Làm gì để thúc đẩy ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Đà Nẵng?

TUẤN VỸ 14/12/2023 01:12

Để thúc đẩy ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, TP. Đà Nẵng cần có cơ chế thu hút nhân tài, thu hút đầu tư đến địa phương hoạt động và chuyển giao công nghệ.

>>Phát triển nguồn nhân lực công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Đà Nẵng

Hiện tại, TP. Đà Nẵng đang có nhiều điều kiện cơ bản để nhập cuộc với ngành công nghiệp bán dẫn như 1 khu công nghệ cao, 6 khu công nghiệp (KCN) và chế xuất, 3 khu Công nghệ thông tin (CNTT), công viên phần mềm đang hoạt động.  Đồng thời, Đà Nẵng đã triển khai đầu tư xây dựng Khu công viên phần mềm số 2, hiện đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý để đưa vào vận hành, khai thác.

Cùng với đó, Đà Nẵng đang tiếp tục mở rộng Khu CNTT tập trung giai đoạn 2, thu hút đầu tư Khu Không gian sáng tạo Hòa Xuân, hỗ trợ triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng Tòa nhà công nghệ cao Viettel, Khu CNTT Đà Nẵng Bay. Đến nay, TP. Đà Nẵng có 2.450 doanh nghiệp công nghệ số, đứng thứ 2 toàn quốc (sau TP. HCM), có 46.000 nhân lực công nghệ số.

Tuy nhiên, địa phương này vẫn đang gặp một số khó khăn nhất định trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, nhất là vấn đề đào tạo nhân lực phục vụ ngành. Cùng với đó là khó khăn từ chính sách để thành phố Đà Nẵng tham gia vào chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn.

a

Hiện tại, Đà Nẵng đang gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn.

Để thúc đẩy phát triển ngành, bà Nguyễn Thị Phượng – Phó Giám đốc Sở Thông tin truyền thông Đà Nẵng cho rằng địa phương cần sớm xây dựng Chiến lược về phát triển ngành công nghiệp vi mạch, bán dẫn cũng như phát triển nguồn nhân lực này trên địa bàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Qua đó, xác định lợi thế hiện có của thành phố để cụ thể các cơ chế, chính sách khả thi thu hút, ưu đãi đối với các nhà đầu tư, các tổ chức quan tâm về lĩnh vực khi đến với thành phố.

“Hiện nay thành phố xác định ngành công nghiệp bán dẫn có tính đặc thù vượt trội thì đối với các chương trình xúc tiến, kêu gọi đầu tư, hợp tác quốc tế hàng năm trong thời gian đến phải được quan tâm đặc biệt cho lĩnh vực này. Đồng thời, giao rõ nhiệm vụ để các sở, ngành triển khai hiệu quả việc kết nối giữa các trường Đại học có chuyên ngành đào tạo với các doanh nghiệp trong phát triển nguồn nhân lực - có lộ trình, thời gian cụ thể để hình thành liên minh các trường Đại học trên địa bàn thành phố tham gia đào tạo cho lĩnh vực vi mạch bán dẫn”, bà Phượng đề xuất.

Cùng với đó, vị này cũng kiến nghị UBND TP. Đà Nẵng sớm đề xuất những cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn như cơ chế thu hút chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về sản xuất vi mạch, bán dẫn về thành phố làm việc để chuyển giao tri thức, kinh nghiệm với các hình thức thu hút làm việc ngắn hạn, dài hạn, liên kết trong đào tạo, nghiên cứu khoa học hoặc tham gia sự kiện, hội nghị, hội thảo tại thành phố…, bổ sung lĩnh vực vi mạch, bán dẫn vào lĩnh vực ưu tiên đầu tư.

Đồng thời, nghiên cứu cơ chế tài chính hỗ trợ phát triển ngành vi mạch, bán dẫn mà trong đó ưu tiên cho vay ưu đãi trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực này từ các tổ chức tín dụng, bổ sung thêm nguồn vốn cho các tổ chức này theo quy định của pháp luật nhằm thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất vi mạch, bán dẫn trong thời gian tới phù hợp với quy hoạch phát triển thành phố thời kỳ 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

TP. Đà Nẵng sớm đề xuất những cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn như cơ chế thu hút

Đà Nẵng cần sớm có cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn như cơ chế thu hút đầu tư, thu hút chuyên gia đến địa phương.

“Xem xét nghiên cứu, đề xuất phục hồi lại Trung tâm Vi mạch mà thành phố (đã giải thể vào năm 2022) để thành phố sớm có một Trung tâm Vi mạch và Trí tuệ nhân tạo, làm cơ sở cho công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao lĩnh vực vi mạch, bán dẫn trên địa bàn thành phố”, bà Phương đề xuất thêm.

Tại Lễ Công bố Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa qua, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT nhìn nhận Đà Nẵng có đủ điều kiện để trở thành Thung lũng Silicon. Theo ông Bình, Đà Nẵng có nhiều lợi thế khi có tỉ lệ trường đại học/dân số cao nhất cả nước, sinh viên chiếm 10% dân số.

“Cùng với đó là các tập đoàn như Intel, Synopsys và nhiều công ty công nghệ, bán dẫn lớn trên thế giới đã có mặt ở Đà Nẵng”, ông Bình nói về lợi thế của Đà Nẵng.

Tương tự, ông Trịnh Thanh Lâm - Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Synopsys khu vực Nam Á kiến nghị khi dư địa phát triển công nghệ thông thường không còn thì Đà Nẵng phải làm công nghệ cao. Vị này cho rằng Đà Nẵng hoàn toàn làm chủ được công nghệ, nhân lực, chất lượng kỹ sư cũng hoàn toàn đáp ứng tốt cho ngành vi mạch bán dẫn.

“Các trường đại học tại Đà Nẵng đã sẵn sàng cho việc đào tạo kỹ sư bán dẫn. Thành phố đã và đang chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho các công ty thiết kế chip, công ty kiểm thử, lắp ráp”, ông Lâm nói.

Theo kế hoạch đến năm 2030, Đà Nẵng xác định ưu tiên phát triển công nghiệp thiết kế, sản xuất vi mạch, xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GRDP Thành phố. Cụ thể, tại địa phương có tối thiểu 8.950 doanh nghiệp công nghệ số và 115.000 nhân lực công nghệ số với tối thiểu 7 khu CNTT, công viên phần mềm.

Trong Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, vấn đề đặt ra với TP. Đà Nẵng”, ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng đã yêu cầu UBND thành phố sớm đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể để thúc đẩy công nghiệp vi mạch bán dẫn trên địa bàn để trình HĐND. Cụ thể, cần nghiên cứu cơ chế thu hút chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về Đà Nẵng làm việc để chuyển giao tri thức, kinh nghiệm với các hình thức thu hút làm việc ngắn hạn, dài hạn, liên kết trong đào tạo, nghiên cứu khoa học,...

Đồng thời, đưa nội dung vi mạch, bán dẫn vào chương trình xúc tiến, kêu gọi đầu tư, hợp tác quốc tế năm 2024. Trong đó, tập trung thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn trong lĩnh vực thiết kế vi mạch và bán dẫn, đóng gói và kiểm thử khi đầu tư vào Đà Nẵng. Đặc biệt, tăng cường liên kết giữa Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp - nhà khoa học để phát triển nguồn nhân lực và tham mưu đề xuất các chính sách đối với ngành công nghiệp vi mạch, bán dẫn,...

Có thể bạn quan tâm

  • Nhiều đề xuất hỗ trợ cho doanh nghiệp Đà Nẵng

    Nhiều đề xuất hỗ trợ cho doanh nghiệp Đà Nẵng

    11:55, 13/12/2023

  • Đà Nẵng gặp khó trong thu ngân sách

    Đà Nẵng gặp khó trong thu ngân sách

    01:10, 13/12/2023

  • Cải thiện môi trường đầu tư Đà Nẵng theo hướng nào?

    Cải thiện môi trường đầu tư Đà Nẵng theo hướng nào?

    01:30, 05/12/2023

  • Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp FDI tại Đà Nẵng

    Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp FDI tại Đà Nẵng

    01:17, 30/11/2023

  • Thu hút nguồn nhân tài để triển khai quy hoạch Đà Nẵng trong tương lai

    Thu hút nguồn nhân tài để triển khai quy hoạch Đà Nẵng trong tương lai

    10:44, 25/11/2023

TUẤN VỸ