Doanh nghiệp Quảng Nam mong được tiếp sức

TUẤN VỸ 19/04/2022 10:00

Tỉnh Quảng Nam đã xây dựng nhiều kế hoạch hỗ trợ, đồng thời kiến nghị nhiều giải pháp đến Trung ương nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trước những khó khăn tiếp nối.

>>Doanh nghiệp Quảng Nam: Kề vai sát cánh chống dịch

Sau đợt bùng phát của đại dịch COVID-19 vừa qua, việc khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế là yêu cầu cấp thiết của cộng đồng doanh nghiệp tại Quảng Nam. Tuy nhiên, tiến trình phục hồi các doanh nghiệp lại tiếp tục gặp nhiều khó khăn hiện hữu từ việc vật giá leo thang, nguyên nhiên liệu luôn đạt đỉnh cao kỷ lục.

 Khó khăn chồng chất khiến các doanh nghiệp Quảng Nam liên tục kiến nghị các chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh.

Khó khăn chồng chất khiến các doanh nghiệp Quảng Nam liên tục kiến nghị các chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh.

Chí phí nguyên liệu sản xuất tăng chóng mặt

Những yếu tố đến từ chi phí vận hành đã tác động trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp, gây kìm hãm đà tăng trưởng. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp mong mỏi có cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời nhằm bình ổn vật giá trong bối cảnh khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Tấn – Giám đốc Công ty TNHH MTV Tân Long Quảng Nam cho hay vật giá leo thang đã trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp trong thời gian phục hồi, đặt biệt là vật liệu xây dựng và giá xăng, dầu. Theo ông Tấn, sự tăng giá “phi mã” của các mặt hàng này đã khiến doanh nghiệp trong đó là đơn vị thi công phải gánh thêm một khoản chi phí lớn nhưng rất khó để tăng giá trị hợp đồng.

“Số tiền chênh lệch vật giá là quá lớn, điển hình là giá xăng, dầu tăng gần gấp 2 lần so với thời điểm thấp nhất năm 2021. Sau những khó khăn về dịch bệnh, việc vật giá tăng cao dễ khiến doanh nghiệp đuối sức. Mong mỏi lớn nhất của doanh nghiệp là địa phương có những kiến nghị cụ thể đến các cấp thẩm quyền sớm có cơ chế, chính sách bình ổn vật giá, nguyên, nhiên liệu để doanh nghiệp yên tâm phục hồi sản xuất”, ông Nguyễn Văn Tấn cho hay.

Theo ông Trần Quốc Bảo – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Quảng Nam: “Địa phương cần có những cơ chế, chính sách thực tế đối với việc hỗ trợ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Hiện nay, tỉnh Quảng Nam đã có 1 phần mềm tiếp nhận, giải quyết khó khăn của doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp sẽ trực tiếp ý kiến, địa phương sẽ theo dõi và giải quyết. Ngoài ra, các thủ tục, văn bản cũng cần được công khai minh bạch, rút gọn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp”.

>>Doanh nghiệp Quảng Nam chung tay ngăn chặn COVID-19

Quảng Nam triển khai các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp bị tác động bởi COVID-19. Ảnh: Thaco.

Quảng Nam triển khai các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp bị tác động bởi COVID-19. Ảnh: Thaco.

Quảng Nam đã làm gì?

Ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhìn nhận thời gian qua dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ông Bửu cho hay, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và giải thể đều tăng mạnh, về đầu tư thì số dự án cấp mới và vốn đăng ký trong năm 2021 đều giảm mạnh so với năm 2020.

“Trước tình hình đó, UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo và 20 tổ công tác về phục hồi sản xuất, kinh doanh và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Trong đó, Tổ trưởng các Tổ công tác chủ động đến làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp để ghi nhận và giải quyết nhanh những đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, không phải chờ doanh nghiệp mang đơn đến, rồi mòn mỏi chờ đợi để được giải quyết”, ông Hồ Quang Bửu nói.

Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam đã kiến nghị Chính phủ và các cơ quan Trung ương sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế Tiêu thụ đặc biệt, nâng mức giảm tiền thuê đất, xem xét tiếp tục cắt giảm giá điện kinh doanh, giá điện sản xuất cho khu vực doanh nghiệp, các hộ kinh doanh…

“Đồng thời, địa phương cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như giãn, giảm thuế và tiền thuê đất, hỗ trợ về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, giữ nguyên nhóm nợ, chính sách về hỗ trợ giảm tiền điện,..”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói thêm.

Có thể bạn quan tâm

  • Hiệp hội doanh nghiệp Quảng Nam lấy ý kiến hoàn thiện bộ chỉ số DDCI 2021

    Hiệp hội doanh nghiệp Quảng Nam lấy ý kiến hoàn thiện bộ chỉ số DDCI 2021

    11:54, 11/03/2021

  • Doanh nghiệp Quảng Nam:  Kề vai sát cánh chống dịch

    Doanh nghiệp Quảng Nam: Kề vai sát cánh chống dịch

    10:02, 20/03/2020

  • Doanh nghiệp Quảng Nam chung tay ngăn chặn COVID-19

    Doanh nghiệp Quảng Nam chung tay ngăn chặn COVID-19

    22:34, 16/03/2020

  • Hiệp hội doanh nghiệp Quảng Nam ký kết hợp tác đổi mới sáng tạo

    Hiệp hội doanh nghiệp Quảng Nam ký kết hợp tác đổi mới sáng tạo

    22:26, 04/07/2019

  • Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam:  Niềm tin từ cam kết và hành động

    Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam: Niềm tin từ cam kết và hành động

    14:51, 04/01/2019

TUẤN VỸ