KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Giãn, giảm một số loại thuế, phí cho doanh nghiệp
Trước những khó khăn, nhiều doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét giãn, giảm một số loại thuế, phí cho doanh nghiệp…
Theo Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng TP. Hà Nội, tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội. Trong đó, các doanh nghiệp vận tải nói chung, vận tải hành khách công cộng nói riêng đã và đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi sản lượng hành khách, lượt xe, doanh thu sụt giảm, nhưng vẫn phải duy trì nhiều hoạt động.
Trước những khó khăn đã nêu, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng được miễn nộp phí bảo trì đường bộ đến hết năm 2021.
Bên cạnh vận tải hành khách, nhiều doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước cũng kiến nghị được gia hạn thời gian nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đến hết năm 2021 và giảm lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất trong nước đến hết năm 2021 như đã áp dụng trong năm 2020 theo Nghị định 109/2020/NĐ-CP ngày 15/9/2020.
Đồng thời kiến nghị, tiếp tục giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thêm một khoảng thời gian phù hợp như đã áp dụng trong năm 2020 theo Nghị định số 70/2020/NĐ-CP ngày 28/6/2020.
Cũng đứng trước những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) kiến nghị được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng; giảm giá thuê đất đối với các diện tích đất làm nhà kho, xưởng phục vụ thi công, sản xuất; bình ổn giá nguyên vật liệu phục vụ thi công xây dựng các dự án.
Còn Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam kiến nghị được gia hạn thời gian chậm nộp thuế GTGT và thuế sử dụng đất trong 90 ngày mà không bị phạt.
Cùng chung quan điểm của Hiệp hội Xăng dầu, Tập đoàn Lotte cũng kiến nghị miễn giảm thuế trong một thời kỳ nhất định đối với các khoản thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân,… bởi việc hạn chế nhập cảnh cũng như các biện pháp phòng chống COVID-19 đã ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh nên kết quả hoạt động kinh doanh của Tập đoàn tại Việt Nam suy giảm nghiêm trọng.
Còn theo Công ty TNHH Đăng kiểm xe cơ giới 29-17D, do thực hiện giãn cách xã hội nên số lượng các phương tiện giao thông thực hiện đăng kiểm giảm khoảng 70-80% so với trước khi thực hiện giãn cách. Nếu giảm giá dịch vụ đăng kiểm tức là bắt cách doanh nghiệp dịch vụ đăng kiểm gánh bớt khó khăn cho các doanh nghiệp khác và các chủ phương tiện xe cơ giới thì điều đó là không công bằng với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới và không phù hợp với tình hình thực tế.
Từ đó, đơn vị này kiến nghị không thực hiện đề xuất phương án giảm giá dịch vụ đăng kiểm xe cơ giới 10% đối với tất cả các phương tiện xe cơ giới trong thời gian 4 tháng; giảm lệ phí ấn chỉ phần nộp ngân sách Nhà nước đối với tất cả các loại xe (kể cả xe không kinh doanh dịch vụ vận tải); miễn phí sử dụng đường bộ trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đối với tất cả các phương tiện giao thông vận tải.
Có thể bạn quan tâm
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Điều chỉnh thời hạn áp dụng hỗ trợ về thuế cho doanh nghiệp
10:59, 27/09/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Đồng nhất hướng dẫn chính sách thuế nhập khẩu và GTGT
10:56, 27/09/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: TP.HCM chờ quy định riêng mở cửa kinh tế
10:00, 27/09/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Hỗ trợ chi phí phát sinh cho doanh nghiệp khi thực hiện giãn cách
09:56, 27/09/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Gỡ vướng chính sách lãi vay và hoàn thuế GTGT của dự án BOT
08:30, 27/09/2021