Huyện Lâm Bình: Phát triển du lịch thông minh là hướng đi đột phá
Ông Nguyễn Văn Hiền – Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang cho rằng, phát triển du lịch thông minh là xu thế tất yếu trong kỷ nguyên số, đồng thời xác định đó là hướng đi đột phá.
>>Nhiều giải pháp kích cầu du lịch Tuyên Quang
- Du lịch Việt Nam đã chính thức mở cửa, huyện Lâm Bình có những sản phẩm du lịch nổi bật gì nhằm thu hút du khách đến với địa phương?
Hiện nay, sản phẩm du lịch thế mạnh của Lâm Bình là du lịch sinh thái. Bởi Lâm Bình hiện đang sở hữu một lòng hồ được mệnh danh là một trong những lòng hồ đẹp nhất Việt Nam được bao bọc bởi hệ thống rừng nguyên sinh hầu như còn nguyên sơ, với hàng nghìn cây gỗ nghiến cổ thụ đường kính từ 2-3m.
Hệ thống những thác nước xuất phát từ rừng nguyên sinh chảy quanh năm và một hệ thống hang động với những lớp đá trầm tích của lòng hồ Tuyên Quang để lại, tạo cho du khách một cảm giác thư giãn thoải mái khi đến với du lịch sinh thái của Lâm Bình, Tuyên Quang.
Một sản phẩm du lịch nữa mà chúng tôi đang triển khai thực hiện đó là biến văn hóa của 12 dân tộc thiểu số của huyện Lâm Bình thành một sản phẩm du lịch đặc trưng. Qua đó sẽ giúp bảo tồn văn hóa các dân tộc một cách bền vững. Đến với Lâm Bình, du khách sẽ được hòa mình vào trong bản sắc văn hóa của từng dân tộc, từ trang phục, tiếng nói, nghi lễ truyền thống, lễ hội, ẩm thực…tạo nên một nét rất riêng và hấp dẫn.
Ngoài ra, chúng tôi cũng có những sản phẩm du lịch khác như du lịch mạo hiểm, khám phá vòng cung sông Gâm, một trong 4 cánh cung đón gió từ cao áp Sibia (Nga) tạo cho miền Bắc có 1 mùa đông lạnh. Trên vòng cung đó ẩn chứa bao điều kỳ thú. Du khách sẽ được ngắm voọc đen má trắng, trekking rừng đại ngàn nguyên sinh của địa phương có tỷ lệ che phủ rừng lớn nhất toàn quốc, trải nghiệm những con thác đẹp nhất Việt Nam với hàng ngàn chú cá mát sa miễn phí,... những hang động nguyên sơ chưa có dấu chân của con người.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng liên kết với các huyện như Na Hang, Chiêm Hóa, TP Tuyên Quang hay huyện Sơn Dương để có những sản phẩm du lịch về lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng…
>>Du lịch Tuyên Quang đẩy mạnh liên kết "hút" khách nội địa
- Sau một thời gian dài “đóng băng” vì đại dịch COVID-19, khi mở cửa trở lại ngành du lịch Lâm Bình đã đối diện với những khó khăn gì, thưa ông?
Sau một thời gian nghỉ do dịch COVID-19, các cơ sở vật chất cũng như những kỹ năng làm du lịch của người dân có phần chững lại. Tâm lý e dè sau đại dịch vẫn còn hiện hữu trong một bộ phận du khách cũng như những người làm du lịch. Hơn nữa, người dân làm du lịch phần lớn là không chuyên nghiệp lại phải nghỉ dài ngày nên các kỹ năng cũng như kinh nghiệm làm du lịch ít nhiều cũng đã bị mai một.
Để giải quyết những khó khăn này, một mặt chúng tôi tăng cường tuyên truyền để du khách cũng như người dân làm du lịch thấu hiểu hơn để thích ứng an toàn với dịch bệnh. Đồng thời mở các lớp đào tạo hướng dẫn để người dân nhớ lại những kỹ năng làm du lịch mà trước đây họ đã từng làm. Bên cạnh những kỹ năng cũ, chúng tôi cũng hướng dẫn thêm những kỹ năng mới để người dân làm du lịch thích ứng trong điều kiện dịch COVID-19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp và khó lường như hiện nay.
- Hiện nay, du lịch thông minh đang là xu hướng mà nhiều địa phương lựa chọn. Ông nghĩ sao về xu hướng này, kế hoạch của Lâm Bình đối với du lịch thông minh như thế nào thưa ông?
Theo tôi, việc phát triển du lịch thông minh trong kỷ nguyên số hiện nay là một xu thế tất yếu hiện nay. Mặc dù là một huyện vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn xác định đó là một hướng đi đột phá nhằm quảng bá, giới thiệu với du khách để du khách khi đến đây không có cảm giác là một vùng sâu, vùng xa. Đây cũng là hướng đi mà ngành du lịch Lâm Bình đang tập trung triển khai.
Hiện tại chúng tôi cũng đang xây dựng thí điểm 2 làng du lịch thông minh ở 2 điểm du lịch cộng đồng của huyện Lâm Bình là làng văn hóa Nặm Đíp và làng văn hóa Nà Tông. Hiện đã hoàn thiện ở bước cập nhập cơ sở dữ liệu, làm kho tư liệu chung để chuyển lên những công cụ nhằm giới thiệu, quảng bá một cách bài bản và hệ thống đến với khách du lịch. Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục hướng dẫn người dân những kỹ năng vận hành công nghệ để người dân và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đều có thể tham gia vào quá trình công nghệ hóa này.
- Liên kết du lịch đang là mấu chốt để du lịch các địa phương phát triển bền vững. Lâm Bình đã thực hiện chiến lược này như thế nào thưa ông?
Tôi cho rằng, liên kết du lịch là một vấn đề tất yếu bắt buộc phải thực hiện. Việc kết nối giữa các địa phương là nhằm bổ sung những sản phẩm du lịch của từng địa phương và để các sản phẩm du lịch theo cung đường, tour tuyến được hoàn thiện, đồng thời sẽ phục vụ du khách dài hơn để du khách có những trải nghiệm thú vị hơn.
Chúng tôi cũng đã chủ động liên kết với các địa phương gần để xây dựng một tour tuyến khép kín, nhằm thúc đẩy phát triển du lịch giữa các địa phương. Mỗi địa phương có một thế mạnh khác nhau về sản phẩm du lịch, nên du khách sẽ được trải nghiệm một tour khép kín từ Hà Giang xuôi về Lâm Bình, Na Hang, rồi sang Ba Bể, Bắc Kạn và lên Cao Bằng, tạo nên một tour, cung mà du khách hay gọi với một cái tên rất mới, đó là cung du lịch Đông Bắc.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Có thể bạn quan tâm