Doanh nghiệp Du lịch Hải Phòng và câu chuyện thích ứng chuyển đổi số
Doanh nghiệp du lịch Hải Phòng đang cố gắng phát huy sức mạnh chuyển đổi số, nhằm hỗ trợ ngành du lịch phục hồi và phát triển bền vững trong thời gian tới.
>>>Nam Định: Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số để phát triển sản xuất kinh doanh
Có thể nói, việc áp dụng chuyển đổi số trong kinh doanh du lịch các doanh nghiệp du lịch là một việc làm cần thiết trong bối cảnh hiện tại, khi mà sự phổ biến của Internet, cũng như sự phát triển của các ứng dụng phần mềm du lịch, đã xóa tan thách thức về mặt địa lý, cho phép các công ty và khách hàng tương tác trực tiếp với nhau. Giờ đây, người ta chỉ cần ngồi một chỗ có thể đặt tour, đặt phòng và tìm hiểu về điểm đến trên điện thoại.
Vì vậy, chuyển đổi số không chỉ là một chiến lược tùy chọn mà dần trở thành một bước đi tất yếu, phải được thực hiện để các doanh nghiệp du lịch có đủ năng lực cạnh tranh và đáp ứng sự phát triển không ngừng trong nhu cầu của khách hàng.
Sự chuẩn bị của các doanh nghiệp
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Hà - Giám đốc Công ty Vietravel Hải Phòng cho biết, việc áp dụng chuyển đổi số với Vietravel đã đem lại những thành tựu vượt bậc trong quản lý doanh nghiệp, công việc và nhân sự.
Cũng theo bà Hà, nếu như trước kia, việc lưu trữ danh sách tour, lịch trình, sổ sách, hóa đơn, thông tin khách hàng hầu hết là trên giấy. Bên cạnh đó, việc xây dựng các văn phòng bán tour cũng bắt buộc phải đặt tại vị trí đắc địa để thu hút khách, điều này đã làm giới hạn khoảng cách tiếp cận khách hàng tiềm năng. Giờ đây, việc làm này đã trở nên không cần thiết khi công ty đã áp dụng chuyển đổi số trong việc chăm sóc khách hàng, sử dụng nhiều phương tiện hỗ trợ như điện thoại, email...
Hiện tại, với sự hỗ trợ của quá trình số hóa, các đại lý du lịch đã tận dụng để thực hiện các giao dịch và công bố chi tiết thông tin trong từng giai đoạn của chuyến đi, cho phép khách hàng nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi chuẩn bị xuất phát. Nhiều mong muốn của khách hàng được đáp ứng thông qua việc so sánh giữa các đại lý và kiểm tra phản hồi từ những người dùng trước hay các tính năng quan trọng như đặt vé, đặt chỗ ở, hoặc thậm chí yêu cầu một chuyến tham quan ảo đến điểm đến mong muốn của họ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hải Anh – Giám đốc Công ty TNHH và VT Anh Lộc Phát - H68 chia sẻ, về cơ bản đã áp dụng chuyển đổi số vào trong hoạt động của công ty như đấu thầu trên mạng, hóa đơn điện tử, các thủ tục giấy tờ liên hệ các đơn vị du lịch đối tác đều qua mạng, đặc biệt việc quảng bá kêu gọi đối tác đều chạy trên môi trường số.
Ở góc độ các cơ quan quản lý, ông Phạm Trí Tuyến - Trưởng phòng Du lịch huyện Cát Hải, Hải Phòng đã cho biết, phòng du lịch của huyện đã hoàn thành xong phần mềm quản lý các cơ sở lưu trú trên địa bàn huyện, cài đặt cho hơn 100 cơ sở lưu trú và các tàu nghỉ đêm trên vịnh.
Bên cạnh đó, huyện cũng phối hợp với Sở Du lịch Hải Phòng nhằm phát triển, triển khai các ứng dụng số về du lịch thông minh: Hệ thống thẻ du lịch thông minh, vé điện tử, số hóa toàn bộ điểm đến, sản phẩm du lịch trên địa bàn. Cùng với việc xây dựng bản đồ số du lịch, phát triển ứng dụng thuyết minh du lịch trên thiết bị di động thông minh, thí điểm thực tế ảo trên cổng thông tin du lịch cho các khu di tích, điểm du lịch nổi tiếng và xây dựng app du lịch thông minh cho du khách.
Còn đó những thách thức
Tuy nhiên, có một thực tế là quá trình chuyển đổi số cũng đang đặt ra nhiều thách thức đối với các công ty, đại lý du lịch, cơ sở lưu trú tại Hải Phòng, bởi những khó khăn về như nguồn vốn, trình độ công nghệ thông tin, nguồn nhân lực… Nhiều doanh nghiệp du lịch, mặc dù hiểu được tầm quan trọng sống còn của việc chuyển đổi số nhưng vẫn đang “loay hoay”, không biết bắt đầu từ đâu và làm như thế nào.
Ở vai trò Hiệp hội Du lịch, ông Hoàng Tuấn Anh - PCT Hiệp hội Du lịch Hải Phòng khi trao đổi với DĐDN đã cho rằng, thực ra hoạt động chuyển đổi số hầu hết các doanh nghiệp tại Hải Phòng đã được áp dụng từ lâu, như ứng dụng các phần mềm kế toán, phần mềm quản lý doanh nghiệp. Nhưng, tùy thuộc vào mỗi doanh nghiệp, kể cả những doanh nhiệp có tiềm lực kinh tế cũng chưa làm ngay được vì chuyển đổi số là cả một quá trình, còn tùy mỗi một mô hình hoạt động có mục tiêu thực hiện khác nhau.
Thực tế cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Hải Phòng với phần lớn là vừa và nhỏ, có nguồn lực hạn chế. Bên cạnh đó, Hải Phòng cũng chưa có cơ chế, chính sách trực tiếp để thu hút nguồn lực đầu tư, hỗ trợ phát triển du lịch. Đây được coi là nguyên nhân cốt lõi dẫn đến việc thiếu hụt nguồn lực đầu tư, để tạo sự bứt phá cho du lịch Hải Phòng.
Thêm vào đó, ngay cả những doanh nghiệp lớn cũng đang gặp thách thức trong quá trình chuyển đổi số, thì những doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực du lịch Hải Phòng lại hầu như chưa có sự chuẩn bị nghiêm túc về đội ngũ nguồn nhân lực, nắm bắt nhanh xu hướng du lịch để có giải pháp thích ứng, sẵn sàng tạo ra những sản phẩm du lịch số độc đáo, hiệu quả.
Có thể nói, mặc dù ngành du lịch Hải Phòng đang chủ động chuyển đổi số và tích cực tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với mục tiêu tiến tới hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh gắn kết các chủ thể từ khách du lịch, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý Nhà nước. Nhưng, vẫn còn đó câu chuyện về sự thích ứng của các doanh nghiệp du lịch Hải Phòng trong vấn đề chuyển đổi số.