Gia tăng trường hợp trẻ em nhiễm COVID-19
Việc nhiều quốc gia gia tăng trường hợp trẻ em nhập viện vì COVID-19 đang bật lên hồi chuông báo động trong việc nâng cao các biện pháp ngăn chặn sự lây nhiễm đến nhóm tuổi này.
Dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy, số bệnh nhân nhập viện có độ tuổi 18-29, 30-39 và 40-49 đạt mức cao kỷ lục trong tuần qua. Trong khi đó, từ ngày 31/7 đến 6/8, trung bình có 216 trẻ em tại Mỹ mắc COVID-19 phải nhập viện mỗi ngày, tương đương với con số 217 trường hợp nhập viện hàng ngày tại Mỹ trong thời kỳ cao điểm của đại dịch vào đầu tháng Giêng.
Ước tính của CDC Mỹ cũng chỉ ra, hơn 80% các trường hợp trẻ em nhiễm COVID-19 ở Hoa Kỳ là do biến chủng Delta. Sally Goza, cựu chủ tịch Học viện Nhi khoa Mỹ nhận định, dịch bệnh đang diễn ra thậm chí còn tồi tệ hơn và trẻ em tại Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Một số bác sĩ ở tuyến đầu cho biết, họ đang chứng kiến nhiều trẻ em bị nhiễm COVID-19 hơn so với bất kỳ thời điểm nào trước đây của đại dịch.
“Đã có nhiều ý kiến quan ngại rằng, khả năng biến thể Delta đang gây nguy hiểm cho trẻ em. Biến chủng này cũng chứng minh rằng, nhóm tuổi dưới 18 không nhạy cảm với COVID-19 là không đúng”, Tiến sĩ Richard Malley, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhi khoa tại Bệnh viện Nhi đồng Boston cho biết.
Có thể thấy, việc trẻ em dưới 12 tuổi không đủ điều kiện tiêm vaccine đã khiến chúng dễ trở thành mục tiêu tấn công của biến chủng Delta, đặc biệt là tại các quốc gia đang chứng kiến sự gia tăng nhanh các ca nhiễm mới.
Bên cạnh đó, biến chủng Delta cũng có tải lượng virus cao hơn so với các biến thể khác, đồng thời sở hữu những protein cần thiết giúp xâm nhập và trốn tránh hệ thống miễn dịch tốt hơn đã dẫn đến việc mọi người, trong đó có trẻ em dễ bị lây nhiễm hơn.
Mặc dù vậy, theo bác sĩ Nisha Thampi, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhi khoa tại Canada phân tích, việc điều trị COVID-19 cho trẻ em phức tạp hơn so với người trưởng thành khi đòi hỏi một số kiến thức, kỹ năng điều trị cụ thể và đôi khi là những vật tư y tế nhỏ hơn. Thậm chí, việc cần có cha mẹ ở cạnh để chăm sóc cho trẻ nhỏ cũng làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh nếu họ chưa được tiêm phòng vaccine.
Cho đến nay, hầu hết trẻ em mắc COVID-19 đều biểu hiện các triệu chứng nhẹ. Theo ghi nhận tại Brazil, trẻ em bị nhiễm COVID-19 sẽ có các triệu chứng như sổ mũi, nghẹt mũi, ho, sốt, đau bụng… Nhưng có một số ít trẻ em tiến triển bệnh nặng phải viện trong tình trạng viêm phổi hoặc suy hô hấp.
Một số ý kiến cho rằng, trẻ em mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường hoặc hen suyễn dễ bị nhiễm COVID-19 hơn, mặc dù các bác sĩ cho biết, họ cũng có những bệnh nhân tiến triển bệnh nặng mà không có bất kỳ bệnh lý nền nào.
Tuy nhiên, vẫn chưa có đủ bằng chứng để kết luận rằng biến chủng này làm bệnh diễn tiến nặng ở trẻ em so với các biến thể khác. Nhưng, có một điều chắc chắn rằng, biến thể Delta đang làm gia tăng các ca nhiễm COVID-19 ở cả trẻ em và người lớn, đặc biệt là ở những khu vực có tỷ lệ bao phủ vaccine thấp.
Hiện vẫn chưa rõ khi nào trẻ em dưới 12 tuổi có thể đủ điều kiện để tiêm chủng, nhưng các chuyên gia khuyến cáo, cách tốt nhất để giảm nguy cơ nhiễm COVID-19 cho trẻ em và giảm bớt căng thẳng cho bệnh viện là cho thanh thiếu niên và người lớn đi tiêm chủng, điều này sẽ giúp hạn chế sự lây lan của Delta.
“Tỷ lệ trẻ em mắc COVID-19 tăng lên do tỷ lệ các thành viên trong gia đình không được tiêm chủng cao. Do đó, cách an toàn nhất để bảo vệ trẻ em trước biến chủng Delta là tăng cường tiêm chủng diện rộng, bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc các biện pháp như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội”, các chuyên gia nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Báo động gia tăng tỷ lệ trẻ em nhiễm Covid-19
04:45, 29/07/2021
Bộ Y tế tìm vaccine COVID-19 cho trẻ em
11:01, 09/06/2021
Vinamilk tặng sữa và 3.000 phần quà 1/6 cho trẻ em đang cách ly tại 7 địa phương là “điểm nóng” dịch Covid-19
22:00, 02/06/2021
Khi nào trẻ em sẽ được tiêm vắc xin Covid-19?
05:08, 05/05/2021