Không ít các vụ việc đã bị phanh phui, không ít lãnh đạo các tỉnh thành bị xử lý kỷ luật, thậm chí khởi tố bắt giam,… thế nhưng, hiện trạng vi phạm liên quan đến đất đai vẫn vô cùng nhức nhối…
>>Vụ án "đất vàng" vào tay doanh nghiệp tại Bình Thuận: Đã thực sự đến hồi kết?
Thời gian vừa qua, hàng loạt các vụ án liên quan đến sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai được phanh phui, xử lý, liên quan đến các vụ án này, nhiều cán bộ lãnh đạo các tỉnh thành bị xử lý kỷ luật, thậm chí khởi tố bắt giam. Nhìn vào thực tế những chiêu thức, thủ đoạn, hành vi phạm tội của các bị can, bị cáo trong các vụ án này, có thể thấy, những “lỗ hổng” của Luật Đất đai đang vô tình tiếp tay cho tiêu cực, tham nhũng.
Mới đây, ngày 10/02/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại các dự án đất đai, đầu tư phát triển nhà ở thương mại trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Theo đó, Cơ quan điều tra đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Ngọc Hai - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cùng 4 bị can khác, gồm: Lương Văn Hải - nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận; Hồ Lâm - nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận; Lê Nguyễn Thanh Danh - nguyên Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận và Ngô Hiếu Toàn - Phó giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận.
>>Bắt giam nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai
Cả 5 bị can đều bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại khoản 3, điều 219, bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Nguyên nhân của vụ việc xuất phát từ những sai phạm tại dự án Tân Việt Phát 2 do Công ty CP Tân Việt Phát, có trụ sở ở Bình Thuận làm chủ đầu tư. Trong đó, UBND tỉnh Bình Thuận đã giao 3 lô đất số 18, 19 và 20 với tổng diện tích khoảng 92.600 m2 có vị trí ven đường Võ Nguyên Giáp, thuộc phường Phú Hài, TP. Phan Thiết cho Công ty CP Tân Việt Phát không qua đấu giá quyền sử dụng đất, mà chỉ tính theo giá khởi điểm khoảng 111 tỷ đồng, gây thất thoát ngân sách của Nhà nước số tiền hơn 71 tỷ đồng.
Đây chỉ là một trong những vụ án bị xử lý do liên quan đến giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá, gây thất thoát tài sản Nhà nước, trước đó, không ít tổ chức, cá nhân với thủ đoạn tương tự đã phải “trả giá” trước sự nghiêm minh của pháp luật.
Như cuối tháng 4/2021, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã tuyên án tại phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và 9 đồng phạm trong vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Bộ Công Thương và TP. Hồ Chí Minh.
Bản án sơ thẩm nhận định, bị cáo Hồ Thị Kim Thoa - nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương đã có hành vi đồng phạm giúp sức tích cực trong vụ án. Bà Thoa là người trực tiếp ký các văn bản hoặc tham mưu, đề xuất để bị cáo Vũ Huy Hoàng duyệt, ký các văn bản chấp thuận chủ trương cho Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) thực hiện dự án bất động sản không phải là ngành nghề kinh doanh chính, chấp thuận cho liên kết thành lập Công ty cổ phần làm chủ đầu tư dự án và chuyển giao khu đất cho Công ty cổ phần không phải doanh nghiệp Nhà nước. Sau khi Công ty cổ phần được thành lập, bà Thoa không chỉ đạo Sabeco thực hiện dự án mà lại tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công Thương thoái toàn bộ vốn góp của Sabeco.
Hay như tại Đà Nẵng, vụ việc tiếp tay cho Vũ “nhôm” thâu tóm đất công trên địa bàn cũng được ông Trần Văn Minh - nguyên là Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Đà Nẵng (2006 - 2011), ông Văn Hữu Chiến - nguyên là Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng (khóa VIII nhiệm kỳ 2011-2016) chỉ đạo cấp dưới xây dựng các văn bản pháp lý, nhanh chóng hoàn thành hồ sơ, thủ tục để giúp Vũ “nhôm” được nhận chuyển nhượng các dự án không qua đấu giá quyền sử dụng đất, với giá chuyển quyền sử dụng đất thấp hơn giá do UBND TP. Đà Nẵng quy định. Tại nhiều nhà, đất công sản khác, các vị này cũng đã sắp xếp các thủ tục pháp lý phù hợp, nhằm giảm hệ số sinh lợi, giảm giá trị công sản... để bán rẻ cho Vũ “nhôm”.
Bên cạnh những vụ án đã nêu, thủ đoạn, hành vi tương tự không hiếm gặp trong thực tế hiện nay. Từ 2013 đến năm 2020, toàn ngành Thanh tra đã thực hiện 6.028 cuộc, qua thanh tra phát hiện vi phạm 2.127,6 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 67.011,5 ha đất, riêng Thanh tra Chính phủ thực hiện 46 cuộc thanh tra, phát hiện vi phạm 79.968,84 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 25.351,6 ha đất.
Thống kê, thực tiễn triển khai thi hành Luật Đất đai qua công tác thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo cho thấy những vi phạm phổ biến như: Giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá gây thất thu ngân sách; Việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất và các cơ sở nhà đất chưa phù hợp các quy định của Luật Đất đai và các quy định về đấu giá tài sản nhà;…
Tháng 12/2021 vừa qua, thanh tra 5 dự án tại nút giao đại lộ Võ Nguyên Giáp và đường CSEDP thuộc địa bàn TP. Thanh Hóa, Thanh tra tỉnh Thanh Hóa cũng đã phát hiện 3 dự án “khủng” gồm: Dự án Trung tâm thương mại tổng hợp và showroom ôtô Ford; Dự án Tổ hợp khách sạn, thương mại Tự lập Plaza của Tổng Công ty Đầu tư Hà Thanh và dự án Khu thương mại hỗn hợp của Công ty CP Điện năng lượng tái tạo Hàn Việt (trước kia là của Công ty CP Đầu tư Thương mại và Du lịch Hoàng Sơn) được giao đất không qua đấu giá.
Từ thực trạng đã nêu, các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân của các vi phạm xuất phát từ “lỗ hổng” trong Luật Đất đai và các văn bản dưới luật, từ đó dẫn tới việc các nhóm lợi ích lợi dụng, thao túng, tự tung tự tác.
Thông tin với báo chí, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến - Đại học Luật Hà Nội cho rằng, mặc dù trong thời gian qua, Nhà nước đã cố gắng sửa đổi pháp luật trong quản lý đất đai, tuy nhiên, thực tế vẫn còn tồn tại bất cập. Trong đó, “lỗ hổng” kiểm soát quyền lực làm không hiệu quả, nhiều người được giao quản lý đất đã tự ý thu hồi đất, cấp đất, giao đất, bán đất dẫn đến tình trạng này diễn ra phổ biến tràn lan tại nhiều địa phương trên cả nước.
Theo ông Tuyến, nguyên nhân là do hệ thống chính sách pháp luật đất đai của nước ta còn nhiều bất cập, chưa có được hệ thống dữ liệu đầy đủ về đất đai trong cả nước, do đó số liệu thông tin điều tra cũng có sự khác nhau. Việc thanh tra, kiểm tra, mặc dù phát hiện ra nhiều sai phạm nhưng dường như còn ít các xử lý về hình sự mà chủ yếu là xử lý hành chính, phạt tiền.
“Hơn nữa, chế tài trong Luật Đất đai quy định rất chung chung, ví như sai phạm nặng hay nhẹ để xử phạt hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng vấn đề là hiểu thế nào là nặng hay nhẹ thì nằm ở chỗ cơ quan thực thi pháp luật”, ông Tuyến chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Vụ án "đất vàng" vào tay doanh nghiệp tại Bình Thuận: Đã thực sự đến hồi kết?
04:10, 14/02/2022
Bắt giam nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai
18:53, 10/02/2022
Bộ Công an xác minh thực địa 3 lô đất không qua đấu giá tại Bình Thuận
10:50, 14/01/2022
Bình Thuận: Khởi tố vụ án để điều tra liên quan sai phạm tại dự án đường Lê Duẩn
11:06, 26/12/2021
Thanh tra Chính phủ kết luận về 4 dự án giao đất không đấu giá tại Bình Thuận
00:06, 15/12/2021