Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp FDI tại Đà Nẵng

TUẤN VỸ 30/11/2023 01:17

Hiện nay, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc trong công tác thu hút đầu tư FDI của TP. Đà Nẵng và địa phương này đang tích cực tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp.

>>Tiến độ đầu tư các khu công nghiệp mới tại Đà Nẵng còn chậm

Trong công tác thu hút dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tính đến 15/10, TP. Đà Nẵng đã thu hút được 176,835 triệu USD, đạt 135% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế đến nay, Đà Nẵng có 1.016 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 4,2 tỉ USD.

Theo thống kê, dự án của các doanh nghiệp FDI tại Đà Nẵng chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực dịch vụ, thương mại, sản xuất thiết bị, máy móc, linh kiện, may mặc, vật liệu xây dựng, công nghệ thông tin. Theo đánh giá, mặc dù thu hút đầu tư của thành phố đã có sự khởi sắc nửa sau năm 2023 tuy nhiên vẫn còn những vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Vấn đề này xuất phát từ những nguyên nhân về quỹ đất, việc đầu tư hình thành các cụm, khu công nghiệp mới còn chậm, thủ tục đăng ký kinh doanh, gia nhập thị trường của thành phố chưa thực sự thuận lợi và nhanh chóng, nguồn nhân lực,...

Hiện tại, địa phương này cũng đang tích cực hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI. Từ đó, công tác thu hút đầu tư có thể đạt được kết quả khả quan hơn so với giai đoạn hiện nay - giai đoạn khó khăn sau đại dịch.

a

Dự án của các doanh nghiệp FDI tại Đà Nẵng chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực dịch vụ, thương mại, sản xuất thiết bị, máy móc, linh kiện, may mặc, vật liệu xây dựng, công nghệ thông tin. 

Tại chương trình hỗ trợ, hướng dẫn các thủ tục cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vừa qua, ông Phạm Đình Thành Hoàng - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp (Sở KH&ĐT TP. Đà Nẵng) thông tin đơn vị thường xuyên hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp hiểu rõ các thủ tục đầu tư nước ngoài, visa, các vấn đề liên quan đến quản lý người nước ngoài,... Hằng tháng Trung tâm tiếp nhận khoảng 2.000 lượt doanh nghiệp trao đổi về thủ tục đầu tư và nhiều thủ tục khác liên quan đến doanh nghiệp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.

“Nhiều doanh nghiệp FDI trên địa bàn thành phố quan tâm và gặp vướng mắc về các thủ tục về cấp giấy phép cho người lao động, phòng cháy chữa cháy, đất đai, tài nguyên,… Vì vậy, cần có thêm những hỗ trợ, giải pháp để tháo gỡ cho từng doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính tại thành phố từ các cơ quan liên quan”, ông Hoàng nói.

Theo ông Hồ Kỳ Minh – Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng các doanh nghiệp FDI đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu hàng hoá và giải quyết việc làm cho người lao động. Vì này cho hay các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cũng hỗ trợ các doanh nghiệp của địa phương tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hiện đại.

“Mặc dù tình hình kinh tế hiện nay đang khó khăn nhưng các doanh nghiệp đang cố gắng để giữ vững mục tiêu tăng trưởng đã đề ra. Lãnh đạo thành phố luôn đồng hành, sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp FDI giải quyết những vấn đề gặp phải trong quá trình hoạt động và thực hiện thủ tục”, ông Hồ Kỳ Minh cam kết.

Một doanh nghiệp từ Hoa Kỳ đang đầu tư tại khu công nghệ cao Đà Nẵng.

Một doanh nghiệp từ Hoa Kỳ đang đầu tư tại khu công nghệ cao Đà Nẵng.

Trong một cuộc trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp về thu hút đầu tư FDI tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Tiến Quang – Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại miền Trung – Tây Nguyên (VCCI miền Trung – Tây Nguyên) cho rằng địa phương cần xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, hợp tác PPP cụ thể cho từng dự án trọng điểm trong kêu gọi đầu tư theo như quy hoạch nhằm giúp cho nhà đầu tư có nhiều thông tin, dữ liệu chất lượng để đánh giá cơ hội trong đầu tư, rút ngắn thời gian tìm hiểu và hạn chế trình trạng nhà đầu tư phải đi lòng vòng nhiều cơ quan, gõ nhiều cửa…qua đây, giúp cho nhà đầu tư nhanh chóng ra quyết định đầu tư. Đối với những dự án kêu gọi đầu tư có vốn lớn, độ phức tạp cao thì cần thành lập các “tổ hỗ trợ đầu tư” để theo chân nhà đầu tư cung cấp thông tin, giải quyết kịp thời các vấn đề mà nhà đầu tư gặp phải trong quá trình đầu tư.

Theo ông Quang, Đà Nẵng cần ổn định giá thuê đất, sử dụng hạ tầng tại các khu công nghiệp do thành phố đầu tư. Đối với những khu công nghiệp do tư nhân đầu tư, thực hiện chức năng quản lý nhà nước, thành phố cần xây dựng cơ chế, chính sách điều chỉnh hoạt động cho thuê hạ tầng tại các khu công nghiệp do tư nhân đầu tư nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp đầu tư hạ tầng cho thuê và doanh nghiệp đi thuê.

“Trong lúc cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn như hiện nay, thành phố cần thực hiện hiệu quả hơn các chính sách giảm tiền thuê đất nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp, tạo niềm tin chính quyền luôn đồng hành với doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lúc khó khăn và cũng là thông điệp có tính thuyết phục cao gửi đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư đang tìm hiểu, đang lưỡng lự, chưa đưa ra quyết định đầu tư…nhanh chóng “chốt’ các quyết định đầu tư của mình”, ông Nguyễn Tiến Quang nói.

Cùng với đó, Giám đốc VCCI miền Trung – Tây Nguyên cũng cho rằng Đà Nẵng cần có chiến lược, giải pháp nâng cao năng lực đội ngũ doanh nhân, nguồn nhân lực chất lượng phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài công nghệ, thì chất lượng nhân lực vẫn là một rào cản không nhỏ cho sự phát triển doanh nghiệp Đà Nẵng. Chất lượng nguồn nhân lực vẫn là điểm nghẽn trong thu hút đầu tư nước ngoài của Đà Nẵng nói riêng, các tỉnh thành tại khu vực Miền Trung – Tây Nguyên nói chung.

Đặc biệt, nâng cao hiệu quả và đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư cả trong và ngoài nước. Cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin kinh tế - xã hội, quy hoạch, định hướng thu hút đầu tư của thành phố cho các nhà đầu tư.

Đà Nẵng cần sớm hoạn thiện hạ tầng nối với các khu công nghiệp, đẩy nhanh tiến độ khu công nghiệp mới,... để tăng cơ hội thu hút đầu tư.

Đà Nẵng cần sớm hoàn thiện hạ tầng nối với các khu công nghiệp, đẩy nhanh tiến độ khu công nghiệp mới,... để tăng cơ hội thu hút đầu tư.

Đồng thời, xúc tiến đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, chủ động hơn, đúng trọng tâm, bám sát nhu cầu và thực tế của thành phố, trực tiếp đến từng tập đoàn, đối tác, hướng vào thị trường và sản phẩm cụ thể. Trong kêu gọi đầu tư chú ý không chỉ nêu bật tiềm năng, lợi thế so sánh của riêng Đà Nẵng mà còn đặt ở tầm nhìn liên kết vùng. Nghiên cứu hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành tại khu vực trong xúc tiến, kêu gọi đầu tư để cùng tiến, cùng thắng trong thu hút nguồn lực phát triển khu vực.

“Đối vối những dự án đã và đang triển khai còn vướng thủ tục pháp lý, các vấn đề phát sinh qua thanh kiểm tra, hậu kiểm thì thành phố cần phối hợp các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ dứt điểm, hiệu quả hơn  để các dự án này tiếp tục được triển khai, qua đây vừa giúp khơi thông nguồn lực, vừa tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế của thành phố trong thời gian tới. Giải quyết tốt câu chuyện này, cũng là thông điệp mạnh mẽ, tạo niềm tin tốt cho nhà đầu tư, doanh nghiệp là thành phố luôn đồng hành, chia sẻ, thực hiện cam kết với doanh nghiệp, nhà đầu tư trên tinh thần hài hòa lợi ích, tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư”, ông Nguyễn Tiến Quang đề xuất.

Có thể bạn quan tâm

  • Thu hút nguồn nhân tài để triển khai quy hoạch Đà Nẵng trong tương lai

    Thu hút nguồn nhân tài để triển khai quy hoạch Đà Nẵng trong tương lai

    10:44, 25/11/2023

  • Đà Nẵng cần có chiến lược đầu tư cho chuyển đổi xanh

    Đà Nẵng cần có chiến lược đầu tư cho chuyển đổi xanh

    14:22, 23/11/2023

  • Thúc đẩy trung tâm trí tuệ nhân tạo tại Đà Nẵng

    Thúc đẩy trung tâm trí tuệ nhân tạo tại Đà Nẵng

    00:30, 10/11/2023

  • Đà Nẵng: Dự án công viên phần mềm gần 1000 tỷ đồng “tắc” ở đâu?

    Đà Nẵng: Dự án công viên phần mềm gần 1000 tỷ đồng “tắc” ở đâu?

    11:20, 27/10/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp FDI tại Đà Nẵng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO