TP.HCM đề xuất 5 nhóm gỡ vướng cho nhà ở xã hội
TP.HCM đề xuất, phân định 5 nhóm vấn đề vướng mắc trong xây dựng nhà ở xã hội để giải quyết.
>>> Hà Nội đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp, nhà ở xã hội
Ông Bùi Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM vừa có báo cáo đánh giá quá trình triển khai công tác về nhà ở xã hội trên địa bàn. Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2020, thành phố đạt 69,2% chỉ tiêu xây dựng nhà ở xã hội. Thành phố đang tập trung triển khai giai đoạn 2021-2025, nhưng mới làm được 3/91 dự án đạt 3,3%, kết quả đạt được khá thấp.
Về chỉ tiêu, trong giai đoạn 2021-2025, TP.HCM đặt mục tiêu xây dựng 1,15 triệu m2 sàn. Bên cạnh đó, trong phê duyệt của Thủ tướng về đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030, đã giao TP.HCM thực hiện 26.200 căn giai đoạn 2021-2025 và 43.500 căn giai đoạn 2026-2030.
"Chỉ tiêu Thủ tướng giao hết sức thách thức đối với TP.HCM" - ông Cường nói.
Được biết, từ tháng 11/2022 đến nay, TP.HCM đã tổ chức 11 cuộc họp với các sở, ngành và các đơn vị có liên quan về nhà ở xã hội, trong đó Sở Xây dựng TP.HCM đưa ra hàng loạt vướng mắc.
Theo đó, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại một số dự án rất khó khăn, kéo dài, tiến độ dự án chậm, thậm chí không thực hiện được. Đối với dự án nhà ở thương mại có quy mô trên 10 ha, tuy đã xác định được quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội nhưng chủ đầu tư chậm triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng hoặc đầu tư hạ tầng kỹ thuật nên chưa thể xây dựng.
Thành phố chưa bố trí quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội trong một số đồ án quy hoạch xây dựng đô thị; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất... làm ảnh hưởng đến sự chủ động chuẩn bị quỹ đất để thực hiện chương trình nhà ở xã hội mang tính chất dài hạn, căn cơ.
>>>Nghịch lý nhà ở xã hội vừa thiếu vừa ế
Để thúc đẩy dự án nhà ở xã hội trong thời gian tới, Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng cần ban hành quy trình giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính trong thủ tục đầu tư. Khi lập và phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060 có quy hoạch nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Việc này nhằm tạo thuận lợi hơn cho các khâu đầu tư nhà ở xã hội về sau.
Ngoài ra, Sở Xây dựng đề xuất nghiên cứu xây dựng đề án hình thành quỹ tiết kiệm nhà ở để tạo suất vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội từ chính đối tượng có nhu cầu.
TP.HCM đã giao Sở Xây dựng phân định 5 nhóm vấn đề vướng mắc để giải quyết. Cụ thể, nhóm 1 là tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của các dự án nhà ở xã hội. Nhóm 2 giải quyết trình tự thủ tục thực hiện quy trình đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Nhóm 3 là quy trình xác nhận hoàn thành nghĩa vụ nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất dưới 10 ha. Nhóm 4 là thúc đẩy đầu tư công các dự án nhà ở xã hội bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Nhóm 5 sẽ phân công trách nhiệm theo dõi, giải quyết thủ tục đầu tư các dự án nhà ở xã hội cho các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Phó Chủ tịch TP.HCM cũng cho biết thêm, thời gian tới sẽ ưu tiên đầu tư công cho các dự án nhà ở xã hội; tập trung phát triển dữ liệu đất đai, xây dựng, quy hoạch.
Các chuyên gia cho rằng thời gian tới TP.HCM cần tập trung vào các dự án cụ thể, tháo gỡ vướng mắc và giám sát trách nhiệm thực hiện dự án nhà ở xã hội của các chủ đầu tư. Chính quyền cần rà soát các dự án nhà ở thương mại dành 20% quỹ đất xây nhà ở xã hội và sớm triển khai thực hiện để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu đề ra.
Ngoài ra, có những khu nhà ở cao tầng nhưng vẫn chưa khai thác sử dụng như khu Bình Khánh và khu tái định cư ở TP Thủ Đức cần chuyển thành khu nhà ở xã hội để tránh lãng phí.
Có thể bạn quan tâm
Hà Nội đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp, nhà ở xã hội
12:21, 09/12/2023
Quảng Ninh: Quyết tâm hoàn thành sớm chỉ tiêu xây nhà ở xã hội
03:00, 09/12/2023
Phát triển nhà ở xã hội: Cần gói tín dụng đủ lớn cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận
11:16, 08/12/2023
Nhà ở xã hội "hâm nóng" thị trường địa ốc Khánh Hòa
03:00, 05/12/2023