Doanh nghiệp "chao đảo" vì giá xăng tăng

KHÁNH HÀ 14/02/2022 11:00

Xăng dầu tăng giá mạnh trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp gây sức ép khủng khiếp lên doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực vận tải.

>>>Bất cập nguồn cung xăng đầu: Chờ thời lên giá hay quản lý yếu kém?

Trong kỳ điều chỉnh mới nhất, giá mỗi lít xăng A95 đã chạm 25.320 đồng, xăng E5 cao nhất là 24.570 đồng, giá các loại dầu cũng tăng mạnh. Việc giá nguyên liệu đầu vào như xăng dầu tiếp tục leo thang, trong khi thị trường vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục gây áp lực khủng khiếp đối với doanh nghiệp vận tải.

Trao đổi trên Vietnamnet, ông Tô Quang Học, Giám đốc Công ty TNHH Phiệt Học - đơn vị có nhiều đầu xe chuyên chạy tuyến Hà Nội - Thái Bình cho hay, doanh nghiệp đang “vò đầu bứt tai” tìm phương án kinh doanh khi giá nhiên liệu liên tục tăng chóng mặt.

Giá xăng dầu tăng ở ngưỡng cao nhất trong 8 năm qua đã khiến các doanh nghiệp vận tải rơi vào tình cảnh khó khăn.

Giá xăng tăng, nhiều mặt hàng cũng rục rịch tăng theo.

Giá xăng tăng, nhiều mặt hàng cũng rục rịch tăng theo.

Xăng dầu chiếm 30 - 40% đơn giá vận chuyển nên việc nhiên liệu đầu vào tăng giá chắc chắn ảnh hưởng đến chi phí vận tải. Hiện doanh nghiệp đang phải tính toán lại giá cước vận chuyển cho những chuyến xe sắp tới. Tuy nhiên, việc này không dễ, bởi mỗi chuyến chỉ lèo tèo vài khách.

“Hai năm nay, doanh nghiệp lao đao vì dịch COVID-19 kéo dài. Nay giá xăng dầu tăng cao kỷ lục không còn là nỗi lo nữa mà là ác mộng thật sự với ngành vận tải”, ông Học nói.

Tương tự, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (chủ thương hiệu xe Sao Việt), cũng lo lắng không kém. Theo ông Bằng, giá xăng dầu thế giới tăng cao nên việc giá nhiên liệu đầu vào trong nước tăng vọt là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, trong bối cảnh doanh nghiệp gần như kiệt quệ vì dịch bệnh, nay giá xăng dầu chẳng khác nào cú đánh bồi đẩy họ đến bờ vực phá sản.

“Chúng tôi cũng không biết làm thế nào. Anh em nhà xe cũng chỉ biết nhìn nhau “cắn răng” mà chấp nhận. Tiếp tục chạy thì thua lỗ, nghỉ thì lấy đâu ra tiền trả lãi vay ngân hàng, mà bán xe lúc này cũng chẳng ai dám mua”, ông Bằng chia sẻ.

  • Chuyện khan hiếm xăng dầu: Lộ “lỗ hổng” trong điều hành
  • Thiếu xăng dầu hay lấy cớ để găm hàng?

Chia sẻ với Zing, ông Trần Văn Thành - Tổng giám đốc Công ty CP vận chuyển Á Châu - cho biết trước Tết Nguyên đán, khi giá xăng tăng mạnh, công ty ông đã điều chỉnh tăng giá cước.

"Tuy nhiên, nếu xăng dầu tiếp tục tăng sốc, đơn vị sẽ buộc phải điều chỉnh thêm. Hiện chi phí xăng dầu chiếm khoảng 35% tổng chi phí của doanh nghiệp, do đó khi giá mặt hàng này tăng, cước vận chuyển cũng phải điều chỉnh tương ứng", ông nói.

Doanh nghiệp vận tải thêm khó khăn vì vừa tăng giá cước khoảng 4 tháng trước nay giá xăng dầu lại liên tục tăng cao. Ảnh: Hải Nam.
Lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết thông thường khi giá xăng dầu tăng hoặc giảm khoảng 10-20% thì đơn vị sẽ điều chỉnh giá cước từ 3,5-10%, tùy theo sự biến động.

Ông Thành đánh giá tình hình hoạt động của các doanh nghiệp vận chuyển đã bắt đầu ổn định trở lại. "Tuy nhiên, hiện nay xăng dầu đang tăng giá rất cao khiến đơn vị gặp không ít khó khăn. Việc tăng giá phải thật khéo léo, thận trọng nếu không rất dễ mất khách hàng", ông nói.

Theo ông Thành, người chịu thiệt nhất vẫn là người tiêu dùng vì xăng tăng, dịch vụ vận chuyển, giá nguyên liệu, các mặt hàng đều phải tăng theo. "Tính từ đầu năm 2021 đến nay, giá xăng đã tăng khoảng hơn 50%", ông Thành tính toán.

Ông Bùi Ngọc Quang - Giám đốc Công ty TNHH Quang Phát (doanh nghiệp có 15 xe chạy tuyến Bắc - Nam) cũng chia sẻ, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 35% cơ cấu giá thành vận tải. Khi xăng dầu tăng thêm gần 1.500 đồng/lít, tỉ lệ này tăng lên khoảng 50% với giá thành vận tải.

“Sau một thời gian dài ngừng hoạt động vì giãn cách, nhiều doanh nghiệp đang bắt đầu thích ứng trở lại, tìm cách để phục hồi. Trong một thời gian ngắn, giá xăng dầu tăng cao liên tiếp, bây giờ đang ở mức cao nhất 8 năm. Hơn thế lại trong giai đoạn doanh nghiệp đang vật vã sau đại dịch, khó chồng khó”, ông Quang nói.

Việc giá dầu xăng tăng cao gây khó khăn không nhỏ cho giai đoạn phục hồi kinh tế bởi đây là mặt hàng đầu vào.

Theo Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới là những yếu tố làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1.2022 tăng 0,19% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2021, CPI tháng 1 tăng 1,94%; lạm phát cơ bản tăng 0,66%.

Theo lãnh đạo Cục Quản lý giá, trong năm 2022, một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá sau Tết, trong đó có giá xăng dầu do tác động mạnh từ thị trường thế giới. Hiện nay, giá các mặt hàng xăng dầu và khí hóa lỏng (LPG) đang ở mức cao do chịu tác động từ thị trường thế giới.

Giá xăng dầu kỳ điều hành ngày 11.2.2022 chịu áp lực điều chỉnh tăng rất lớn từ giá thế giới. Từ đó theo Cục Quản lý giá, gây sức ép lớn đến mặt bằng giá nói chung và giá các mặt hàng sử dụng xăng dầu là đầu vào cho sản xuất.

"Ngoài ra, do nền kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu nên sẽ phải đối mặt với nguy cơ nhập khẩu lạm phát trước xu hướng tăng giá các mặt hàng nguyên vật liệu, các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới, rủi ro về tỷ giá khi các quốc gia đối tác thương mại chính quay trở lại chính sách tiền tệ thắt chặt", Cục Quản lý giá nhận định.

Có thể bạn quan tâm

  • Cần nâng cao công tác quản lý chính sách điều hành xăng dầu

    Cần nâng cao công tác quản lý chính sách điều hành xăng dầu

    13:00, 14/02/2022

  • Từ vụ “khan hiếm” xăng dầu: Nhìn lại chuyện đàm phán “hớ” tại dự án lọc dầu Nghi Sơn

    Từ vụ “khan hiếm” xăng dầu: Nhìn lại chuyện đàm phán “hớ” tại dự án lọc dầu Nghi Sơn

    14:55, 13/02/2022

  • Bất cập nguồn cung xăng đầu: Chờ thời lên giá hay quản lý yếu kém?

    Bất cập nguồn cung xăng đầu: Chờ thời lên giá hay quản lý yếu kém?

    04:00, 12/02/2022

  • Chuyện khan hiếm xăng dầu: Lộ “lỗ hổng” trong điều hành

    Chuyện khan hiếm xăng dầu: Lộ “lỗ hổng” trong điều hành

    02:50, 12/02/2022

KHÁNH HÀ