Quy hoạch bô xít chồng lấn, Đắk Nông đề xuất Chính phủ vào cuộc tháo gỡ khó khăn

THIÊN BÌNH 05/06/2023 05:00

Quy hoạch khoáng sản bô xít đang bao trùm gần 1/3 diện tích tự nhiên toàn tỉnh Đắk Nông vì vậy việc triển khai xây dựng các công trình, dự án, thu hút đầu tư... gặp nhiều khó khăn.

>>> Đắk Nông: Chồng lấn quy hoạch bauxite khiến doanh nghiệp gặp khó

Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023 trực tuyến với các địa phương mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các vấn đề khó khăn, vướng mắc mang tính đặc thù liên quan đến đầu tư các công trình, dự án nằm trong khu vực khoáng sản và vùng quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến quặng bô xít.

Đường giao thông ở huyện Đắk Song hư hỏng trầm trọng nhưng chưa thể đầu tư vì vướng quy hoạch khai thác bô xít không biết bao giờ mới triển khai. Ảnh: Phan Tuấn

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023 trực tuyến với các địa phương mới đây

Khó thu hút đầu tư

Thứ nhất, vướng mắc liên quan đến các dự án nằm trong vùng quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến quặng bô xít.

Theo tài liệu quy hoạch, bô xít trên địa bàn tỉnh Đắk Nông rất đặc thù, phân bố trên địa bàn 5 huyện, 01 thành phố và chiếm khoảng 1/3 diện tích toàn tỉnh. Hiện tại trên địa bàn tỉnh có rất nhiều công trình, dự án chồng lấn với Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng bô xít.

Qua rà soát, đánh giá kế hoạch đầu tư, quy hoạch sử dụng đất thì có đến 1.062 dự án, công trình có diện tích đất chồng lấn với quy hoạch bô xít và khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia (có tổng mức đầu tư khoảng 20.000 tỷ đồng, trong đó các dự án đầu tư công thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 khoảng 5.000 tỷ đồng); cùng với đó còn có một số dự án lớn, quan trọng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh (trong đó có 06 dự án đầu tư công 1.500 tỷ đồng đã được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025); các dự án thuộc 03 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Trong thời gian qua có rất nhiều nhà đầu tư đến với Đắk Nông để tìm kiếm cơ hội, xin chủ trương khảo sát, đầu tư các dự án, đặc biệt là các dự án có quy mô đầu tư lớn như đều vướng mắc do nằm trong quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến bô xít. 

Để tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc này, UBND tỉnh Đắk Nông đã báo cáo, kiến nghị, đề xuất các Bộ, ngành Trung ương để xem xét giải quyết. Tuy nhiên, đến nay những khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh chưa được giải quyết đến kết quả cuối cùng, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Thứ hai, vướng mắc trong việc cấp phép khai thác đất làm vật liệu san lấp tại các khu vực đã được quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác,chế biến, sử dụng khoáng sản.

Đắk Nông với địa hình là đồi núi dốc nên việc đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông, các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông yêu cầu cần phải có một lượng lớn về nguồn đất đắp để thi công các công trình và thời gian tới là tuyến đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn nguồn đất để xem xét cấp phép làm vật liệu san lấp cho các công trình đầu tư trên địa bàn tỉnh nói chung và đối với tuyến đường cao tốc trong thời gian tới nói riêng đều nằm trong các khu vực đã được quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác,chế biến, sử dụng khoáng sản theo quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 01/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo quy định tại Điều 65 Luật Khoáng sản năm 2010:

“Đối với khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình phát hiện có khoáng sản thì cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép quy định tại Điều 82 của Luật này quyết định việc thăm dò, khai thác trước khi dự án được phê duyệt hoặc cấp giấy phép đầu tư; Đối với khu vực chưa được điều tra, đánh giá về khoáng sản mà trong quá trình xây dựng công trình có phát hiện khoáng sản thì cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép quy định tại Điều 82 của Luật này quyết định việc khai thác hoặc không khai thác trong phạm vi xây dựng công trình; trường hợp quyết định khai thác thì không bắt buộc phải tiến hành thăm dò khai thác”.

Do vậy, việc cấp phép làm vật liệu san lấp các công trình đầu tư trên địa bàn tỉnh đều phải xin ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường trước khi cấp giấy phép khai thác đất san lấp hoặc xác nhận bản đăng ký khu vực khai thác đất san lấp nên ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ đầu tư xây dựng các công trình.

Đường giao thông ở huyện Đắk Song hư hỏng trầm trọng nhưng chưa thể đầu tư vì vướng quy hoạch khai thác bô xít không biết bao giờ mới triển khai. Ảnh: Phan Tuấn

Đường giao thông ở huyện Đắk Song hư hỏng trầm trọng nhưng chưa thể đầu tư vì vướng quy hoạch khai thác bô xít không biết bao giờ mới triển khai. Ảnh: Phan Tuấn

Cần cơ chế đặc thù

Để các vướng mắc liên quan đến các công trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cũng như các vấn đề bất cập đặt ra liên quan đến bô xít, quy hoạch bô xít trên địa bàn tỉnh Đắk Nông sớm được tháo gỡ, đảm bảo tính pháp lý về mặt pháp luật và thẩm quyền để tỉnh Đắk Nông kịp thời, đẩy nhanh tiến độ, giải ngân vốn đầu tư các công trình, dự án cũng như hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra; tỉnh Đắk Nông đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ:

Cho phép triển khai thực hiện các dự án, công trình nằm trong vùng Quy hoạch bô xít và khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, đặc biệt là các công trình, dự án thuộc danh mục đầu tư công trung hạn; các công trình, dự án thuộc 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; các dự án lớn, quan trọng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đang triển khai đầu tư.

>>> Sứ mệnh và khát vọng Đắk Nông

Xem xét, ủy quyền cho UBND tỉnh Đắk Nông chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nằm trên khu vực có chứa khoáng sản bô xít, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện dự án, cũng như giảm sức ép cho Bộ Tài nguyên và Môi trường khi phải thẩm định và có ý kiến đối với các dự án trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Đối với phần diện tích có khoáng sản trong phạm vi xây dựng dự án, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan thu gom và quản lý, bảo vệ, không làm thất thoát tài nguyên, khoáng sản.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp bản đồ phân bố khu vực chứa thân quặng bô xít đã được phê duyệt trữ lượng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, làm cơ sở cho UBND tỉnh rà soát các dự án phát triển kinh tế - xã hội chồng lấn với khu vực có chứa thân quặng. UBND tỉnh Đắk Nông cam kết lưu giữ, quản lý thông tin về trữ lượng bô xít theo đúng quy định của pháp luật.

Có cơ chế đặc thù cho phép UBND tỉnh cấp xác nhận bản đăng ký khu vực, khối lượng, công suất khai thác đất có lẫn với bô xít làm vật liệu san lấp hoặc cấp giấy phép khai thác đất có lẫn bô xít làm vật liệu san lấp trong khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình để phục vụ cho các công trình có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như các công trình hạ tầng kỹ thuật: đường giao thông, các dự án điện; các công trình phúc lợi xã hội như trường học, bệnh viện…, đặc biệt là tuyến cao tốc Chơn Thành - Gia Nghĩa.

Hướng dẫn công tác thăm dò, khai thác các mỏ đất làm vật liệu san lấp, mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong quy hoạch thăm dò, khai thác bô xít hoặc phát hiện có bô xít.

Khu vực mỏ Quảng Khê - Đắk Som là khu vực có tiềm năng, lợi thế nhất của tỉnh Đắk Nông về du lịch, dựa trên những giá trị nổi bật về cảnh quan, thiên nhiên, văn hóa, địa chất (hồ, sông, núi, rừng tự nhiên, hang động núi lửa - xứ sở của những âm điệu) và đặc biệt Khu du lịch sinh thái văn hóa Tà Đùng với định hướng quy hoạch trở thành khu du lịch trọng điểm của vùng Tây Nguyên và cả nước; nếu khai thác bô xít sẽ không thể phát triển du lịch tại khu vực này.

Theo Chủ tịch tỉnh Đắk Nông, định hướng phát triển du lịch khu vực này phù hợp với Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, phù hợp với nguyện vọng, kỳ vọng của nhân dân tỉnh Đắk Nông. Do vậy, đề xuất Thủ tướng Chính phủ quan tâm xem xét chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cân nhắc, ưu tiên lựa chọn phương án Quy hoạch khai thác khu vực này theo hướng phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và trở thành khu du lịch cấp quốc gia như báo cáo đề xuất của UBND tỉnh Đắk Nông tại Công văn số 1001/UBND-KT ngày 07/3/2023.

Tại phiên họp, trên cơ sở đề xuất của Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận giao Lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương tổ chức đoàn công tác vào làm việc trực tiếp với tỉnh Đắk Nông trước ngày 20/6/2023 để tháo gỡ vướng mắc, trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết.

Có thể bạn quan tâm

  • Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư: Sự thăng hạng vượt bậc của Đắk Nông

    Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư: Sự thăng hạng vượt bậc của Đắk Nông

    03:00, 27/05/2023

  • Đắk Nông tạo môi trường thuận lợi, thu hút đầu tư

    Đắk Nông tạo môi trường thuận lợi, thu hút đầu tư

    17:32, 25/05/2023

  • Đắk Nông kiến nghị Chính phủ tháo gỡ cho khoáng sản và lâm nghiệp

    Đắk Nông kiến nghị Chính phủ tháo gỡ cho khoáng sản và lâm nghiệp

    14:16, 19/05/2023

THIÊN BÌNH