Lại canh cánh mối lo thất nghiệp
Thất nghiệp là hiện tượng khách quan trong nền kinh tế thị trường. Song, ở thời điểm cả nước đang bước vào trạng thái “bình thường mới”, tỷ lệ thất nghiệp tăng dễ trở thành vấn đề nguy nan của xã hội…
Theo đó, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát từ cuối tháng 4/2021 đến nay vẫn đang hết sức khó lường. Đồng thời, diễn biến của dịch cũng đã có những tác động tiêu cực đến người lao động, ảnh hưởng lớn đến thị trường lao động.
Theo đánh giá của Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), hiện nay hàng chục triệu lao động đang bị ảnh hưởng đến việc làm. Đáng quan ngại hơn nữa là tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm đang tăng nhanh chóng. Các chuyên gia cũng nhận định, thời gian tới, thị trường lao động những tháng cuối năm 2021 sẽ có thể còn chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực.
Còn theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố mới nhất cho biết, có khoảng 1,3 triệu lao động đã về quê tránh dịch, tính từ tháng 7 đến 15/9/2021.
Trong số 1,3 triệu lao động nêu trên, khoảng 324.000 người trở về từ Hà Nội, 292.000 người về từ TP HCM và 450.000 người trở về từ các tỉnh, thành phía Nam. Trong số 930.000 người từ 15 tuổi trở lên đã trở về địa phương, khoảng 34% đang có việc làm; 38% mất việc, không tìm được việc làm do cách ly, giãn cách và số còn lại không có nhu cầu làm việc do e ngại dịch bệnh.
Nhìn vào những số liệu này có thể thấy, dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 đã làm xáo trộn nhiều mặt của đời sống xã hội, dân sinh và ảnh hưởng nặng nề đối với lĩnh vực lao động, việc làm.
Theo TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội cho rằng, với những diễn biến như hiện nay thì tình hình dịch COVID-19 chưa thể dự báo thời điểm kết thúc. Vì vậy thị trường lao động từ nay đến cuối năm diễn ra theo kịch bản nào rất khó nhận định. Nhìn vào những số liệu thống kê về tình hình việc làm, thất nghiệp thời gian qua có thể thấy rõ tác động của dịch COVID-19 đến thị trường lao động, song TS Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, con số thực sự bị ảnh hưởng có thể lớn hơn nhiều.
“Việc làm sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Theo xu thế hiện nay, thị trường lao động chưa thể phục hồi được, nhưng tôi hy vọng cuối năm 2021 khi các nước bắt đầu mở cửa trở lại, trong nước việc tiêm chủng vaccine được triển khai trên diện rộng, kinh tế tăng trưởng tốt lên thì thị trường lao động mới có điều kiện phục hồi. Tuy nhiên, khác với kinh tế, thị trường lao động không thể phục hồi nhanh mà luôn có độ trễ và chuyển dịch về cơ cấu lao động”, TS Nguyễn Thị Lan Hương kỳ vọng.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) thì khả năng phục hồi thị trường lao động trong những tháng nửa cuối năm 2021 sẽ phụ thuộc rất lớn vào cách nhìn nhận và kịch bản chống dịch của Việt Nam, đó là phải sống chung với dịch COVID-19.
“Nền kinh tế của Việt Nam có độ mở rất lớn. Vì vậy, nếu các nước trên thế giới mở cửa trở lại vào cuối năm nay cũng sẽ là một tín hiệu cho Việt Nam. Theo kịch bản này, những tháng cuối năm, tình trạng thất nghiệp và việc làm của người lao động sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, đó chỉ là dự báo dù chúng ta đều kỳ vọng tình hình sẽ tốt lên. Còn hiện nay, nhìn lại những con số thống kê về tình hình việc làm, thất nghiệp trong thời gian vừa qua, rõ ràng là có thể chưa phản ánh hết được tác động của dịch COVID-19 đến thị trường lao động.
Qua khảo sát, nắm bắt trực tiếp từ công nhân của tổ chức công đoàn, chúng tôi thấy rằng đời sống của người lao động hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn. Có thể những con số về tỷ lệ thất nghiệp trong báo cáo là nhóm đối tượng hoàn toàn không có việc làm. Còn trên thực tế, có những lao động vẫn trong diện hợp đồng, không thông báo mất việc nhưng không hề có việc làm”, ông Quảng cho biết.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cũng cho biết, hiện có khoảng 17 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Nhiều ý kiến cho rằng, khả năng phục hồi thị trường lao động những tháng cuối năm 2021 phụ thuộc rất lớn vào kịch bản chống dịch của Việt Nam. Hiện nay, các địa phương đang từng bước mở cửa trở lại, đây là tín hiệu đáng mừng sau một thời gian dài gần như dừng sản xuất. Nhưng việc ổn định sản xuất không đồng đều giữa các vùng sẽ khiến xã hội đối mặt với vấn đề cung - cầu lao động.
Trên thực tế, nhiều công nhân đang đổ về quê với số lượng lớn. Tại sao nhiều doanh nghiệp đang lo thiếu nhân lực, thậm chí tìm nhiều phương án tuyển dụng và giữ chân người lao động mà tình trạng thất nghiệp vẫn nan giải? Lý giải nguyên nhân, bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ, Giám đốc điều hành Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cho rằng, doanh nghiệp khi quay trở lại nhịp độ sản xuất cần thời gian để chuẩn bị và phục hồi.
Trong thời gian này, người lao động đã không còn đủ tài chính để chi tiêu, sinh hoạt, khó có thể trụ được để chờ các doanh nghiệp khôi phục sản xuất. Hơn nữa một số doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ chưa tốt, không có giao kết hợp đồng… khiến người lao động gặp khó về tiền bạc lẫn tinh thần.
“Trước đây chúng ta bàn đến việc kéo lao động ở nông thôn lên thành phố, giờ đây có tình trạng lực lượng lao động đang ở các thành phố nhưng vẫn nhất quyết đi về quê”- bà Thuỷ nói và cho rằng, đây là một vấn đề cần giải quyết thấu đáo.
Có thể bạn quan tâm
Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm quý III cao nhất 10 năm gần đây
11:00, 12/10/2021
Mở tài khoản BIDV online để nhận bảo hiểm thất nghiệp
15:46, 06/10/2021
Doanh nghiệp và người lao động sẽ được hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp do ảnh hưởng COVID-19
07:12, 27/09/2021
Thất nghiệp dài ngày, bà nội trợ Hà Nội tính khởi nghiệp với 3 triệu đồng
03:55, 01/09/2021
ĐIỂM BÁO NGÀY 27/08: Cần tính toán lại thu chi bảo hiểm thất nghiệp
06:27, 27/08/2021
“Truyền miệng” chủ động về chính sách bảo hiểm thất nghiệp
11:00, 26/08/2021
Quỹ bảo hiểm thất nghiệp kết dư lớn: Cần hóa giải ra sao?
05:00, 23/08/2021
Sẽ có 23 triệu người thất nghiệp trong năm 2022?
11:00, 03/06/2021