Nghị quyết 41-NQ/TW: Tạo sức mạnh cộng hưởng
Những “chính sách đột phá” của Nghị quyết 41 khi được cụ thể hoá sẽ là “điểm tựa”, nền tảng vững chắc để phát triển doanh nghiệp Việt cho mục tiêu phát triển vào năm 2045.
>>Nghị quyết 41-NQ/TW: VCCI phải có cách suy nghĩ mớ
Ngày 10/10/2023, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW về xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân thời kỳ mới, thay cho Nghị quyết 09 được ban hành cách đây 12 năm.
Trao đổi với DĐDN, ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) kỳ vọng, những “chính sách đột phá” của Nghị quyết 41 khi được cụ thể hoá sẽ là “điểm tựa”, nền tảng vững chắc để phát triển doanh nghiệp Việt cho mục tiêu phát triển vào năm 2045.
- Thưa ông, Nghị quyết 41-NQ/TW có thể được coi là "món quà" đặc biệt của Đảng và Nhà nước đúng dịp "Tết doanh nhân", 13/10 năm nay?
Nghị quyết 41 là sự đồng bộ hóa, cụ thể hóa chủ trương định hướng Đại hội XIII đề ra. Trong Văn kiện Đại hội XIII đã khẳng định: "Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi".
Bên cạnh những nội dung kế thừa Nghị quyết 09-NQ/TW, Nghị quyết 41 còn nhiều điểm mới đề cao hơn vai trò của doanh nhân, đó là “một trong những lực lượng nòng cốt” góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Đồng thời, xây dựng, tôn vinh, cổ vũ đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng cống hiến, thượng tôn pháp luật, góp phần phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Các doanh nghiệp cũng hết sức ủng hộ điểm mới là "bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hoá quan hệ kinh tế... bảo đảm khuôn khổ pháp luật ổn định, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, bình đẳng...".
Điểm đáng chú ý, Nghị quyết 41 nêu rõ yêu cầu "có chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu”.
>>Nghị quyết 41-NQ/TW: Định hướng không hình sự hoá quan hệ kinh tế
>>Nghị quyết 41-NQ/TW: Nâng tầm khát vọng!
>>Nghị quyết 41-NQ/TW: Khởi đầu mới trong tình hình mới
- Việc hình thành, phát triển các doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp dẫn dắt như ông vừa nói được đặt ra cụ thể trong ngành logistics như thế nào, thưa ông?
Việc phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt cần phải tập trung vào các ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu, trong đó có logistics. Để làm được điều này, Nhà nước cần có chính sách đột phá để hỗ trợ “chắp cánh” cho các doanh nghiệp đầu đàn.
Cá nhân tôi rất tâm đắc với từ dẫn dắt, bởi lâu này chúng ta đều thấy việc thể hiện vai trò chủ động của doanh nghiệp Việt là chưa cao, trong nhiều trường hợp chúng ta thường nghe tới việc làm thuê cho doanh nghiệp nước ngoài, thua trên sân nhà, nhưng việc này cũng đã được cải thiện nhiều trong thời gian qua, đặc biệt là 5-10 năm đổ lại đây. Ở trong lĩnh vực logistics, một số doanh nghiệp logistics cũng đã thể hiện được vai trò dẫn dắt trong khu vực, đặc biệt trong những lĩnh vực mới như chuyển đổi số, cắt giảm carbon, phát triển bền vững...
Trong bối cảnh khó khăn của giai đoạn này, trách nhiệm, vai trò của các doanh nghiệp đầu tàu lại càng quan trọng hơn. Cũng như các ngành kinh tế khác, chúng ta cần có những doanh nghiệp dẫn dắt trong lĩnh vực logistics.
Nghị quyết cũng đề cập đến vấn đề hợp tác giữa các doanh nghiệp là đặc biệt quan trọng và cần thiết trong lĩnh vực logistics, khi dịch vụ là một chuỗi tổng thể (end-to-end) và có nhiều bên liên quan. Sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa các doanh nghiệp logistics ngay thời điểm này cũng sẽ tạo ra doanh nghiệp có tính dẫn dắt trong khu vực.
- Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu như Nghị quyết 41-NQ/TW còn rất nhiều việc phải làm, thưa ông?
Để thực hiện Nghị quyết 41 còn cần rất nhiều việc bao gồm sửa đổi luật pháp, cơ chế chính sách, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh và tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Trước hết doanh nghiệp cần chính sách phát triển hoàn thiện với các thủ tục pháp lý thông thoáng. Chúng tôi tiếp tục kiến nghị Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ về chính sách, đặc biệt là các chính sách quy hoạch tổng thể và xây dựng chiến lược phát triển ngành dịch vụ logistics.
Thứ hai, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí, loại bỏ triệt để chi phí phi chính thức, tăng cường khả năng tiếp cận vốn và các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước. Với logistics, vận tải biển, hàng không hay các dự án liên quan xây dựng trung tâm logistics đều đòi hỏi vốn đầu tư lớn với thời gian lâu dài. Đồng thời khẩn trương tháo gỡ khó khăn trong việc hoàn thuế VAT, rà soát, cắt giảm một số chi phí còn bất hợp lý… ưu đãi thuế và lộ trình áp dụng cho các doanh nghiệp, dự án xanh, doanh nghiệp chuyển đổi số.
Thứ ba, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
Đặc biệt, tìm ra những doanh nghiệp tiên phong trong từng mảng, lĩnh vực để có cơ chế thúc đẩy, khuyến khích tạo liên kết, kéo các “đầu tàu” này lại hợp tác cùng phát triển, tạo cơ chế để nhóm các doanh nghiệp này phát triển, hình thành các doanh nghiệp tầm cỡ. Để làm được điều này trong lĩnh vực logistics, Nhà nước cần có cơ chế ưu đãi đặc thù.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Nghị quyết 41-NQ/TW: VCCI phải có cách suy nghĩ mới
03:14, 20/10/2023
Nghị quyết 41-NQ/TW: Tạo sức mạnh cộng hưởng
17:29, 19/10/2023
Nghị quyết 41-NQ/TW: Định hướng không hình sự hoá quan hệ kinh tế
05:30, 19/10/2023
Nghị quyết 41-NQ/TW - “nâng tầm” cộng đồng doanh nghiệp
05:24, 19/10/2023
Nghị quyết 41-NQ/TW: Nâng tầm khát vọng!
20:35, 18/10/2023