Thúc đẩy kinh doanh, bảo vệ thương hiệu trền nền tảng số
Ứng dụng chuyển đổi số trong công tác bảo vệ thương hiệu, chống hàng giả đang là bài toán cấp thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế số, đồng thời ngăn chặn những hành vi vi phạm.
>>Ứng dụng chuyển đổi số trong công tác phòng, chống hàng giả
Chuyển đổi số - trong thời gian qua đã và đang dần biến chuyển từ lý thuyết đến thực tiễn trong nhiều hoạt động kinh tế, xã hội toàn cầu. Tại Việt Nam, việc ứng dụng chuyển đổi số vào trong công tác bảo vệ thương hiệu, chống hàng giả đang là bài toán cấp thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế số, đồng thời ngăn chặn những hành vi vi phạm với tính chất phức tạp, tinh vi và quy mô lớn hơn.
Cơ hội và thách thức cho nền kinh tế số
Nhờ sức mạnh của công nghệ thông tin và sự phát triển mạnh mẽ của internet, sự phổ biến của thiết bị điện tử đã mở ra nhiều cách thức tiếp cận, kết nối mới nhanh chóng và đem lại nhiều lợi ích to lớn cho xã hội, mà dễ thấy nhất là lĩnh vực phát triển kinh tế. Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp, người tiêu dùng... tiếp cận toàn bộ thị trường một cách nhanh chóng.
Nếu như với cách tiếp cận hàng hoá truyền thống như ở chợ, tiệm tạp hoá hay siêu thị, hàng hoá trưng bày bị giới hạn ở khu vực địa lý với số người tiếp cận ít, thì với sàn thương mại điện tử, thông qua các nền tảng số, người kinh doanh có thể bán hàng cho hàng triệu người, trên toàn thế giới.
Nhờ sự hỗ trợ của internet cùng các thiết bị điện tử được kết nối mạng, mỗi một người dân có thể trở thành một doanh nghiệp, tiếp cận thị trường nhanh chóng, thậm chí cả thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, sau đại dịch Covid-19, người tiêu dùng Việt Nam dần đã quen thuộc hơn với thói quen mua sắm trực tuyến, mua hàng qua các sàn TMĐT, thậm chí qua các nền tảng trên mạng internet như mạng xã hội, website..
Theo một khảo sát của PwC về nhu cầu của hơn 9000 người tiêu dùng trên 25 quốc gia và vùng lãnh thổ thực hiện vào tháng 8/2022 cho thấy tác động của dịch Covid-19 đã gia tăng tỷ lệ mua hàng trực tuyến của người dùng. Theo đó, có tới 63% người tiêu dùng toàn cầu đã tăng cường mua sắm trực tuyến, trong khi 42% giảm mua sắm tại các cửa hàng truyền thống.
Điều này cho thấy nền kinh tế số đang có sự phát triển mạnh mẽ. Tuy vậy, chuyển đổi số cũng đem đến nhiều thách thức, đặc biệt là với công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Trong bối cảnh kinh doanh qua thương mại điện tử, môi trường số còn diễn ra phức tạp, nhu cầu của người dân mua hàng trên không gian mạng gia tăng, nhiều đối tượng đã lợi dụng để bán hàng cấm, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, do thiếu cơ sở pháp lý, công cụ, việc xác minh hành vi vi phạm trên không gian mạng, truy tìm xử lý vụ việc, đặc biệt là các vụ kinh doanh thông qua ứng dụng mạng xã hội còn gặp nhiều khó khăn.
Do tính chất dễ dàng tiếp cận hàng hoá, nhiều đối tượng vi phạm không cần thiết lập kho hàng ở các thành phố lớn như trước kia mà có thể ở bất kỳ nơi đâu, điều này cũng gây ra rất nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng trong kiểm tra, xử lý.
>>Hệ thống xác thực hàng chính hãng qua QRCode giúp chống hàng giả, hàng nhái
Cần có giải pháp chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu nền tảng số
Có thể thấy, chuyển đổi số đang đem lại cơ hội cho việc thúc đẩy kinh doanh, mở rộng thị trường nhưng cũng đồng thời đặt ra một bài toán về bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm trên môi trường internet.
Để hỗ trợ cho công tác chống hàng giả trên môi trường internet, các doanh nghiệp cần đầu tư, trang bị các công cụ được xây dựng trên nền tảng số, từ đó thực hiện các công tác như: kết nối và bán hàng cho khách hàng qua các kênh chính hãng trên internet như website riêng đã được xác thực từ cơ quan chức năng; có công cụ kiểm soát được đường đi của sản phẩm khi lưu thông trên thị trường, quản lý kinh doanh của các chi nhánh, đại lý đồng thời hợp tác chặt chẽ với cơ quan chức năng và cơ quan truyền thông để kịp thời xử lý khi xảy ra sự việc.
Trong đó, xây dựng các công cụ số để kiểm soát hàng hoá lưu thông, giúp người tiêu dùng nhanh chóng nhận diện hàng chính hãng, phân biệt hàng thật là cách trực tiếp nhất để chống hàng giả, hàng nhái trên nền tảng số. Đặc biệt, khi xây dựng hệ thống quản lý hàng hoá và chống hàng giả nền tảng số, các số liệu được ghi nhận liên tục trong quá trình vận chuyển và giao dịch với khách hàng cũng sẽ là căn cứ để giúp người tiêu dùng tin tưởng vào chất lượng sản phẩm khi gặp phải “thông tin xấu” không chính xác về sản phẩm, thương hiệu mình.
Nhờ internet, mạng xã hội, thông tin hiện rất dễ lan đi, tạo ảnh hưởng nhanh chóng và nhiều khi là khó kiểm soát. Chỉ trong một đêm, hiệu ứng truyền thông trên mạng xã hội có thể đem lại tác động tích cực cho thương hiệu, nhưng nó cũng có thể “dìm chết” một nhãn hàng nếu đó là thông tin xấu do các đối thủ đưa ra.
Người tiêu dùng nếu không có đủ cơ sở để tin đã mua đúng sản phẩm chính hãng, phân biệt với hàng giả, hàng nhái, rất dễ bị các đối tượng “dắt mũi” và sức khoẻ thương hiệu dày công bao năm chăm sóc, vun đắp của doanh nghiệp rất dễ bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong thời gian rất ngắn.
Để thực hiện chuyển đổi số trong công tác chống hàng giả hiệu quả cần có sự chung tay từ 4 phía, đó là: cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng và cơ quan truyền thông, báo đài.
Cơ quan Quản lý Nhà nước cần bổ sung, hoàn thiện pháp lý để phù hợp với môi trường internet, tăng cường năng lực cán bộ khi sử dụng các công cụ áp dụng công cụ thông tin để phát hiện, điều tra, xử lý vi phạm. Doanh nghiệp cần có cái nhìn tổng quan trên môi trường số, tầm nhìn thương hiệu không chỉ gói gọn ở thị trường trong nước mà ở phạm vi toàn cầu, xây dựng các hệ thống, công cụ số để quản trị hàng hoá, hỗ trợ khách hàng phân biệt hàng thật hàng giả.
Về phía người tiêu dùng, cần tăng cường kiến thức về sử dụng các giải pháp phân biệt hàng chính hãng, tìm hiểu kỹ thông tin khi mua sắm, lưu giữ các hoá đơn, chứng từ cần thiết để tự bảo vệ quyền lợi của mình khi xảy ra sự việc.
Đặc biệt, về phía các cơ quan báo đài cần truyền thông mạnh mẽ hơn nữa về những nguy hại của hàng giả tới doanh nghiệp, xã hội và cộng đồng cũng như phổ biến kiến thức rộng rãi để giúp tiêu dùng mua được hàng thật, hàng chất lượng, hàng đúng giá.
Ngày 03/6/2020, Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030. Chương trình được Chính phủ phê duyệt nhằm hướng đến mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Quyết định số 505/QĐ-TTg, lựa chọn lấy ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia, nhằm tăng cường nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số cũng như thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.
Có thể bạn quan tâm
Ứng dụng chuyển đổi số trong công tác phòng, chống hàng giả
14:00, 09/12/2022
Hệ thống xác thực hàng chính hãng qua QRCode giúp chống hàng giả, hàng nhái
21:55, 14/10/2022
Hành trình chống hàng giả bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp
03:00, 13/10/2022
Chống hàng giả - Cần nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp
03:50, 26/09/2022
Doanh nghiệp ngành dược cần đẩy mạnh chuyển đổi số để chống hàng giả, hàng nhái
14:05, 22/09/2022
Chống hàng giả trên thương mại điện tử: Cần nâng cao vai trò của chủ sàn
04:10, 10/05/2022
Bảo vệ thương hiệu trong kinh doanh nhượng quyền
03:30, 04/12/2022
Bài học thương hiệu: Lời xin lỗi triệu đô!
04:29, 21/01/2023
Định vị thương hiệu bằng kinh doanh có trách nhiệm
13:30, 08/01/2023