Ngành công nghệ bán dẫn, bài học từ Intel
Việt Nam cần hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, tập trung vào việc thiết lập và duy trì mối quan hệ đối tác dài hạn với các công ty quốc tế để chia sẻ kiến thức, kỹ năng và công nghệ.
>>Intel chính thức lên tiếng về kế hoạch mở rộng tại Việt Nam
Hậu quả
Nhiều nguồn thông tin tư liệu cho chúng ta biết công nghệ chip, đặc biệt là trong lĩnh vực vi mạch tích hợp (IC) đóng vai trò quan trọng trong các khía cạnh của cuộc sống hiện đại, giúp tăng cường hiệu suất của các thiết bị và hệ thống. Thiết bị công nghệ này được ứng dụng trong điện thoại di động đến máy tính và các thiết bị điện tử, xử lý và mã hóa dữ liệu đa phương tiện. Đặc biệt được thiết kế để xử lý các vấn đề liên quan đến trí tuệ nhân tạo, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển và đổi mới trong nhiều lĩnh vực điện tử, công nghệ. Vài năm gần đây, Việt Nam đã thu hút được một số Tập đoàn công nghệ lớn của nước ngoài đầu tư tại Việt Nam như Samsung, Intel, Lego…
Năm 2010 Intel đã đầu tư nhà máy sản xuất tại khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh trị giá 1,5 tỷ USD, nhà máy có 2.800 công nhân, đã sản xuất hơn 3 tỷ sản phẩm trong thời gian qua. Đây là nhà máy lớn nhất Việt Nam về lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm chip.
Theo kế hoạch, Intel sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng gấp đôi sản xuất tại Việt Nam, nhưng vừa qua Intel đã tuyên bố huỷ bỏ khoản đầu tư giai đoạn 2 tại Việt Nam để đầu tư ở Ba Lan trị giá lên đến 4,6 tỉ USD hoặc mở rộng khoản đầu tư tại nhà máy ở Malaysia. Đây là một sự mất mát đáng kể với nguồn thu ngân sách Nhà nước, đồng thời giảm đi một đại bàng lớn về bán dẫn toàn cầu rút khỏi Việt Nam.
Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2023, Intel đầu tư 18,72 tỉ đô la trên khắp thế giới và 19,06 tỉ trong nhà xưởng và thiết bị, nâng tổng đầu tư trên toàn thế giới lên hơn 37 tỉ đô la tiền mặt. Năm 2022, Intel chỉ đầu tư có 6,99 tỷ đô la nhưng năm 2023 Intel đã tăng tổng số tiền đầu tư lên gấp 3 lần. Nếu Việt Nam tiếp nhận được một phần số tiền đầu tư này thì sẽ mang lại số tiền thu nhập về thuế rất đáng kể, nhất là trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay.
Bên cạnh đó, kế hoạch ngừng đầu tư mới của Intel còn ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam và quan ngại sẽ có thể bị ảnh hưởng đến định hướng và kế hoạch phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Với nguồn nhân lực, đối với các doanh nghiệp công nghệ cao, công nhân cũng là một phần tài sản của công ty và nâng cao giá trị hiện thời của công ty (net present value). Do vậy việc từ bỏ kế hoạch phát triển mới của Intel khiến Việt Nam mất cơ hội đưa số công nhân công nghệ cao từ 2.800 người lên 5.600 người và nếu kể luôn công nhân trong các công nghệ phụ trợ thì số công nhân công nghệ cao sẽ là gần 10 nghìn lao động.
Còn với công nghệ phụ trợ, Intel là nhà công nghệ hàng đầu trong lĩnh vực chip vi mạch nên việc giảm đầu tư của Intel sẽ kéo theo giảm các nhà đầu tư của công nghệ phụ trợ vào Việt Nam và ảnh hưởng nhiều nhà đầu tư FDI vào nước ta.
Bài học kinh nghiệm
Không phải mở rộng đầu tư là đương nhiên, Intel đã đầu tư 1,5 tỉ đô la vào Việt Nam từ năm 2010 nên việc đầu tư bước kế tiếp được xem như là việc đương nhiên. Tuy nhiên, đối với các nhà đầu tư thì mục tiêu chính là lợi nhuận và thời gian thu hồi vốn nơi nào hiệu quả nhanh, được chăm sóc tốt, hoạt động suôn sẻ sẽ dễ dàng được quan tâm nhiều hơn.
Trong hoạt động kinh doanh, nhà đầu tư gặp không ít khó khăn cần được tháo gỡ nên bộ máy công quyền cần phải có những chính sách ưu đãi thông thoáng và những cán bộ chuyên trách dám nghĩ, dám làm để giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Nhà nước cũng nên có những cơ chế đặc thù để doanh nghiệp được hưởng cơ chế ưu đãi cao nhất như quy định và kế hoạch định hướng của doanh nghiệp công nghệ bán dẫn.
Đào tạo nhân lực: Cần thành lập các trung tâm nghiên cứu triển khai có thiết bị hiện đại tiên tiến để đào tạo đội ngũ chuyên gia và lớp công nhân công nghệ cao sẵn sàng đáp ứng các yêu của nhà đầu tư, không chỉ trong lĩnh vực thiết kế đóng gói mà còntrong các lĩnh vực khác như vật liệu và linh kiện bán dẫn. Bởi đầu tư không phải là kiện hành lý có bánh xe có thể di chuyển dễ dàng mà phải đặt mình vào vị trí của họ xem họ cần những gì, phân tích chi tiết các yếu tố cơ bản về ưu đãi cao nhất để có được đầu tư hiệu quả.
Việt Nam muốn “trở thành đối tác tin cậy và là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất bán dẫn toàn cầu thì cần phải có cơ chế đặc thù đầu tư vào nghiên cứu khoa học cơ bản để làm nền tảng cho công nghiệp bán dẫn, như vậy mới có nền tảng cơ bản để đi tiếp những bước tiếp theo.
Song song với đó, chúng ta cần tiếp tục cải cách và nâng cấp môi trường đầu tư để theo kịp tốc độ tăng trưởng như vũ bão của nền kinh tế số, kinh tế xanh trong những năm gần đây. Chẳng như các nước tiên tiến, chiến lược kinh doanh thuộc về nhà đầu tư mà vai trò của Nhà nước ít ảnh hưởng đến quyết định của họ, để thấy rằng môi trường đầu tư kinh doanh đặc biệt quan trọng với doanh nghiệp.
Trăn trở và đề xuất
Theo tôi thì việc Intel không đầu tư giai đoạn 2 về nhà máy sản xuất chip ở Việt Nam, ngoài các nguyên nhân kể trên còn vấn đề rất quan trọng là nguồn nhân lực, mà cả hai nước Ba Lan và Malaysia đều có nhân lực tốt hơn nước ta. Ba lý do đã nêu lên (sự đảm bảo về nguồn điện, quan liêu, lợi nhuận) thật ra đều có thể dàn xếp nếu Chính phủ có thể đàm phán trực tiếp với Intel để tìm hiểu những khó khăn của họ và giải quyết thỏa đáng. Do đó, Chính phủ cần phải chú trọng nhiều hơn, bằng cách hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài như Intel để thành lập một chương trình đào tạo trung và dài hạn nhằm giúp họ giải quyết vấn đề then chốt này. Việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam, không chỉ trong quá trình thu hút đầu tư mà còn trong việc xây dựng một nền kinh tế dựa trên tri thức.
Trước quyết định không đầu tư giai đoạn 2 của Intel trong việc mở rộng nhà máy sản xuất chip tại Việt Nam, thị trường và chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu đang chứng kiến những biến động đáng kể. Tuy nhiên, điều quan trọng không chỉ là những thách thức, mà còn là những bài học mà Việt Nam có thể rút ra từ trường hợp này, đó là phải xây dựng một môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút nhiều doanh nghiệp hơn.
Ngoài ra, việc học từ trải nghiệm với Intel cũng đặt ra câu hỏi về sự quan trọng của việc xây dựng mối quan hệ đối tác bền vững. Việt Nam cần tập trung vào việc thiết lập và duy trì mối quan hệ đối tác dài hạn với các công ty quốc tế, không chỉ để thu hút đầu tư mà còn để chia sẻ kiến thức, kỹ năng và công nghệ. Đồng thời, quá trình chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ mới cũng nên là ưu tiên hàng đầu.
Nhìn chung, dù có những thách thức, khó khăn, quyết định của Intel cũng mở ra cơ hội để Việt Nam thay đổi và phát triển. Kích thích đổi mới và khuyến khích sự sáng tạo trong cộng đồng doanh nghiệp là chìa khóa quan trọng để xây dựng một nền kinh tế mạnh mẽ. Chính sự linh hoạt và khả năng thích ứng của doanh nghiệp sẽ giúp Việt Nam vượt qua thách thức và tạo ra những cơ hội mới trong thời đại công nghiệp 4.0, có thể định hình lại viễn cảnh tương lai của mình trong lĩnh vực công nghệ, đồng thời góp phần vào sự đa dạng hóa và ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Có thể bạn quan tâm
Thực hư chuyện Intel dừng kế hoạch mở rộng tại Việt Nam?
02:00, 10/11/2023
Kế hoạch “vượt mặt” TSMC của Intel
03:45, 22/05/2023
Từ Intel đến Boeing: “Đại bàng Mỹ” tiếp tục đến Việt Nam?
04:00, 18/03/2023
Động thái mới của Intel
04:30, 13/02/2023
Việt Nam đã sẵn sàng đón dòng vốn bán dẫn?
03:00, 09/12/2023
Gỡ “nút thắt” nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn
03:00, 08/12/2023
Khơi dậy tiềm năng ngành bán dẫn
12:00, 26/11/2023