Trà Vinh: Rộng cửa chào đón nhà đầu tư
UBND tỉnh Trà Vinh đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương tập trung khẩn trương khắc phục những tồn tại, hạn chế để cải thiện PCI...
Chia sẻ với DĐDN, ông Lê Văn Hẳn - Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, phát huy nội lực, tiềm năng để phát triển, tỉnh Trà Vinh luôn tập trung triển khai nhiều giải pháp theo hướng đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư, tạo đột phá, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo mọi thuận lợi để rộng cửa chào đón các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
- Cụ thể, đó là những giải pháp gì, thưa ông?
Thời gian qua, UBND tỉnh Trà Vinh đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương tập trung khẩn trương khắc phục những tồn tại, hạn chế để cải thiện PCI; phấn đấu đưa Trà Vinh lên nhóm tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế khá của cả nước. Trà Vinh quyết tâm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, năng động và thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, kinh doanh nhằm thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Năm 2022, Trà Vinh đã có sự vươn lên mạnh mẽ trên bảng xếp hạng PCI tăng 25 hạng so với năm 2021, xếp hạng 26/63 tỉnh, thành trong cả nước và hạng 6/13 tỉnh, thành phố trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2023, tỉnh quyết tâm, nỗ lực để đạt thứ hạng cao hơn trong bảng xếp hạng PCI. Cụ thể, tỉnh tiếp tục nâng cao nhận thức và hành động của đội ngũ từ cán bộ lãnh đạo, quản lý đến công chức, viên chức, những người trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến doanh nghiệp, người dân. Chủ động đề ra giải pháp thiết thực để cải thiện năng lực cạnh tranh thuộc lĩnh vực quản lý trong 2023 phù hợp với tình hình thực tế nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại đơn vị, địa phương mình, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của cả tỉnh.
Luôn đồng hành với nhà đầu tư tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư an tâm đầu tư kinh doanh sản xuất thông qua nhiệm vụ “Hỗ trợ đầu tư và các dịch vụ hỗ trợ sau chủ trương đầu tư” để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh từ lúc nghiên cứu đầu tư cho đến quá trình vận hành dự án.
Đồng thời, tỉnh phấn đấu duy trì và không để giảm mạnh chỉ số về gia nhập thị trường, phấn đấu cải thiện điểm số và nâng hạng các chỉ số về: chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; chi phí không chính thức; tính năng động và tiên phong của chính quyền; chỉ số đào tạo lao động; cạnh tranh bình đẳng; tiếp cận đất đai; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; chí phí thời gian; tính minh bạch.
- Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cơ hội để tỉnh thu hút các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Trà Vinh sẽ tận dụng cơ hội này như thế nào, thưa ông?
Trà Vinh là địa phương thứ 14 của cả nước và là địa phương thứ 3 của vùng đồng bằng sông Cửu Long sau tỉnh Long An và tỉnh Sóc Trăng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch là cơ sở định hướng thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Mục tiêu của Trà Vinh là đến năm 2030, Trà Vinh trở thành tỉnh phát triển ở mức trung bình cao, nằm trong nhóm đầu của vùng đồng bằng sông Cửu Long là tỉnh có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đến năm 2050, Trà Vinh thực hiện đạt được mục tiêu là tỉnh phát triển cao của vùng ĐBSCL, có trung tâm kinh tế biển hiện đại và trung tâm năng lượng sạch của vùng ĐBSCL, thích ứng với biến đổi khí hậu; có các đô thị biển phát triển, hiện đại; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và các khu chức năng kết nối hiệu quả với vùng ĐBSCL và cả nước. Văn hóa - xã hội văn minh, hiện đại; quốc phòng, an ninh được bảo đảm; người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Quy hoạch cũng chỉ ra các đột phá phát triển. Trong đó, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, tạo đột phá trong nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài, đặc biệt là trong các ngành và lĩnh vực trọng điểm của tỉnh.
Để hiện thực hoá những mục tiêu trên, thời gian tới, Trà Vinh sẽ tập trung phát triển các ngành công nghiệp chủ yếu, bao gồm Công nghiệp năng lượng: Phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới thành trung tâm năng lượng sạch của vùng đồng bằng sông Cửu Long; khai thác tối đa công suất các nhà máy nhiệt điện hiện có và các dự án điện gió, điện mặt trời từng bước nâng cao tỷ trọng nguồn điện sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Nam.
- Là tỉnh cửa ngõ ĐBSCL, vấn đề liên kết vùng có vai trò quan trọng để hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thưa ông?
Theo quy hoạch được phê duyệt, tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh theo mô hình 2 vùng kinh tế - xã hội; 3 trục động lực phát triển và 3 cửa ngõ kết nối.
Trong đó, hai vùng kinh tế - xã hội gồm: Vùng liên huyện phía Đông và vùng liên huyện phía Tây; trong đó vùng phía Đông là vùng động lực phát triển, tập trung phát triển kinh tế biển, phát triển Khu kinh tế Định An thành trung tâm phát triển công nghiệp, dịch vụ cảng biển và logistics, công nghiệp và du lịch của vùng ven biển, hình thành và phát triển mạng lưới đô thị ven biển. Vùng liên huyện phía Tây, lấy thành phố Trà Vinh là đô thị trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.
Ba trục động lực phát triển, gồm: Trục phát triển theo tuyến đường bộ ven biển, là trục phát triển kinh tế động lực của tỉnh, trọng tâm là Khu Kinh tế Định An; Trục phát triển theo tuyến quốc lộ 60, là trục kết nối không gian hướng Bắc - Nam; Trục phát triển theo tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh (CT36), là trục kết nối Đông - Tây.
Ba cửa ngõ kết nối, gồm: Cửa ngõ phía Tây Bắc, trong đó huyện Càng Long và thành phố Trà Vinh mở rộng là cửa ngõ giao lưu kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh; cửa ngõ phía Tây Nam, trong đó huyện Tiểu Cần và huyện Trà Cú là cửa ngõ quan trọng của tỉnh với trục phát triển hình thành bởi hành lang đô thị phía Đông sông Hậu, kết nối với tuyến Nam sông Hậu đi các tỉnh: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau qua tuyến quốc lộ 60, quốc lộ 54 và đường thủy qua sông Hậu; Cửa ngõ phía Đông Thông qua Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu và luồng Định An - biên giới Campuchia.
- Thưa ông, trong bối cảnh khó khăn của kinh tế trong và ngoài nước hiện nay, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội mà Trà Vinh đặt ra năm 2023 liệu có hoàn thành?
Với những chủ trương đúng đắn, quyết sách sáng tạo, Trà Vinh ngày càng phát triển toàn diện. Từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh Trà Vinh đã triển khai thực hiện hiệu quả chỉ đạo, điều hành của Trung ương về phát triển kinh tế - xã hội, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tập trung toàn lực phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra góp phần tích cực cho sự phát triển chung của đất nước.
Trong năm 2023, tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 8,25%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Các lĩnh vực kinh tế của tỉnh Trà Vinh đều đạt được kết quả phát triển mạnh. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 35.367,748 tỷ đồng, tăng 12,06%; giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản ước đạt 31.188 tỷ đồng, tăng 3,15%; tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ ước đạt 56.180,77 tỷ đồng, tăng 15,05%.
Đến nay, toàn tỉnh có 380 dự án còn hiệu lực, trong đó có 38 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký 2,983 tỷ USD và 342 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký 164,435 nghìn tỷ đồng.
Trà Vinh hội tụ nhiều tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh tế-xã hội như đất đai màu mỡ (đất nông nghiệp chiếm 62% diện tích tự nhiên), đa dạng vùng sinh thái (nước ngọt, nước lợ, ngập mặn), có tiềm năng lớn về nông sản, thủy hải sản giá trị cao; đầy đủ cơ sở để trở thành một trung tâm năng lượng với tài nguyên rất lớn về năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời); có Trung tâm điện lực Duyên Hải (4.900 MW). Đặc biệt, Trà Vinh luôn hướng tới mục tiêu kiến tạo hệ sinh thái kinh doanh xanh, phát triển bền vững.
- Ông có tin tưởng Trà Vinh sẽ giữ vững vị trí là tỉnh đứng đầu về chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) trong thời gian tới?
Chỉ số PGI tiếp tục là một trong những tiêu chí quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trà Vinh sẽ tích cực cùng với cả nước thực hiện “cuộc đua xanh” hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng không với những định hướng hành động của cộng đồng doanh nghiệp, phát triển nông nghiệp và các lĩnh vực có liên quan, ưu tiên thu hút đầu tư các dự án có Chỉ số PGI cao, hạn chế đến mức thấp nhất ô nhiễm, bảo vệ sinh thái, thân thiện với môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, kinh tế tuần hoàn, bảo vệ cảnh quan môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Để duy trì kết quả đạt được trong những năm tiếp theo, từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh Trà Vinh đã định hướng triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, với việc ban hành kế hoạch duy trì, giữ vững xếp hạng Chỉ số PGI, khuyến khích các sở, ngành, địa phương vào cuộc nâng cao Chỉ số PGI. Trong đó, tỉnh rất quan tâm đến các cơ chế giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận tài chính để áp dụng thực hiện mô hình xanh.
Tỉnh sẽ tiếp tục chú trọng xúc tiến mời gọi đầu tư các dự án gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; chọn các dự án đầu tư thân thiện với môi trường. Hiện Trà Vinh đang triển khai thi công Dự án Nhà máy hydro xanh Trà Vinh (xã Đông Hải, huyện Duyên Hải), vốn đầu tư gần 8.000 tỷ đồng, do Công ty cổ phần TGS Trà Vinh Green Hydrogen làm chủ đầu tư. Nhà máy sản xuất Hydro xanh đi vào vận hành sẽ giải quyết đầu ra cho lượng điện năng dư thừa của các nhà máy sản xuất điện gió, điện mặt trời trong và ngoài tỉnh, đưa Trà Vinh trở thành một trong những trung tâm năng lượng xanh của vùng, là một minh chứng cho thành công bước đầu về thu hút đầu tư tăng trưởng xanh của địa phương.
Hầu hết các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh trước khi vận hành đều thực hiện cam kết về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Ngày 24/11 vừa qua, tỉnh Trà Vinh cũng đã tổ chức thành công “Hội thảo tiềm năng về năng lượng sạch, cơ hội hợp tác đầu tư và phát triển tại tỉnh Trà Vinh”, qua đó các chuyên gia, doanh nghiệp và nhà đầu tư trong và ngoài nước đã chia sẻ nhiều kiến thức, kinh nghiệm và giải pháp trong lĩnh vực phát triển năng lượng, chuyển đổi năng lượng hướng đến thực hiện hiệu quả năng lượng tái tạo. Tỉnh đã đặt ra nhiều mục tiêu quan trọng trong giảm phát thải khí nhà kính để cùng Chính phủ đạt phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm