hướng giảm. Điều này thể hiện rõ qua số liệu thống kê trong 5 năm gần đây (có xem xét tình hình Covid) của Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương và Thành Phố Hồ Chí Minh. Trong khi đó, Bình Phước, Đồng Nai và Tây Ninh lại chứng kiến sự gia tăng khối lượng sản xuất sản phẩm công nghiệp. Trên cơ sở thực tế, các địa phương có kế hoạch tập trung vào các cụm ngành mà địa phương có lợi thế cạnh tranh, dựa trên việc khai thác công nghệ số. Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại kinh tế theo hướng hiện đại, lấy kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm và động lực phát triển.
Vận tải là ngành dịch vụ phát triển song hành với sự tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, số liệu theo thời gian cho thấy sự gia tăng bền vững về khối lượng hàng hoá vận chuyển nội địa của tất cả các địa phương thuộc Vùng Đông Nam Bộ. Trong đó, Thành Phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, và Đồng Nai là các địa phương nằm trong top đầu về hoạt động này. Dựa vào lợi thế về vị trí tự nhiên, Bà Rịa – Vũng Tàu định hướng cho dịch vụ phát triển theo hướng gắn liền với lợi thế biển, đa dạng hoá sản phẩm du lịch, vận tải biển, logistics. Logistics và quản lý chuỗi cung ứng là một trong những công cụ hữu ích giúp doanh nghiệp liên kết các khâu khác nhau trong nội bộ hoặc giữa các doanh nghiệp, được áp dụng trong nhiều ngành kinh tế và trong bất cứ loại hình kinh doanh nào. Do đó, logistics là một thành phần quan trọng trong phát triển kinh tế của Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng và của Vùng nói chung.
Đối với ngành du lịch, số liệu dưới đây cho thấy chỉ có Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu phát triển du lịch với doanh thu từ hoạt động này xấp xỉ doanh thu của cả Vùng Đông Nam Bộ. Với vị trí địa lý là đầu mối giao thông của cả nước, bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thuỷ và đường hàng không, Thành phố Hồ Chí Minh có vị trí thuận lợi trong việc giao lưu với các địa phương, đặc biệt là các địa phương trong Vùng nhờ có chung địa giới hành chính với các tỉnh: Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, và Bà Rịa-Vũng Tàu. Thực tế cho thấy nguồn khách du lịch đến vùng Đông Nam Bộ chủ yếu phụ thuộc vào lượng khách đến Thành phố Hồ Chí Minh. Điều này hàm ý việc phát triển du lịch Đông Nam Bộ cần có sự hợp tác, liên kết để khai thác tối đa những tiềm năng vốn có giữa các địa phương trong vùng theo hướng cụm ngành tạo sản phẩm chung, gắn kết liên tuyến để tạo sức hấp dẫn độc đáo của Vùng Đông Nam Bộ. Nguồn nhân lực chất lượng cao và cấp quản lý quy hoạch vùng đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hoá mục tiêu này.
Trên cơ sở số liệu phát triển của các địa phương tại Vùng Đông Nam Bộ trong 5 năm qua cho thấy có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập trung vào dịch vụ và công nghiệp. Đối với dịch vụ, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, và Bà Rịa- Vũng Tàu là những địa phương dẫn dắt sự phát triển, điển hình ở các ngành vận tải, logistics và du lịch. Đồng Nai duy trì thế mạnh công nghiệp trong khi Bình Phước và Tây Ninh đang có lợi thế về nông nghiệp và có xu hướng chuyển dịch mạnh sang công nghiệp. Việc nhận dạng các cụm ngành lợi thế của các địa phương trong Vùng là cơ sở cho việc phát triển nguồn nhân lực, hiện thực hoá các mục tiêu của Nghị Quyết 24-NQ/TW đối với Vùng.
Tiếp theo: Thực trạng nhân lực chất lượng cao của cả nước và vùng Đông Nam Bộ
* TS Đinh Công Khải, TS. Nguyễn Văn Dư, TS. Nguyễn Lê Hoàng Thuỵ Tố Quyên và nhóm nghiên cứu khoaQuản lý Nhà Nước, Đại học Kinh tế TP.HCM
Có thể bạn quan tâm
Phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ - Kỳ I: Thời cơ và thách thức
00:16, 11/04/2023
Tái cấu trúc bền vững vùng kinh tế Đông Nam Bộ (Kỳ 3): Chính sách phát triển xứng tầm
05:00, 24/03/2023
Tái cấu trúc bền vững vùng kinh tế Đông Nam Bộ (Kỳ 2): Hạn chế nội vùng
04:50, 23/03/2023
Vùng kinh tế “trọng điểm” hơn 10 năm vẫn chưa thấy... “trọng điểm”
11:15, 06/01/2023
Làm gì để “vực dậy” Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung?
15:26, 17/03/2023
Không gian phát triển mới cho vùng kinh tế
05:00, 28/01/2023