Đất đai và “bạch tuộc” tham nhũng (Bài 2): Những “mánh khóe” trục lợi
Đất đai được ví như miếng mồi ngon của các quan chức tham nhũng. Chưa bao giờ nạn tham nhũng, gây thất thoát lãng phí được phát hiện, xử lý nhiều như những năm vừa qua…
>>Đất đai và “bạch tuộc” tham nhũng (Bài 1): Đất công thành “đất ông”!
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin trong bài viết trước, đất đai trước nay luôn nằm trong “vòng ngắm” của đủ kiểu làm ăn chộp giật. Chạy dự án, tự vẽ ra dự án, phân lô bán nền, biến báo đủ trò nên nhiều kẻ đã ngã sõng soài vì đất. Chưa bao giờ quan chức các cấp bị kỷ luật nhiều đến thế, tất cả cũng đều dính đến đất đai công sản. Đất là “màu” là “mỡ” đầy sức hút như “ma lực”, nên hàng chục, hàng trăm cán bộ từ nhỏ đến lớn phải tra tay vào còng số 8.
Cứ thế, hàng trăm nghìn mét vuông đất công ở những vị trí đắc địa được định giá rẻ mạt, bị tư nhân thâu tóm một cách dễ dàng và sử dụng sai mục đích, đáng nói, dù câu chuyện này đã được bàn đi bàn lại rất nhiều lần nhưng có vẻ như đất công vẫn đang tiếp tục bị "chảy máu". Những doanh nghiệp được ví như bạch tuộc, đã dùng chiêu trò gì để "hút máu" đất dễ dàng như vậy?
“Bắt tay”để đổi chác
Có thể nói vụ sai phạm liên quan đến đất đai gây bức xúc xã hội lớn nhất ở TP Hồ Chí Minh hiện nay là dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận, sai phạm dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2, TP Hồ Chí Minh) liên quan trách nhiệm trực tiếp của ông Tất Thành Cang trong thời gian giữ cương vị Thành ủy viên, Ủy viên UBND TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh.
Theo đó, ông Tất Thành Cang đã vi phạm quy định pháp luật về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng trong việc ký quyết định phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) với nhà đầu tư xây dựng một số tuyến đường chính trong khu đô thị mới. Việc ông Tất Thành Cang đại diện cho UBND TP Hồ Chí Minh ký kết với nhà đầu tư làm dự án là không đúng thẩm quyền.
Ngoài các sai phạm tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng chỉ ra sai phạm của ông Tất Thành Cang trong việc bán đất công sản tại Khu dân cư Phước Kiển, huyện Nhà Bè. Theo xác định của Thành ủy TP Hồ Chí Minh, khu đất 32ha giao cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai hiện đã được đền bù, là tài sản thuộc Văn phòng Thành ủy TP Hồ Chí Minh, do Công ty Tân Thuận quản lý.
Việc ký hợp đồng chuyển nhượng cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai đất công sản không đúng thẩm quyền đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định có vai trò, trách nhiệm, lẫn sai phạm của cá nhân ông Tất Thành Cang…
Người được xác định phải chịu trách nhiệm chính liên quan đến sai phạm trong dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận là Nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Lê Thanh Hải.
Cùng với ông Hải còn kéo theo nhiều cán bộ chủ chốt của Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010-2015, Ban cán sự Đảng UBND TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2011-2016. Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận, Ban Thường vụ Thành ủy và Ban cán sự Đảng UBND TP Hồ Chí Minh đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện dự án đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của một bộ phận nhân dân, gây bức xúc trong xã hội.
Trong đó, ông Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy. Theo hồ sơ, năm 1996, Khu đô thị mới Thủ Thiêm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 367, quy mô 930ha, gồm: Khu đô thị mới 770ha và Khu tái định cư 160ha nằm giáp ranh, thuộc địa bàn phường An Khánh, An Lợi Đông, Bình An, Bình Khánh và Thủ Thiêm (quận 2).
Ngày 22/3/2002, Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh có văn bản truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh bấy giờ là Lê Thanh Hải, điều chỉnh diện tích khu trung tâm Thủ Thiêm, trong đó có việc chỉ đạo, bố trí từ 3-4 địa điểm khu tái định trên địa bàn quận 2. Từ chỉ đạo của ông Lê Thanh Hải đã “biến” thành 6 địa điểm khu dân cư, đẩy người dân bị giải tỏa đi xa, có những nơi cách trung tâm Khu đô thị Thủ Thiêm gần 15 km như phường Thạnh Mỹ Lợi, phường Cát Lái…
Rồi cũng từ đó, tại các phường Bình Khánh, An Phú, An Khánh gần trung tâm Thủ Thiêm, được “biến hoá” thành những chung cư cao tầng với quy mô 12.500 căn hộ. Như vậy, 160ha đất tiếp giáp khu trung tâm Thủ Thiêm lẽ ra bố trí tái định cư cho người dân, UBND TP Hồ Chí Minh giao cho các “đại gia” làm dự án thương mại…
Điều này trái quy định của Thủ tướng Chính phủ. Cũng từ thay đổi theo hướng có lợi cho doanh nghiệp và khó khăn cho dân nên gây bức xúc, phẫn nộ của người dân bị giải tỏa, kéo dài đến giờ vẫn chưa giải quyết xong…
>>Hàng loạt vi phạm pháp luật về đất đai tại Ninh Bình
“Núp bóng” tình báo công an
Núp bóng quan chức hay cơ quan dân sự cũng là chiêu thức… quá cũ. Vụ án Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) mượn danh nghĩa tình báo công an và bình phong là 2 công ty của ngành công an để trục lợi cá nhân cho thấy lỗ hổng rất lớn ở khâu tuyển dụng, kiểm soát trong ngành này.
Vốn là “đại gia” bất động sản tại Đà Nẵng, tháng 10/2009, Vũ “nhôm” được tuyển dụng vào ngành công an, rồi từng bước được thăng lên tới hàm thượng tá.
Lọc lõi trong nghề bất động sản, lại có được bình phong, tại nhiều tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, TP.HCM, Vũ “nhôm” chỉ dùng “chiêu” quen thuộc là xin thuê, chuyển quyền sử dụng đất phục vụ… ngành, dưới sự trợ lực của một số cá nhân công tác tại Bộ Công an. Sau khi được giao đất, Vũ lập tức sang tên sổ đỏ từ công ty bình phong sang cá nhân mình hoặc công ty con rồi bán, cho thuê trục lợi.
Năm 2009, Vũ lấy danh nghĩa tổ chức bình phong Công ty CP Bắc Nam 79 để xin chính quyền Đà Nẵng cho mua gần 200 m2 nhà đất tại số 319 - Lê Duẩn “phục vụ hoạt động nghiệp vụ”. UBND TP. Đà Nẵng duyệt bán diện tích này cho Vũ với giá 6,2 tỷ đồng. Khi công ty bình phong được cấp sổ đỏ nhà đất trên, Vũ sang tên cá nhân và cho thuê. Cơ sở nhà đất này sau đó được thẩm định lại, giá trị thị trường lên tới hơn 31 tỷ đồng.
Tại TP.HCM, Vũ cũng sử dụng công ty bình phong đề nghị chính quyền Thành phố cho thuê, giao đất để… phục vụ an ninh. Tất nhiên, Vũ không thể “quên” quan hệ với lãnh đạo chính quyền TP.HCM.
Kết quả, 3 lô đất vàng công sản với diện tích hơn 5.800 m2 ở TP.HCM (số 15 - Thi Sách; số 8 - đường Nguyễn Trung Trực và số 129 - Pasteur) rơi vào tay Vũ với giá “bèo bọt”.
Tổng cộng, Vũ “nhôm” đã thâu tóm khoảng 36 địa chỉ nhà, đất công sản với tổng diện tích khoảng 63 ha tại TP.HCM và Đà Nẵng, gây thiệt hại hàng chục ngàn tỷ đồng ngân sách.
Với những vụ thâu tóm đất công, Vũ “nhôm” đã khiến hàng loạt quan chức cao cấp từ trung ương tới địa phương rơi vào vòng lao lý, gồm Bùi Văn Thành, cựu trung tướng - Thứ trưởng Bộ Công an; Trần Việt Tân, cựu thượng tướng - Thứ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Hữu Tín, cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM và 3 quan chức cấp sở, phòng của TP.HCM; 2 cựu Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng (Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến) cùng 12 quan chức sở, ngành.
Đó là những vụ án “nóng” được dư luận đặc biệt quan tâm. Tuy mỗi điều kiện, hoàn cảnh phạm tội và vi phạm khác nhau nhưng có chung điểm là các cá nhân có chức quyền bị các “đại gia” câu kết để “biến” công sản thành tài sản tư, nhằm hưởng lợi.
Theo chuyên gia Kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, hiện nay đang tồn tại thực trạng đất công rơi vào tay của tư nhân hoặc người có tiền một cách dễ dàng, đơn giản. Đây không phải câu chuyện mới, những mảnh đất nằm ở vị trí đắc địa gọi là “đất vàng” luôn có giá trị “khổng lồ” nên sẽ có không ít người nhăm nhe.
Và rồi, bằng rất nhiều hình thức “chiếm dụng” hay “hợp pháp hóa” việc sở hữu mà những khu đất công đã rơi vào tay một số doanh nghiệp với giá bèo. Đầu tiên là mua cổ phần của doanh nghiệp Nhà nước khi đang tiến hành cổ phần hóa. Việc mua lại cổ phần doanh nghiệp không phải nhằm vào giá trị của doanh nghiệp, thực chất là nhằm vào giá trị của miếng đất ở những vị trí đắc địa mà doanh nghiệp đó đang sở hữu. Từ đó, nghiễm nhiên biến khu đất vàng này thành những dự án bất động sản chung cư, trung tâm thương mại, nhà ở cho thuê và thu được lợi nhuận “khủng”.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp sau khi mua lại cổ phần còn được thêm một khu đất để di chuyển doanh nghiệp cổ phần hóa ra phía ngoài ngoại ô. Bởi những lợi ích quá lớn nên nhiều công ty, doanh nghiệp vốn chẳng liên quan gì đến ngành nghề của doanh nghiệp đang cổ phần hóa, thậm chí chẳng có hiểu biết gì cũng “nhảy” vào mua cổ phần.
Hoặc họ tìm cách hợp tác, liên doanh, liên kết với doanh nghiệp nhà nước để “hợp pháp hóa” toàn quyền sử dụng khu đất vàng.
Một “mánh khóe” khác để có được những miếng đất vàng là thông qua các dự án BT (xây dựng – chuyển giao), hình thức sử dụng quỹ đất công, đất vàng làm đất đối ứng để đổi lấy cơ sở hạ tầng.
Và điều quan trọng nhất là người ta biết một bộ phận cơ quan quản lý hiện thời đang không thực hiện nghiêm quy định của pháp luật trong công tác quản lý, đằng sau đó còn tồn tại lợi ích nhóm do đó họ cũng không mất nhiều công sức để “phục kích”, luồn lách cửa sau và lấy mảnh đất đó về tay mình.
Còn nữa…
Có thể bạn quan tâm