Đó là nhận định của các đại biểu và chuyên gia tại Hội thảo “Thuốc giả và thực phẩm chức năng giả - Hiện trạng và giải pháp”, do Viện phát triển doanh nghiệp VCCI tổ chức.
>>> Cam go cuộc chiến chống hàng giả
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Lê Thị Thu Thủy – Phó Viện trưởng, Viện phát triển Doanh nghiệp VCCI cho biết, tình trạng về hàng giả, hàng nhái vẫn tồn tại trong những năm qua, không những gây thiệt hại cho các doanh nghiệp, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, mà còn phá vỡ môi trường kinh doanh cũng như uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo bà Thu Thủy, lợi dụng sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch COVID-19, cùng với nhu của người dân tăng cao trong giai đoạn vừa qua đối với các sản phẩm thiết yếu như khẩu trang y tế, thiết bị y tế, chất khử khuẩn, các sản phẩm trong phòng, chống dịch COVID-19… các đối tượng làm hàng giả đã tích cực thực hiện gây nhức nhối cho xã hội.
Đồng thời, các đối tượng sản xuất kinh doanh hàng giả cũng đã ứng dụng những công nghệ cao, do đó, các sản phẩm giả, nhái được sản xuất ngày càng lớn, với chất lượng ngày càng tinh vi hơn, gây khó cho người tiêu dùng cũng như các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, giám sát.
“Việc làm giả và lưu hành các sản phẩm giả đã tác động trực tiếp và tiêu cực đến các thương hiệu uy tín, gây ra những tác hại rất lớn đối với doanh nghiệp như mất uy tín về thương hiệu, mất doanh thu và thị phần trên thị trường. Sự xâm chiếm của hàng giả, khiến sản phẩm của các doanh nghiệp không thể tiếp cận được các đối tác, khách hàng tiềm năng cũng như mất khả năng đổi mới. Bởi cứ đưa sản phẩm ra thị trường thì lại bị làm giả, dẫn đến việc người tiêu dùng sẽ hiểu nhầm đối với các sản phẩm thương hiệu của các doanh nghiệp chân chính, gây tổn hại và khó khăn cho các doanh nghiệp”, bà Lê Thị Thu Thủy chia sẻ.
Theo bà Lê Thị Thu Thủy, TP.HCM là một trung tâm kinh tế lớn của cả nước, với gần 400.000 doanh nghiệp đang hoạt động, cùng hàng trăm nghìn hộ kinh doanh cá thể. Hoạt động kinh tế sôi động đã kéo theo tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại diễn ra phức tạp hơn so với các địa phương khác trên cả nước.
Bà Thủy cho biết, ngày 21/9 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã làm việc với Bộ Y tế về việc xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp dược và dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu lớn nhất của chiến lược này sẽ đảm bảo đủ thuốc tốt và giá cả hợp lý cho người dân.
Bộ Y tế cũng cho biết, tốc độ tăng trường bình quân của ngành công nghiệp dược cũng tăng trưởng từ 10 – 12%/năm. Tuy nhiên, bà Thủy cho rằng, những quy định về quyền sở hữu trí tuệ, chống hàng giả, hàng nhái vẫn còn gây rất nhiều lo ngại cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
“Trong bối cảnh đó, việc nhận diện những thách thức cũng như chủ động tìm kiếm các giải pháp bảo vệ thương hiệu, chất lượng sản phẩm đã trở thành ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần thúc đẩy mạnh hơn nữa việc chuyển đổi số trong hoạt động chống hàng giả ở một cấp độ cao hơn, ứng dụng công nghệ và đáp ứng được các xu hướng chuyển đổi số kinh tế toàn cầu như hiện nay”, bà Lê Thị Thu Thủy nhấn mạnh.
Ông Phạm Văn Thọ - Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ chống hàng giả Việt Nam cho rằng, thuốc và thực phẩm chức năng có ý nghĩa rất to lớn trong đời sống con người, là loại sản phẩm mà con người đưa trực tiếp vào cơ thể của mình để chữa bệnh và bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể để giảm nguy cơ bệnh tật. Nhưng nếu sử dụng phải thuốc và thực phẩm chức năng giả không những không có tác dụng mà còn nguy hại đến sức khỏe và tính mạng.
Theo ông Thọ, vấn đề thuốc giả và thực phẩm chức năng giả đã tồn tại rất lâu trong đời sống xã hội, gây ra không biết bao nhiêu hệ lụy và đang diễn ra với quy mô ngày càng lớn và công nghệ ngày càng tinh xảo.
Ông cho rằng, các hành vi gian lận sản phẩm trong lĩnh vực y tế này đặt ra nhiều thách thức trong công tác phòng chống, nhưng các giải pháp để chống lại vấn nạn này đến nay vẫn chưa có hiệu quả cao.
“Cùng với sự phát triển của công nghệ hiện nay nói chung và công nghệ số áp dụng trong việc chống giả có rất nhiều ưu điểm. Khi doanh nghiệp đã áp dụng các giải pháp công nghệ vào việc chống hàng giả thì việc sản xuất hàng giả rất khó khả năng xảy ra trên quy mô lớn”, ông Thọ chia sẻ.
Cũng theo ông Thọ, hiện nay, Trung tâm công nghệ chống hàng giả Việt Nam đang áp dụng Giải pháp Truedata để đồng hành cùng doanh nghiệp chống hàng giả. Ông đánh giá, đây là giải pháp rất tối ưu, tiện lợi và tiết kiệm.
“Giải pháp Truedata là một giải pháp kỹ thuật được kết hợp giữa dạng sản phẩm và dạng quy trình, Truedata hoạt động trên nguyên lý thu thập và bảo vệ các dữ liệu. Dữ liệu bao gồm các thông tin lên quan đến nguồn gốc, xuất xứ, quá trình lưu hành sản phẩm. Dữ liệu được thu thập một các tự động trên đường đi của sản phẩm”, ông Thọ thông tin.
>>>Bảo hiểm cho công nghệ chống hàng giả giá 5.000 đồng: PTI đang mạo hiểm?
Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng giả, hàng nhái trên thị trường, đặc biệt trong lĩnh vực thuốc và thực phẩm chức năng hiện nay, ông Nguyễn Đức Lê – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho rằng, có 6 nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng giả, hàng nhái diễn biến ngày càng phức tạp, mặc dù các cơ quan quản lý đã có nhiều giải pháp để ngăn chặn.
Thứ nhất, lợi nhuận của hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ là rất lớn, đặc biệt là với nhóm Thuốc và Thực phẩm chức năng.
Thứ hai, ý thức của người tiêu dùng chưa cao. Vẫn tự ý mua thuốc không qua kê đơn tại các hiệu thuốc hoặc trên các chợ mạng.
Thứ ba, do thương mại điện tử phát triển vượt bậc dẫn đến các đối tượng lợi dụng để bán hàng giả, xâm phạm quyền SHTT.
Thứ tư, việc giám định thuốc hoặc thực phẩm chức năng đòi hỏi kinh phí lớn và thời gian dài để thẩm tra, xác minh.
Thứ năm, sự vào cuộc của các doanh nghiệp, Hiệp hội có liên quan còn chưa cao, chưa đồng bộ, xuyên suôt.
Thứ sáu, lực lượng quản lý thị trường cần được đào tạo chuyên sâu về kiến thức liên quan đến thuốc và thực phẩm chức năng cũng như các thông tin kịp thời về thuốc, thực phẩm chức năng giả hoặc xâm phạm quyền.
Từ những nguyên nhân trên, ông Nguyễn Đức Lê nêu những kiến nghị nhằm hạn chế hàng giả, hàng nhái trên thị trường:
Một là, Bộ Y tế và các Bộ, ngành có liên quan cùng với các doanh nghiệp phải có sự đồng lòng, chung tay góp sức trong hoạt động chống thuốc, thực phẩm chức năng giả, xâm phạm quyền SHTT.
Hai là, cần có sự tham gia quyết liệt của các Hiệp hội có liên quan phối hợp với doanh nghiệp trong đấu tranh chống thuốc, thực phẩm chức năng giả, xâm phạm quyền SHTT.
Ba là, cần phải có những công cụ, giải pháp được pháp luật thừa nhận để có thể hỗ trợ cho lực lượng Quản lý thị trường khi thực thi nhiệm vụ, có cơ sở để đánh giá, xác minh độ thật giả của của sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng lưu thông trên thị trường.
Bốn là, cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người tiêu dùng không tự ý mua thuốc không qua kê đơn tại các hiệu thuốc hoặc trên các chợ mạng.
Năm là, doanh nghiệp, người tiêu dùng phát hiện thuốc, thực phẩm chức năng giả, xâm phạm quyền SHTT, hãy phản ánh ngay đến lực lượng Quản lý thị trường thông qua số đường dây nóng đăng tải tại địa chỉ dms.gov.vn để tiếp nhận và xử lý kịp thời.
Có thể bạn quan tâm
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
20:21, 13/09/2022
“Triệt” hàng giả trên chợ “online”
03:30, 11/09/2022
Hệ thống xác thực hàng chính hãng QRCode: Giải quyết “vấn nạn” hàng giả, hàng nhái
00:06, 06/09/2022
Số hóa giúp ngân hàng giao dịch xuyên lễ
04:27, 02/09/2022
Công nghệ cao chống công nghệ hàng giả
00:28, 29/08/2022
Bảo hiểm cho công nghệ chống hàng giả giá 5.000 đồng: PTI đang mạo hiểm?
00:00, 27/08/2022