Doanh nghiệp điện mặt trời áp mái "kêu cứu"
Mặc dù đã bán điện cho EVN hơn hai năm qua, nhưng hiện tại hàng trăm nhà đầu từ điện áp mái tại tỉnh Bình Dương nhận được thông báo sẽ không được thanh toán tiền điện nếu thiếu thủ tục.
>>>Trách nhiệm của Bộ Công Thương khi xảy ra loạt dự án điện mặt trời sai phạm
28 nhà đầu tư điện mặt trời áp mái tỉnh Bình Dương gửi đơn kiến nghị lên Bộ Công thương, Sở Công thương tỉnh Bình Dương, UBND tỉnh Bình Dương và Công ty điện lực tỉnh này khẩn khoản kêu cầu tháo gỡ khó khăn cho dự án điện mặt trời áp mái do không được thanh toán tiền điện từ ngày 31/3/2022.
Cụ thể các doanh nghiệp cho biết: "Chúng tôi là các doanh nghiệp có hoạt động đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) theo chủ trương chính sách được khuyến khích của Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 về các chính sách khuyến khích phát triển dự án điện mặt trời tại Việt Nam và Quyết định 13 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam .
“Thực hiện theo chủ trương chính sách của Thủ tướng Chính phủ và các hướng dẫn của Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các Tổng công ty Điện, chúng tôi đã đầu tư các hệ thống điện mặt trời mái nhà (hệ thống ĐMTMN) trước và trong năm 2020. Mặc dù đã có rất nhiều khó khăn khi dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến tiến độ thi công, tình trạng khan hiếm vật tư, nhân công…nhưng chúng tôi đã rất nỗ lực để thực hiện đúng theo quy trình, thời hạn theo chính sách của nhà nước. Hiện nay các hệ thống đều hoạt động ổn định, tạo ra sản lượng điện sạch cho đất nước”, các doanh nghiệp bày tỏ.
Tuy nhiên, mới đây, các đại diện chủ đầu tư đã nhận được thông báo của Công ty Điện lực Bình Dương về việc tạm dừng thanh toán cho các chủ đầu tư do hệ thống ĐMTMN chưa bổ sung các hồ sơ còn thiếu gồm: hồ sơ an toàn công trình xây dựng và hồ sơ an toàn phòng chống cháy nổ. Theo đó, EVN sẽ dừng thanh toán tiền điện đối với phần sản lượng phát sinh từ ngày 1/03/2022, đồng thời báo cáo UBND Tỉnh Bình Dương dừng mua điện đối với Hệ thống ĐMTMN thiếu hồ sơ pháp lý.
“Nếu EVN dừng thanh toán sẽ dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng, vì doanh nghiệp khi xây dựng dự án cũng có những khoản vay lớn. Nếu dừng thanh toán dẫn đến doanh nghiệp sẽ chịu chi phí lãi vay tăng cao do lãi suất phạt quá hạn bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn làm hiệu quả đầu tư thua lỗ nặng, gia tăng nợ quá hạn và nợ xấu cho hệ thống ngân hàng, lãng phí nguồn lực lớn của xã hội đã đầu tư vào lĩnh vực điện mặt trời…”, các doanh nghiệp lo lắng.
Lý giải cho những bất cập gây khó này, đại diện các doanh nghiệp cho biết không làm sai luật. Lý do tại thời điểm đầu tư từ năm 2020 trở về trước các nhà đầu tư căn cứ vào chính sách khuyến khích phát triển của Chính phủ theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 về các chính sách khuyến khích phát triển dự án điện mặt trời tại Việt Nam và Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 06/4/2020 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam để đầu tư mà không nhận được bất kỳ hướng dẫn/cảnh báo/ngăn chặn...nào từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Hệ thống ĐMTMN là các thiết bị được lắp đặt trên mái nhà tương tự các máy móc thiết bị khác được lắp đặt trong nhà xưởng, trên mái nhà xưởng như dây chuyền sơn gỗ được lắp trên mái nhà xưởng do đó không làm được các thủ tục xin phép xây dựng. Khi đó, Bộ Xây dựng cũng chưa ra các văn bản, quy định quản lý ngành nghề kinh doanh này một cách cụ thể, không yêu cầu giấy phép xây dựng; Cục cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ cũng chưa đưa ra quy định giấy phép phòng cháy chữa cháy.
Trước những thay đổi yêu cầu về thủ tục bổ sung trên, các doanh nghiệp cũng cho biết đã liên hệ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Sở Xây dựng, UBND huyện nơi dự án đang hoạt động để xin cấp giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, nhận được câu trả lời là không thể xin giấy phép xây dựng cho công trình đã lắp đặt. Và cũng vì giấy phép xây dựng còn thiếu nên giấy phép phòng cháy chữa cháy cũng khó hoàn thành với các dự án điện mặt trời áp mái đã đầu tư trước và trong năm 2020 - thời điểm không yêu cầu thủ tục này.
- EVN tạm dừng thực hiện việc cắt 40% công suất của dự án điện mặt trời lớn nhất Việt Nam
- Lợi ích từ nguồn điện mặt trời đang bị bỏ ngỏ
Bên cạnh đó, khi ký kết hợp đồng mua bán điện các nhà đầu tư cho biết căn cứ vào Điểm a Khoản 1 Điều 5 các hợp đồng mua bán điện ký kết với đại diện EVN thì trách nhiệm của bên bán điện là: “a) Đảm bảo thiết kế, thi công lắp đặt, vận hành theo đúng quy chuẩn kỹ thuật, quy định của pháp luật hiện hành về chất lượng điện năng, an toàn điện, xây dựng, môi trường và phòng chống cháy nổ” chứ không có các quy định về các loại giấy phép xây dựng, phòng tránh cháy nổ"
Thêm vào đó, theo công văn số 3288/C07-P4 của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH Ngày 08/09/2020 có hướng dẫn công tác thẩm duyệt thiết kế về PCCC đối với nhà máy điện mặt trời và hệ thống điện mặt trời mái nhà, nhưng có rất nhiều hệ thống ĐMTMN đã đầu tư trước đó không còn phù hợp với các hướng dẫn nêu trên.
Trước những bất cập trên cho thấy những nhà đầu tư đi đầu phát triển điện mặt trời áp mái là ngành nghề còn mới tại Việt Nam nên giai đoạn ban đầu còn bỡ ngỡ. Đặc biệt là còn thiếu sót những quy định từ các Bộ, ngành hoặc sự nắm bắt, cập nhật điều chỉnh quản lý cho hoạt động kinh doanh này từ phía cơ quản quản lý Nhà nước vẫn chưa ban hành cụ thể. Do vậy để bổ sung thì cần có thời gian và hướng dẫn cụ thể cho nhà đầu tư thực hiện và chấp hành theo quy định của pháp luật
Trong đơn kiến nghị các doanh nghiệp khẩn khoản: Để tránh những thiệt hại to lớn về nguồn lực xã hội, tránh nguy cơ phá sản đang cận kề, chúng tôi thống nhất kiến nghị Bộ Công thương nhanh chóng có quyết định tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng phương án sau:
Một là, các hệ thống ĐMTMN được lắp đặt trên mái nhà xưởng đã đầu tư lắp đặt từ năm 2020 trở về trước không phải bổ sung các hồ sơ về xin phép xây dựng, cải tạo công trình nhà xưởng…mà chỉ cần cung cấp báo cáo khảo sát, kiểm định chất lượng công trình của công ty kiểm định độc lập để chứng minh công trình xây dựng đủ khả năng chịu lực hệ thống ĐMTMN đã lắp đặt (kiểm định công trình thực tế đã lắp đặt). Thời hạn cung cấp chậm nhất đến 31/12/2023.
Hai là về hồ sơ PCCC: Căn cứ nghị định 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và công văn số 3288/CP7-P4 ngày 8/9/2020 của Cục cảnh sát PCCC và CNCH-Bộ Công an về hướng dẫn công tác thẩm duyệt thiết kế về PCCC đối với nhà máy điện mặt trời và hệ thống điện mặt trời mái nhà, các dự án ĐMTMN công suất dưới 1 MW và đấu nối vào lưới điện 22kV không thuộc diện thẩm định thiết kế về Phòng cháy chữa cháy. Do đó đề nghị các bộ ngành liên quan có văn bản hướng dẫn chi tiết nhà đầu tư về Hồ sơ an toàn công trình xây dựng và Hồ sơ an toàn phòng chống cháy nổ và cho thêm các nhà đầu tư thời gian hoàn thành thủ tục này đến hết năm 2023.
Bên cạnh đó các chủ đầu tư đề nghị: "Trong thời gian chờ hướng dẫn cụ thể về hồ sơ giấy phép xây dựng và PCCC, EVN tiếp tục thanh toán sản lượng điện phát ra từ hệ thống năng lượng mặt trời để chúng tôi có nguồn kinh phí trả nợ vốn vay ngân hàng, tránh gây ra những hậu quả về kinh tế - xã hội nghiêm trọng. Sau thời gian trên, chúng tôi cam kết thực hiện đúng các hướng dẫn của Bộ ngành liên quan về hồ sơ giấy phép xây dựng và PCCC".
Có thể bạn quan tâm
Thúc đẩy phát triển chuỗi hệ thống điện mặt trời áp mái, giảm phát thải nhà kính
14:00, 04/04/2022
Trách nhiệm của Bộ Công Thương khi xảy ra loạt dự án điện mặt trời sai phạm
00:07, 31/03/2022
Bộ Công Thương chỉ rõ nhiều sai phạm liên quan đến điện mặt trời mái nhà
14:00, 27/03/2022
EVN tạm dừng thực hiện việc cắt 40% công suất của dự án điện mặt trời lớn nhất Việt Nam
11:29, 06/03/2022
Đề xuất dừng cấp chủ trương đầu tư dự án điện gió, điện mặt trời chưa triển khai
10:00, 14/02/2022
Lợi ích từ nguồn điện mặt trời đang bị bỏ ngỏ
11:00, 14/12/2021