Du lịch Tuyên Quang “cất cánh”

Bình An 26/09/2018 15:18

Là một trong 4 lĩnh vực mang tính “đột phá”, kinh tế du lịch Tuyên Quang đã và đang có những bước chuyển mình ngoạn mục, trở thành điểm đến của đông đảo du khách trong và ngoài nước.

p/Đêm hộibr class=

Đêm hội Thành Tuyên - ẢNH: NGỌC CHIẾN

Ông Nguyễn Vũ Phan, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang cho biết,Tuyên Quang là vùng đất giàu tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, nhất là các sản phẩm du lịch lịch sử, văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch lễ hội, du lịch tâm linh… Đặc biệt, hệ thống di tích lịch sử cách mạng, hạt nhân là Khu di tích lịch sử quốc gia Tân Trào đã và đang trở thành điểm đến của đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Tín hiệu lạc quan

Xác định phát triển kinh tế du lịch là một trong 3 khâu đột phá của tỉnh, những năm qua, Tuyên Quang đã chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch. Trên địa bàn tỉnh hiện đã hình thành một số khu, điểm du lịch thu hút khách, như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm, Khu du lịch sinh thái Na Hang, Khu di tích thắng cảnh Động Tiên, Khu du lịch sinh thái Lâm Bình, Khu du lịch sinh thái Bản Ba…

Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại - du lịch, như kết nối các tua, tuyến du lịch Trung Quốc - Hà Giang - Khu du lịch sinh thái Na Hang; TP HCM - Hà Giang - Tuyên Quang; Hà Nội - Tân Trào - Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm - Khu du lịch sinh thái Na Hang… du lịch Tuyên Quang đang trở lên hấp dẫn hơn, du khách đến với Tuyên Quang mỗi năm một tăng. Nếu như năm 2017 ngành Du lịch Tuyên Quang đón 1,5 triệu khách du lịch thì chỉ nửa đầu năm 2018, tại các điểm du lịch đã đón hơn 1,1 triệu lượt du khách, đạt 68,1% kế hoạch.

Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa

Hiện nay, Tỉnh Tuyên Quang có 43 lễ hội, trong đó có 24 lễ hội dân gian, 2 lễ hội lịch sử cách mạng, 13 lễ hội tôn giáo và 4 lễ hội văn hóa du lịch. Trong số này có nhiều lễ hội văn hóa truyền thống mang bản sắc riêng, có sức lan tỏa lớn, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Trong đó, Nghi lễ Then và Lễ hội Lồng tồng của người Tày, hát Páo dung và Lễ cấp sắc của người Dao, hát Soọng cô của người Sán Dìu đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc biệt, Tuyên Quang đang cùng với các tỉnh có di sản Then Tày - Nùng - Thái hoàn thành hồ sơ trình Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

  Thay vì tổ chức các hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư chung chung, tỉnh Tuyên Quang đã tập trung vào việc vận động các doanh nghiệp có uy tín, thương hiệu trong nước đầu tư vào những dự án trọng điểm.

Tuyên Quang đã bước đầu xây dựng được thương hiệu du lịch của riêng mình thông qua “Lễ hội thành Tuyên” diễn vào Trung thu hàng năm. Lễ hội đã trở thành điểm nhấn trong việc thu hút khách du lịch đến với Tuyên Quang. Năm 2018, Lễ hội Thành Tuyên có nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc như: Trưng bày, giới thiệu ẩm thực, sản phẩm du lịch của Tuyên Quang; Triển lãm, giới thiệu, trưng bày ảnh, hiện vật di sản văn hóa; Tọa đàm "Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gắn với phát triển du lịch"; Tuần Văn hóa - Du lịch vùng cao Na Hang; Liên hoan hát Then - đàn Tính; Chương trình biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp phục vụ nhân dân…

p/Lễ hội Đền Hạ

Lễ hội Đền Hạ

Hấp dẫn các nhà đầu tư

Ở góc độ nhà đầu tư, hiện nay, một số nhà đầu tư chiến lược đã thực hiện các dự án phát triển du lịch, xây dựng cơ sở lưu trú đạt chất lượng cao tại Tuyên Quang... Bởi thay vì tổ chức các hoạt động xúc tiến, vận động doanh nghiệp bằng hình thức kêu gọi đầu tư chung chung, tỉnh Tuyên Quang đã tập trung vào việc vận động các nhà đầu tư lớn, có uy tín năng lực thật sự và có thương hiệu trong nước đầu tư vào những dự án trọng điểm. Nhiều dự án lớn về du lịch đang được triển khai xây dựng, tiêu biểu như Tập đoàn Vingroup đầu tư khu nghỉ dưỡng Vinpearl Tuyên Quang; khách sạn Mường Thanh của Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh đã hoàn thành và đưa vào khai thác; dự án khu du lịch nghỉ dưỡng và tắm khoáng Mỹ Lâm của Công ty du lịch dịch vụ Hà Phú; Dự án trung tâm lữ hành và dịch vụ du lịch Tuyên Quang của Công ty TNHH Thành Tín.

Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, song cơ sở vật chất và hạ tầng du lịch của tỉnh vẫn thiếu các khu vui chơi giải trí, khách sạn từ 3 sao trở lên,... Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch phần nhiều có quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu, chưa đủ sức vươn ra thị trường trong nước và quốc tế.
Để du lịch Tuyên Quang phát triển, tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016 - 2020; Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Tân Trào; Bảo tồn, phục dựng và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020 huyện Lâm Bình... Qua đó, đã chú trọng công tác sưu tầm, khôi phục và bảo tồn, giữ gìn văn hóa vật thể, phi vật thể, những phong tục tập quán đặc sắc của đồng bào các dân tộc như tiếng nói, làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ, trang phục truyền thống, lễ hội, trò chơi dân gian, nhà sàn...

Mới đây, Chính phủ đã có Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Tân Trào đến năm 2030. Theo đó, sẽ huy động mọi nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật du lịch, các sản phẩm du lịch, các tuyến du lịch nội vùng, liên huyện, liên tỉnh và quốc tế... Đặc biệt, với việc đẩy mạnh các hoạt động thu hút nhà đầu tư lớn đến với Tuyên Quang là cơ sở quan trọng, tạo “bệ phóng” để ngành công nghiệp không khói Tuyên Quang vươn xa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Du lịch Tuyên Quang “cất cánh”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO