Đà Nẵng gặp khó trong thu ngân sách
Theo lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng, thu ngân sách Đà Nẵng không đạt mụa tiêu đưa ra vì nhiều nguyên nhân từ nền kinh tế còn khó, hoạt động doanh nghiệp suy giảm,...
>>Thúc đẩy trung tâm trí tuệ nhân tạo tại Đà Nẵng
Sáng ngày 12/12, Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP. Đà Nẵng đã khai mạc kỳ họp thứ 15 khóa X, 2021-2026. Tại kỳ, họp, lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng thông tin tình hình kinh tế - xã hội địa phương vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Nguyên nhân xuất phát từ ảnh hưởng của bất ổn chính trị trên thế giới, những tác động tiêu cực lâu dài của Covid -19, kinh tế thế giới suy giảm, cùng các vướng mắc, khó khăn chưa được tháo gỡ trong quá trình thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án liên quan đến đất đai… đang tác động mạnh mẽ đến tình hình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Trong 2023, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP, giá so sánh 2010) ước tăng 2,58% so với năm 2022.
Trong đó, giá trị gia tăng khu vực dịch vụ ước tăng 4,1%; khu vực công nghiệp - xây dựng ước giảm 2,05%; khu vực nông - lâm nghiệp - thủy sản ước tăng 1,19%. Về thu hút đầu tư, địa phương đã thực hiện cấp mới và điều chỉnh cho 40 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký là 46.698,5 tỷ đồng và 181 triệu USD vốn đầu tư FDI. Ước cả năm 2023, tổng vốn đầu tư trong nước đạt khoảng 60.000 tỷ đồng, thu hút FDI đạt hơn 200 triệu USD.
Cùng với đó, thu ngân sách TP. Đà Nẵng năm nay ước đạt hơn 20.597 tỉ đồng, bằng 87,8% dự toán Hội đồng nhân dân giao. Thực hiện chi cân đối ngân sách địa phương năm 2023 (không kể chuyển nguồn) trên địa bàn thành phố là hơn 16.399 tỉ đồng, bằng 96,4% dự toán được giao.
Ông Hồ Kỳ Minh – Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho hay việc thu ngân sách không đạt kết quả là do nền kinh tế thành phố khó có thể chuyển biến nhanh trong ngắn hạn. Đồng thời, vốn đầu tư, hoạt động doanh nghiệp, hoạt động bất động sản, xây dựng, sản xuất công nghiệp suy giảm đã và đang tác động đến tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư của một số ngành, lĩnh vực có liên quan...
Theo vị này, việc thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền thuê đất theo chủ trương của trung ương tiếp tục ảnh hưởng làm giảm thu ngân sách nhà nước năm 2023. Thời gian qua, địa phương đã thực hiện điều chỉnh giảm dự toán một số khoản chi hoặc hủy dự toán do chưa có nhu cầu, chủ động sử dụng 50% nguồn dự phòng ngân sách (bao gồm cả 3 cấp thành phố, huyện, xã) để cắt giảm bù hụt thu.
“Dự báo tình hình sản xuất kinh doanh tiếp tục được phục hồi và tăng trưởng, thành phố sẽ phấn đấu tăng trưởng kinh tế của năm 2024 theo kịch bản 2, đạt tốc độ tăng trưởng 8-8,5%%”, ông Hồ Kỳ Minh nói.
Để đạt được mục tiêu, Đà Nẵng sẽ sập trung tháo gỡ khó khăn, khơi thông các nguồn lực đầu tư, nhất là đối với các dự án quy mô lớn đang có vướng mắc, chậm triển khai trong nhiều năm, các dự án liên quan đến kết luận thanh tra, kiểm toán, bản án. Cùng với đó, sẽ tập trung vào các dự án thuộc thẩm quyền xử lý của thành phố để tăng thu ngân sách Nhà nước, hỗ trợ doanh nghiệp tồn tại và phát triển.
Đà Nẵng cũng sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Tăng cường đối thoại, gặp gỡ với doanh nghiệp để giải quyết khó khăn vướng mắc khi đầu tư, sản xuất kinh doanh tại thành phố. Cải thiện các chỉ số thành phần thuộc Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhằm nâng cao tính minh bạch, tạo môi trường thông thoáng, hấp dẫn để thu hút đầu tư.
Ngoài ra, tăng cường xúc tiến, thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung. Trong đó, ưu tiên thu hút công nghiệp công nghệ cao, trọng tâm là công nghệ thiết kế vi mạch bán dẫn, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ số…, đón đầu dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang dịch chuyển sang Việt Nam.
Tại kỳ họp, ông Lương Nguyễn Minh Triết – Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng nhìn nhận kinh tế - xã hội địa phương vẫn có nhiều điểm sáng. Cụ thể, quy mô kinh tế tăng gần 10 nghìn tỷ đồng, du lịch tăng gấp đôi số lượng khách so với năm 2022,...
Theo ông Triết, Đà Nẵng vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức như tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt thấp, một số chỉ tiêu chưa đạt Nghị quyết HĐND năm 2023. Trong đó, nhiều ngành, lĩnh vực phục hồi chậm và còn khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp còn gặp nhiều thách thức,...
“Thành phố cần có cách làm đột phá hơn, quyết liệt hơn, nhất là khắc phục những hạn chế, điểm nghẽn mang tính chủ quan, nâng cao chất lượng lãnh đạo điều hành thì mới có thể phát triển nhanh, mạnh, và bền vững như các mục tiêu đã đặt ra trong các Nghị quyết của Trung ương và Nghị quyết Đại hội 22 Đảng bộ thành phố”, ông Triết nhấn mạnh.
Được biết, tại kỳ họp lần này HĐND TP. Đà Nẵng sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 26 người giữ chức vụ do HĐND bầu. Từ đây sẽ đánh giá uy tín và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm, làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ.
Đà Nẵng dự kiến 2 kịch bản tăng trưởng năm 2024 Kịch bản 1: Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP, giá so sánh 2010) năm 2024 ước tăng 7-7,5%, trong đó: giá trị gia tăng khu vực dịch vụ ước tăng 8-8,5%; giá trị gia tăng khu vực công nghiệp - xây dựng ước tăng 3,4-3,8%, giá trị gia tăng khu vực nông, lâm nghiệp - thủy sản ước 2-2,5%. Kịch bản 2: Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP, giá so sánh 2010) năm 2024 ước tăng 8-8,5%, trong đó: giá trị gia tăng khu vực dịch vụ ước tăng 8,5-9%; giá trị gia tăng khu vực công nghiệp - xây dựng ước tăng 6-6,5%, giá trị gia tăng khu vực nông, lâm nghiệp - thủy sản ước 2-2,5%. |
Có thể bạn quan tâm