Việc tỷ lệ trẻ em tử vong do Covid-19 tại Indonesia cao bất thường đang làm dấy lên lo ngại, liệu Covid-19 đã trở nên nguy hiểm hơn.
Theo dữ liệu từ Indonesia cho thấy, hàng trăm trẻ emđã chết vì nhiễm virus SARS-CoV-2 chủng mới trong những tuần gần đây, trong số này có nhiều trẻ dưới 5 tuổi. Các chuyên gia y tế đánh giá, tỷ lệ trẻ em tử vong do Covid-19 tại Indonesia cao hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới và điều này đã thách thức quan điểm cho rằng, trẻ em ít gặp nguy cơ rủi ro hơn so với người lớn nếu mắc Covid-19.
Nhiều quốc gia cũng ghi nhận sự gia tăng các ca nhiễm là trẻ em. Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ báo cáo rằng, tính đến ngày 15/7, gần 4,09 triệu trẻ em ở Mỹ đã có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 kể từ khi bắt đầu đại dịch. Trong tuần trước báo cáo, đã thống kê được 23.500 trường hợp dương tính ở trẻ em.
So với người trưởng thành, tỷ lệ nhiễm Covid-19 ở trẻ em và thanh niên chiếm thấp hơn. Bên cạnh đó, trẻ em ít làm lây lan bệnh hơn người trưởng thành, nhưng chúng có thể và thực sự truyền bệnh cho các thành viên trong gia đình, và các yếu tố gây ra nguy cơ này vẫn đang được nghiên cứu. Trẻ em dường như không phải là tác nhân chính của việc lây truyền SARS-Cov-2 trong môi trường gia đình hoặc trường học, và thường bị bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng.
Tuy nhiên, do trẻ em và thanh niên chiếm khoảng 1/4 đến 1/5 dân số, trên thực tế, số trẻ em bị nhiễm Covid-19 cao hơn và đang dần tăng lên. Đến tháng 5, ước tính có khoảng 12,2 triệu trường hợp trẻ em (trong độ tuổi từ 0-19 tuổi) tại 101 quốc gia mắc Covid-19.
Bác sĩ cấp cứu và nhà dịch tễ học hàng đầu Brazil, bà Fatima Marinho nhận định, các triệu chứng COVID-19 ở trẻ em hoàn toàn trái ngược với các nhận định lan truyền khắp toàn cầu trong suốt đại dịch khi cho rằng, trẻ em dường như không có nguy cơ mắc Covid-19 nghiêm trọng.
“Hiện nay, việc ước tính tỷ lệ nhiễm Covid-19 thực sự ở trẻ em là rất khó khăn do giới hạn của xét nghiệm huyết thanh và vì các trường hợp diễn biến nhẹ/không có triệu chứng ở trẻ em dẫn đến việc kiểm tra không kỹ”, chuyên gia này đánh giá.
Mặt khác, một số trẻ có thể dễ bị tổn thương trước virus do có những bệnh lý nền như suy dinh dưỡng, béo phì, tiểu đường và bệnh tim. Nghiên cứu của Mỹ cho thấy nguy cơ mắc Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C), một biến chứng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng của Covid-19 xảy ra ở các nhóm trẻ dân tộc có hoàn cảnh khó khăn cao hơn nhiều so với các trẻ em khác.
Tỉ lệ tiêm chủng thấp tại các nhóm trẻ em và thanh thiếu niên cũng là một nguyên nhân khiến tỉ lệ tử vong vì Covid-19 trong độ tuổi này tăng cao. Ví dụ, chỉ có khoảng 16% dân số Indonesia được tiêm một mũi vaccine và 6% đã tiêm đủ 2 mũi. Giống như nhiều quốc gia khác, Indonesia không tiêm chủng cho trẻ em dưới 12 tuổi và mới bắt đầu tiêm chủng cho nhóm 12 đến 18 tuổi.
Mặc dù chưa có dữ liệu nào cho thấy biến chủng Delta gây ra tình trạng bệnh nặng hơn tại trẻ em, tuy nhiên các nhà nghiên cứu khuyến nghị, các quốc gia cần tăng cường thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội song song với việc thử nghiệm tiêm vaccine ở lứa tuổi thanh thiếu niên và trẻ em.
Một số quốc gia ở Châu Âu và Bắc Mỹ đã mở rộng việc tiêm chủng cho trẻ em từ 12-16 tuổi mặc dù tỷ lệ nhiễm bệnh ở nhóm tuổi này vẫn còn thấp. Tuy nhiên, khi có nhiều trẻ em được tiêm chủng ở các quốc gia này, nhiều dữ liệu hơn về tác dụng phụ và hiệu quả sẽ được thu thập và nhiều bài học cho việc triển khai tiêm chủng ở các nước khác.
Đặc biệt, Giáo sư David Taylor, giáo sư danh dự về chính sách dược phẩm và sức khỏe cộng đồng tại Đại học College London cho rằng, có thể xem xét tiêm chủng khẩn cấp cho trẻ em mắc các bệnh lý tiềm ẩn và thanh thiếu niên. Nhưng trước đó, tất cả các nước đều phải đảm bảo tiêm phòng đầy đủ cho người lớn xung quanh trẻ em để đạt được miễn dịch cộng đồng, đồng thời tuân thủ các biện pháp giãn cách để giảm lây truyền trong cộng đồng và chỉ mở cửa trường học khi không còn ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Có thể bạn quan tâm
Vì trẻ em – Diễn đàn dân sinh bảo vệ, chăm sóc trẻ em
18:04, 28/07/2021
Bộ Y tế tìm vaccine COVID-19 cho trẻ em
11:01, 09/06/2021
Các chuyên gia "hiến kế" con đường thoát khỏi COVID-19: Bài học từ Úc và Việt Nam
11:03, 28/07/2021
Kỳ vọng vào vaccine mRNA trong cuộc chiến chống ung thư
15:23, 28/07/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Cần có đủ và nhanh nhất vaccine phòng bệnh COVID-19
21:15, 26/07/2021